| Hotline: 0983.970.780

Thủy nông viên điêu đứng vì đâu?

Thứ Năm 12/01/2023 , 14:16 (GMT+7)

Điều mà các công ty thủy lợi mong mỏi nhất lúc này, đó là Thành phố Hà Nội sớm phê duyệt giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

z4027989783699_5926d33d61a26da1f214a2ee604e079e

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam trò chuyện cùng công nhân Xí nghiệp thủy lợi La Khê (Hà Nội). Ảnh: Minh Phúc.

Trong quá trình thực hiện loạt bài “Tết trầy trật của thủy nông viên”, chúng tôi được một số cán bộ quản lý các công ty thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội chia sẻ những vướng mắc tài chính về cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Địa phương chưa phê duyệt giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi mới

Bài liên quan

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy (Công ty Sông Đáy), Nghị định 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, các doanh nghiệp thủy lợi trên toàn quốc xây dựng giá dịch vụ công ích thủy lợi của đơn vị mình.

Giá dịch vụ công ích thủy lợi có 2 loại: một là do Bộ Tài chính ban hành trên toàn quốc (giá chung), hai là các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào giá chung đó xây dựng giá riêng dựa vào đặc thù hệ thống công trình thủy lợi.

Ví dụ, diện tích phục vụ tưới tiêu của Công ty Sông Đáy bằng diện tích phục vụ của một công ty thủy lợi vùng ven biển của Nam Định nhưng số lượng người, số lượng công trình thủy lợi gấp 4 lần (lý do là đặc thù ở Nam Định không có nhiều hệ thống công trình thủy lợi, mà chủ yếu là đóng và mở cống để lấy và tiêu nước. Do đó, tiền thủy lợi phí nhà nước đặt hàng theo khung giá của Bộ Tài chính đã đủ hoặc thừa chi phí rồi).

Nếu Thành phố Hà Nội đặt hàng dịch vụ thủy lợi cho Công ty Sông Đáy theo khung giá mà Bộ Tài chính ban hành thì mới đáp ứng được khoảng 50% - 55% một chút, tức là thiếu khoảng 45% - 50% kinh phí. Do vậy, từ năm 2017 đến nay, năm nào Thành phố cũng phải cấp bù kinh phí (phần còn thiếu) cho công ty.

Được biết, Công ty Sông Đáy quản lý cả vùng đồng bằng, vùng bán sơn địa và khu vực chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang (Chương Mỹ, Mỹ Đức) và vùng ven đô.

Những năm qua, biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết ngày càng thất thường, diện tích sản xuất nông nghiệp giảm đáng kể, cơ cấu cây trồng thay đổi liên tục, chất lượng nước thì ô nhiễm do rác thải, nước thải đổ ra kênh mương vô cùng nhức nhối nên công tác phục vụ thủy lợi càng khó khăn hơn. Có những khu vực sản xuất nông nghiệp ngành thủy lợi phải bơm 4 cấp mới dẫn nước đến nơi.

Không những thế, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi (lấn chiếm, xây dựng vào hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và xả thải vào công trình thủy lợi) ngày càng gia tăng, anh em thủy nông viên phải làm việc rất vất vả.

Trước những khó khăn vướng mắc trên, chính quyền Thành phố đang tìm cách tháo gỡ. Điển hình là ngày 27/10/2022, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 38 về Quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn Thành phố Hà Nội (thay thế Quyết định 1752 cũ ban hành năm 2017).

z4027989792753_ddbfafaef4f66614e54f3399df1c19b4

Thủy nông viên của Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy chỉ được tạm ứng lương 2 triệu đồng/tháng. Ảnh: Minh Phúc.

Các công ty thủy lợi cũng đang phối hợp với Sở NN-PTNT để trình Thành phố phê duyệt giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn Hà Nội. Nếu đơn giá được phê duyệt thì sẽ tháo gỡ được một phần khó khăn, nhất là lương và thu nhập của người lao động sẽ tăng khoảng 15 – 20%. Đồng thời Thành phố Hà Nội sẽ có đủ điều kiện và cơ sở để đặt hàng sản phẩm dịch vụ thủy lợi chính thức đối với các công ty, chứ không phải cấp bù chi phí và đặt hàng tạm thời như mấy năm vừa qua nữa.

Đặc biệt, định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định số 38 sẽ giải quyết được một phần bất cập của định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định 1752. Cụ thể, theo định mức cũ, công ty phục vụ cho người dân canh tác nhưng rất nhiều diện tích không được nghiệm thu.

Ví dụ, trên một cánh đồng có 5 thửa ruộng thì công ty ký hợp đồng phục vụ cả 5 thửa (cung cấp nước tưới như nhau), nhưng đến lúc nghiệm thu, nếu một thửa ruộng trong số đó mà người dân không canh tác thì công ty chỉ được nghiệm thu 4 thửa còn lại. Hoặc khi công ty thủy lợi đã phục vụ tưới tiêu được 70% khối lượng rồi nhưng do thiên tai, bão lũ ập xuống, chỗ nào bà con không thu hoạch được thì cũng không được nghiệm thu.

