| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản gắn với du lịch hồ Hòa Bình, mục tiêu thu 500 tỷ đồng/năm

Thứ Năm 06/06/2024 , 18:01 (GMT+7)

Tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu số lồng nuôi ở hồ Hòa Bình khoảng hơn 10.000 lồng, sản lượng đạt 16.000 tấn, giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng/năm.

Nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình. Ảnh: TĐ.

Nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình. Ảnh: TĐ.

UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh Hòa Bình sẽ xây dựng 8 vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung gắn với các tua, tuyến, điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình, không xung đột với giao thông thủy, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt và không tác động tiêu cực đến vận hành thủy điện.

Cụ thể, số lồng nuôi thủy sản ở hồ Hòa Bình vào khoảng hơn 10.000 lồng, sản lượng đạt 16.000 tấn/năm; giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng/năm. 100% cơ sở nuôi cá lồng nắm được kiến thức về kỹ thuật nuôi cá lồng, bảo vệ môi trường sinh thái và nghiệp vụ hướng dẫn, quản lý hoạt động du lịch. 80% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương.

Nuôi trồng thủy sản hồ Hòa Bình sẽ kết hợp với các hoạt động du lịch như tham quan, học tập, câu cá giải trí và trải nghiệm về nuôi thủy sản, tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, góp phần thu hút khoảng 1.600.000 lượt khách du lịch đến với Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động với khoảng 1.600 lao động trực tiếp.

UBND tỉnh Hòa Bình giao Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung theo đề án. Tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án định kỳ hàng năm và 5 năm. Đề xuất, tham mưu UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện các dự án ưu tiên thuộc đề án được phân công. Phối hợp với các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các vùng sản xuất thủy sản tập trung gắn với chỉ dẫn địa lý, mã số vùng nuôi đáp ứng nhu cầu, quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tổ chức phát triển các mô hình nuôi thủy sản lồng bè trên hồ chứa gắn với du lịch. Hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng bè và tuyên truyền phổ biến pháp luật về thủy sản. Mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm như công nghệ ương, nuôi bể nổi, công nghệ Biofloc, Semi-Bifloc, công nghệ tuần hoàn, nhà kín... để tăng năng suất, giá trị sản xuất thủy sản.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình xây dựng bản đồ số hóa dữ liệu quan trắc, cảnh báo môi trường nguồn nước các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn, tích hợp vào hệ thống dữ liệu quan trắc nuôi trồng thủy sản quốc gia nhằm phục vụ cho hoạt động nuôi trồng, truy xuất dữ liệu về môi trường. Chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát, phòng chống các loại dịch bệnh thủy sản nguy hiểm theo quy định cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền và Tổ chức Thú y thế giới trên đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Xem thêm
Xử lý triệt để tàu cá mất kết nối giám sát hành trình

TP Đà Nẵng cần xác minh, xử lý triệt để tàu cá mất kết nối giám sát hành trình, tàu cá vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.

Cá ngừ Việt Nam đứng tốp đầu thế giới

Sau 10 năm liên tục phát triển, ngành hàng cá ngừ Việt Nam hiện đã đứng trong tốp 5 những nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới với kim ngạch tỷ đô.

Khám bệnh, tặng quà cho ngư dân Tiền Giang

Chương trình thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tại tỉnh Tiền Giang như tặng quà cho 200 ngư dân, học bổng cho 200 thiếu nhi và khám chữa bệnh miễn phí 500 người dân.