| Hotline: 0983.970.780

Những công trình thuỷ lợi kỳ vĩ

Người anh hùng ở công trình thế kỷ

Thứ Năm 27/10/2022 , 13:53 (GMT+7)

Thời đó, hơn nửa triệu nhân công làm việc ở công trường hồ Dầu Tiếng, ai cũng xuất sắc cả, nhưng chỉ có 1 người duy nhất vinh dự được phong Anh hùng Lao động.

Một góc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng. Ảnh: Hồng Thủy.

Một góc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng. Ảnh: Hồng Thủy.

Bài liên quan

Đó là ông Thân Công Khởi, 73 tuổi, nguyên công nhân lái máy cạp tự hành, tham gia thi công đập chính và sau đó thi công kênh Tây, một trong 2 tuyến kênh huyết mạch của hồ Dầu Tiếng. Ông Khởi là người duy nhất được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động ngay tại công trường vào năm 1985.

Tôi chỉ đại diện cho tập thể

Ngôi nhà nhỏ của ông Khởi nằm trên đường Nguyễn Xí, phường 26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cách trụ sở văn phòng Tổng công ty Thuỷ lợi 4 (tiền thân của Xí nghiệp liên hợp xây dựng Thuỷ lợi khu vục 4) vài trăm mét. Nhưng lại cua quẹo nhiều lần, ông sợ tôi mất thời gian tìm, hỏi thăm nên đi bộ ra tận đường lớn đứng đợi và liên tục gọi điện thoại hỏi tôi đã đi đến đâu.

Trước khi vào làm hồ Dầu Tiếng, ông Khởi đã có mặt ở hàng chục công trình thuỷ lợi, trải dài từ miền Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn Tây, Hải Hưng, đến miền Trung như Tam Kỳ, Quảng Nam, Nha Trang.

“Tôi quê xã Đan Hội, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Năm 1969, khi chưa tròn 17 tuổi tôi đã đi Thanh niên xung phong, làm thủy lợi rồi. Ban đầu làm thợ đào, sau đó tôi được biên chế vào đội cơ giới. Bắt đầu từ phụ lái, dần dần thành lái chính, và lái giỏi nữa.

Ngày 23/9/1979, khi đang làm công trình ở Quảng Ninh thì được lệnh hành quân vào miền Nam để xây dựng công trình thủy lợi Dầu Tiếng. Chuyến đi đó không biết có tổng cộng bao nhiêu người, nhưng tôi nghĩ lên đến hàng ngàn, bao gồm kỹ sư, công nhân, dân công. Do lũ lụt, đường tàu trục trặc, chúng tôi kẹt trên tàu 5 ngày trời trong tình trạng thiếu lương thực.

Đến ngày 28, chúng mới xuống đến ga Bình Triệu, TP.HCM. Vừa xuống tàu là chúng tôi chuyển ngay sang xe ô tô hành quân lên hồ Dầu Tiếng. Lúc đó, khu vực thi công hồ chỉ có rừng, đất hoang, chứ không có nhà cửa, đường giao thông như bây giờ”, ông Khởi nhớ lại.

Anh hùng Lao động Thân Công Khởi. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh hùng Lao động Thân Công Khởi. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Ở công trình hồ Dầu Tiếng, chắc chú có nhiều thành tích nổi bật nên mới được phong Anh hùng?”, tôi hỏi. “Ở công trường thời đó, ai cũng làm việc hăng say, ai cũng xứng đáng. Tôi chỉ là người đại diện tập thể thôi chứ cũng không có gì nổi bật cả”, ông đáp.

Mặc dù vậy, qua những câu chuyện ông Khởi kể, có thể thấy, ông xứng đáng với danh hiệu Anh hùng.

Kênh chính Tây, một trong 2 kênh huyết mạch của công trình hồ Dầu Tiếng, nơi ông Khởi thi công và nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Ảnh: Hồng Thủy.

Kênh chính Tây, một trong 2 kênh huyết mạch của công trình hồ Dầu Tiếng, nơi ông Khởi thi công và nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Ảnh: Hồng Thủy.

Tổ máy của ông Khởi có gần 30 công nhân, được giao 7 máy cạp Komatsu D85, mỗi máy có 3-4 người vận hành, đảm nhiệm đào kênh chính Tây, bắt đầu từ chân núi Bà Đen đến xã suối Đá, huyện Dương Minh Châu, dài gần 40km. Mỗi khi thi công đến đoạn kênh mới, ông Khởi lại trực tiếp đi khảo sát địa hình, địa thế trước để có phương án thi công an toàn, hiệu quả nhất. Là người từng đã có kinh nghiệm khảo sát địa hình cho nhiều công trình thuỷ lợi khắp miền Bắc, nên sau mỗi lần khảo sát, phương án thi công ông đưa ra luôn được cả tổ tán đồng.