Định mức kinh tế kỹ thuật mới (Quyết định 38) vẫn được xây dựng căn cứ vào diện tích phục vụ (nhưng chỉ chiếm phần nhỏ), còn quan trọng nhất là căn cứ vào hệ thống công trình thủy lợi. Ví dụ, Công ty có 165 trạm bơm, 900km kênh mương. Định mức kinh tế kỹ thuật sẽ tính công quản lý, vận hành, khai thác của một trạm bơm là bao nhiêu tiền. Nghĩa là công ty phục vụ bao nhiêu thì sẽ được hưởng bấy nhiêu.

Rất khó để tuân thủ quy định tài chính

Theo lãnh đạo một công ty thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội, khó khăn lớn nhất của thủy nông viên là thu nhập đã thấp nhưng tiền lương lại không được trả đầy đủ. Trong khi chờ Thành phố quyết toán kinh phí năm 2022, các công ty cố gắng co kéo bằng cách sử dụng nguồn ngân sách đặt hàng tạm thời để tạm ứng lương (bình quân từ 2-3 triệu đồng tùy điều kiện từng công ty), đóng bảo hiểm, trang phục bảo hộ, khám sức khỏe định kỳ hàng năm và tổ chức thi nâng bậc nghề… cho người lao động.

Empty

Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hư hỏng nhưng thiếu kinh phí sửa chữa. Ảnh: Minh Phúc.

Còn lại, mấy khoản nợ lớn của các công ty thủy lợi là tiền điện (mỗi công ty nợ hàng chục tỷ đồng), tiền sửa chữa công trình hư hỏng các nhà thầu đã ứng kinh phí. Mặc dù Sở NN-PTNT mới đồng ý chủ trương về những hạng mục chi này, nhưng công ty vẫn phải tiến hành làm ngay vì nhiều đoạn kênh nứt, đổ gãy ở giữa, nếu không sửa chữa kịp thời thì không thể cấp thoát nước được.

Thậm chí, nhiều đoạn kênh chưa kịp sửa chữa, anh em thủy nông viên phải lấy cái ống đặt tạm vào để dẫn nước hai đầu. Một số công trình, máy móc được đầu tư xây lắp từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều người không nghĩ đến bây giờ nó vẫn còn hoạt động được.

Trăn trở lớn nhất của lãnh đạo các doanh nghiệp thủy nông đó là việc tuân thủ quy định về tài chính. Nhiều lúc không có tiền nhưng công ty vẫn phải ký hợp đồng với các đối tác để tập huấn, thi nâng bậc lương… Bây giờ, toàn bộ sử dụng bằng hóa đơn điện tử, mua ngày nào xuất hóa đơn ngày đó, trong khi đến 31/1 là kết thúc năm tài chính của năm trước. Nếu công ty mua đồ bảo hộ, găng tay, ủng, quần áo… của năm 2022 mà xuất hóa đơn năm 2023 thì không thể quyết toán được.

Nếu doanh nghiệp chậm xuất hóa đơn, thanh tra thuế sẽ xử phạt hành chính. Mặc dù mức phạt chỉ 5 – 6 triệu đồng thôi nhưng ảnh hưởng rất lớn. Bởi nếu thanh tra thuế ra quyết định xử phạt hành chính, công ty đang xếp loại A hàng năm sẽ tụt xuống loại B. Doanh nghiệp xếp loại B thì chỉ được trích lợi nhuận định mức 1,5 tháng lương, trong khi doanh nghiệp đạt loại A được trích lợi nhuận định mức 3 tháng lương.

Empty

Bể trạm bơm Văn Khê 1, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội bị hư hỏng nhưng nhiều năm chưa được sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: Minh Phúc.

Mặt khác, với kinh phí eo hẹp nhà nước đặt hàng tạm thời, công ty không thể chi trả lương lương cho người lao động đảm bảo mức lương tối thiểu vùng theo định mức kinh tế kỹ thuật. Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy lợi đều là doanh nghiệp của nhà nước nên không có nguồn gì khác để bù vào. Nếu thanh tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kiểm tra thì rất có thể sẽ bị phạt. Doanh nghiệp không bao giờ muốn vi phạm quy định pháp luật, nhưng lực bất tòng tâm.

Đặc biệt, một số công ty thủy lợi mới chỉ tạm ứng lương cho người lao động bình quân khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng, nhưng có những công nhân bậc cao lương hàng tháng của họ khoảng 5 – 6 triệu đồng. Sắp tới, Thành phố cấp tiền cho công ty để trả lương còn thiếu cho người lao động năm 2022, nhưng nếu dồn số tiền nợ lương cả năm để trả vào 1 tháng mà không nộp thuế thu nhập cá nhân (từ 11 triệu đồng trở lên phải nộp thuế), thì thanh tra chuyên ngành sẽ vào xử phạt. Đó là một bất cập, vì nếu người lao động được trả đủ lương hàng tháng, thì họ sẽ không bị thu thuế thu nhập.

Điều mà các công ty thủy lợi mong mỏi nhất lúc này, đó là Thành phố Hà Nội sớm phê duyệt giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn Hà Nội. Từ đó, nâng cao một phần đời sống của thủy nông viên.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…