Phương tiện vi phạm khi khai thác giảm mạnh trong thời gian qua |
Ghi nhận thực tế cho thấy, ngành thủy sản Nghệ An có lúc đối diện với muôn vàn thách thức, nổi cộm là tình trạng một số công ty, đại lý vẫn SX, phân phối các sản phẩm ngoài danh mục được phép lưu hành; người nuôi sử dụng vật tư đầu vào không rõ nguồn gốc, không tiến hành khai báo chiếm tỷ lệ cao; kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; việc chuyển đổi các mô hình SX còn nhiều khó khăn…
Song nhờ sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành liên quan từ Trung ương xuống cơ sở, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT nên đã có chuyển biến rõ rệt.
Qua rà soát tổng thể, hiện đội ngũ phương tiện đang phát triển theo hướng giảm dần các loại tàu cá có công suất nhỏ, thường xuyên hoạt động vùng lộng và ven bờ. Khuyến khích gia tăng các tàu cá công suất lớn (hiện số lượng tàu có công suất từ 90CV trở lên là 1.434 chiếc, tăng 283 chiếc so với năm 2015), điểm nhấn là loạt phương tiện đóng mới theo Nghị định 67.
Tình trạng đánh bắt thủy sản gần bờ không phổ biến như trước |
Nhờ nguồn ngân sách Nhà nước và các dự án hỗ trợ đầu tư nên hệ thống cảng cá, các khu neo đậu tàu ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện. Điển hình là dự án CRSD đã hỗ trợ xây dựng, mở rộng cảng cá Lạch Vạn, Lạch Hội, cùng lúc xây dựng cảng cá Quỳnh Phương và khu neo đậu tránh trú bão Lạch Lò. Nhìn chung phần nào đáp ứng nhu cầu bốc xếp thuỷ sản của ngư dân.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Nghệ An, về lâu dài đây là tín hiệu hết sức đáng mừng, hứa hẹn sẽ giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch và giảm tình trạng bị tư thương ép giá, qua đó giúp phương tiện tăng thời gian bám biển và nâng cao hiệu quả kinh tế.
5 năm qua, nghề khai thác thủy sản có bước phát triển vượt bậc cả về chất lượng và số lượng; trang thiết bị phục vụ khai thác được đầu tư hiện đại (máy dò ngang, thông tin liên lạc tầm xa có gắn định vị vệ tinh, rada hàng hải…), nhiều ngành nghề mới đảm bảo khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản được áp dụng và phát triển (lưới vây, rê cá dưa, rê sam…); nhiều tổ hợp tác khai thác thủy sản được thành lập và hoạt động có hiệu quả ứng dụng KHCN.
Nghệ An chủ trương giảm tàu cá công suất nhỏ |
100% tàu cá hoạt động vùng lộng và vùng khơi đều được trang bị máy định vị vệ tinh, phần đa các tàu làm nghề lưới chụp 4 tăng gông và lưới vây có máy dò cá, số lượng máy dò cá ngang 45 độ qua các năm tăng đáng kể; phương tiện khai thác vi phạm giảm mạnh…
Số lượng phương tiện khai thác tại ngư trường Hoàng Sa tăng vọt theo cấp số nhân. Năm 2014 chỉ có 1 phương tiện, 2015 có 6 phương tiện thì chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã là 145 phương tiện. Sản lượng khai thác cũng tỷ lệ thuận theo, bình quân giai đoạn 2013 - 2017 tăng 6,06%/năm, 6 tháng đầu năm 2018 đạt đến 73.519 tấn thủy sản các loại, tăng 10,07% so với cùng kỳ.
Những thay đổi tích cực nói trên có sự đóng góp không nhỏ của Chi cục Thủy sản. Đơn vị đã tham mưu có hiệu quả cho Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh, ban hành nhiều văn bản pháp lý có giá trị... Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An khẳng định, sau 5 năm thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp và triển khai theo hướng dẫn của EU, kinh tế thủy sản địa phương đã có bước phát triển khá và tương đối toàn diện, đời sống ngư dân ngày một nâng cao.
Thay thế bằng các phương tiện công suất lớn, điển hình là các tàu đóng mới theo Nghị định 67 |
Thời gian tới ngành Thủy sản Nghệ An sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục quán triệt sâu sắc Luật Thủy sản nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng trong quá trình chống khai thác IUU. Đồng thời khuyến khích hoạt động đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao hướng đến thị trường tiêu thụ tốt. |