DSC01323

Ông Thân Công Khởi: "Mỗi khi nghĩ đến việc công trình thế kỷ Dầu Tiếng có một phần sức trẻ của mình, tôi rất vui". Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Khởi nói: “Thi công tuyến kênh dài mấy chục cây số, cứ sau mỗi đoạn hoàn thành, lại phải hành quân đến đoạn kế tiếp, dựng lán trại mới. Nên ngoài việc nắm rõ địa hình, địa chất, mình còn phải tìm địa điểm dựng lán trại có nguồn nước, thông thoáng, đảm bảo sức khoẻ cho công nhân thì làm việc mới hiệu quả”.

Ông Khởi là người đảm nhiệm nhiều việc hơn, khó hơn, nhưng vẫn luôn quan tâm đến mọi người, đối xử hòa đồng, không phân biệt, vào rừng chặt củi, cùng mọi người dựng lán trại, vào bếp nấu ăn. Tết đầu tiên ở Dầu Tiếng, ông đích thân đi vào trong dân, sắm sửa cho mọi người có một cái tết ấm cúng. Vì thế, tổ cạp của ông như một gia đình.

Là người nổi tiếng “yêu máy như con”, ông Khởi thường nhắc nhở công nhân việc phải hiểu máy, biết khi nào máy không khoẻ để chăm sóc, bảo trì. Nhờ trách nhiệm cao với tài sản tập thể, lại hiểu máy, ông Khởi nhiều lần sửa chữa thành công những hỏng hóc. Có lần ông tiết kiệm cho đơn vị số tiền khoảng 2.500 USD khi sửa thành công bộ phận bơm cho máy.

Năm 1985, ông Khởi là người công nhân duy nhất được trao danh hiệu Anh hùng Lao động ngay tại công trường. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Năm 1985, ông Khởi là người công nhân duy nhất được trao danh hiệu Anh hùng Lao động ngay tại công trường. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Những hạt gạo đầu tiên “uống nước” Dầu Tiếng

Trong ký ức của ông Khởi, còn nguyên những khung hình đối lập đến ngỡ ngàng: “Lúc chúng tôi lên Tây Ninh làm hồ, thấy trước mắt mình là những cánh đồng khô cằn, hoa màu èo uột. Khu vực xung quanh hồ Dầu Tiếng, nơi từng có cả một xã là Lộc Ninh hiện diện ở khu vực lòng hồ hiện nay, cây cỏ bạt ngàn, xơ xác, bụi bám từ mái nhà đến lá cây. Dân cư thưa thớt, đời sống khó khăn, đường đất đỏ, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô chỉ cần vung chân đá là bụi tung mịt mù. Nhưng đến cuối năm 1985, tức gần 1 năm sau khi đồng ruộng Tây Ninh được 'uống' nước hồ, khung cảnh thiếu sự sống trên đã không còn, thay vào đó là một màu xanh, không khí mát mẻ, dễ chịu hơn”, ông Khởi kể.

Để tạo ra những hình ảnh đối lập này là cả một hành trình dài đầy ắp gian khó của hàng triệu lao động. “Trong khó khăn thời ấy, cũng có người lung lay chí. Riêng tôi, chưa bao giờ trong lòng có suy nghĩ nản chí. Vì tôi từng nhiều năm trải qua cảnh sống thiếu thốn, ở rừng, ngủ giữa trời, đói khát, cực khổ rồi. Quan trọng hơn cả, tôi nghĩ, người thợ ra công trường, thấy khó, thấy khổ mà bỏ về thì cũng như người lính đào ngũ”, ông Khởi nói.

DSC01329

Xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, từng là một trong những nơi khô cằn nhất vì quanh năm thiếu nước. Nay đã trù phú như mọi miền quê khác nhờ nước kênh Tây chảy qua. Ảnh: Hồng Thuỷ. 

Những năm tháng cực khổ của ông Khởi và hàng trăm ngàn người khác trong nhiều năm thi công hồ Dầu Tiếng, cuối cùng cũng được đền đáp. Đó là dấu mốc ngày 10/1/1985, hồ Dầu Tiếng chính thức mở nước phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha ruộng đồng ở Tây Ninh. Khi đó, dòng nước từ hồ Dầu Tiếng ào ạt tuôn theo 2 tuyến kênh chính Đông và Tây với tổng chiều dài hơn 80km, rồi toả đi các tuyến kênh cấp 1, 2, 3, hồi sinh cho cây trồng.

“Trong suốt mấy chục năm công tác, tham gia làm hàng chục công trình thuỷ lợi, ở khắp 3 miền, nhưng tôi hãnh diện nhất là được góp sức vào 2 công trình lớn, đó là hồ Dầu Tiếng và tuyến kênh T4, T5, T6. Trong đó, tuyến kênh T5 còn được người dân miền Tây gọi là kênh 'Ông Kiệt', dài 48km, chảy qua 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang ra biển, giúp ngọt hoá vùng tứ giác Long Xuyên mênh mông từ bao đời chỉ có lau sậy, hoang hoá. Tuyến kênh này do chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khai sinh và trực tiếp chỉ đạo xây dựng. Ghi nhớ công ơn cố Thủ tướng, tuyến kênh được đổi tên thành kênh Võ Văn Kiệt”, ông Khởi nói.

DSC01334

Ông Nguyễn Văn Cảm, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, Tây Ninh: "Từ khi có nước hồ Dầu Tiếng, cuộc sống thay đổi hẳn". Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Lê Thành Công, 67 tuổi, nguyên Bí thư xã đoàn Hiệp Tân và Bí thư Huyện đoàn Hòa Thành, Tây Ninh, Phó ban chỉ huy công trường cấp huyện, còn nhớ như in: “Hôm trước ngày hồ Dầu Tiếng mở nước, có lẽ tất cả người dân Tây Ninh, trong đó có tôi, rạo rực trong lòng, không ngủ được. Cho nên, ngày hôm sau, hầu như toàn bộ người dân các vùng nước chảy qua đều mở hội ăn mừng, đánh trống, khua chiêng. Ban đêm, đi dọc kênh N4, chỗ nào cũng thấy người dân tụm lại, đốt rơm, cỏ khô sáng rực, vừa reo hò, vừa nhảy múa. Cảnh tượng chẳng khác gì ngày giải phóng đất nước”.

Trong cuốn hồi ký “Trên nẻo đường quê hương” của ông Sáu Thượng (Đặng Văn Thượng, nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, người có công lớn trong quá trình xây dựng hồ Dầu Tiếng), có ghi lại câu chuyện xúc động rằng, ngay năm đầu tiên hồ Dầu Tiếng mở nước, bà con nông dân có vụ lúa bội thu. Nên sau khi thu hoạch, đã mang cả trăm tấn gạo đến tặng tỉnh Tây Ninh để tỏ lòng tri ân Đảng, Nhà nước. Đó là những hạt gạo mà trước đây chưa bao giờ có được trên đất Tây Ninh vào mùa khô. Số gạo nghĩa tình này được tỉnh Tây Ninh chia, gửi cho các đoàn khách quốc tế, các tỉnh bạn.

Kênh chính Đông không chỉ đẹp như một bức tranh, mà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế các địa phương phía Đông Tây Ninh và TP.HCM, đặc biệt là huyện Củ Chi. Ảnh: Hồng Thủy.

Kênh chính Đông không chỉ đẹp như một bức tranh, mà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế các địa phương phía Đông Tây Ninh và TP.HCM, đặc biệt là huyện Củ Chi. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Khởi vinh dự hơn các đồng đội khác khi được phong danh hiệu Anh hùng Lao động ngay tại công trường. Năm sau, ông lại vinh dự trở thành đại biểu đi dự “Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng”, đại hội mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Tại Đại hội, ông Khởi trở thành “Báo cáo viên”, đại diện cho tầng lớp công nhân, người lao động, trình bày những suy nghĩ, trăn trở về lĩnh vực liên quan đến người lao động. Trong đó, ông nêu ý kiến về việc “khoán” lao động, dẫn chứng từ công trường hồ Dầu Tiếng.

“Thời gian đầu, công trường hồ Dầu Tiếng làm việc theo kiểu nghe tiếng kẻng, không có kẻng không ai làm. Hiệu quả rất thấp. Sau đó, nhờ có sáng kiến chia tổ, khoán sản lượng, làm việc có giám sát, nghiệm thu, thì hiệu quả mới tăng lên nhiều lần”, ông Khởi kể.

Xem thêm
Đồng ý cho thôi chức vụ 4 Ủy viên Trung ương khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét và đồng ý cho thôi chức vụ 4 Ủy viên Trung ương khóa XIII.

Mưa bão nửa cuối tháng 7 gây ngập úng hơn 63.000ha cây trồng tại Bắc bộ

Đến ngày 1/8, diện tích ngập úng đã giảm, tuy nhiên hiện vẫn còn hơn 400ha cây trồng của bà con đang ngập trong nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hái chè ở bản Bo: Ký ức đẹp trong lòng người Mông

Lời động viên, căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp bà con các dân tộc Lai Châu đồng lòng vượt khó, phát triển kinh tế để cuộc sống khấm khá hơn.