Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu thủy sản của Nga trong 9 tháng năm 2021 đạt 481,8 nghìn tấn, trị giá 1,77 tỷ USD, tăng 23,1% về lượng và tăng 29,9% về trị giá so với 9 tháng năm 2020.
Quần đảo Faroe, Belarus, Chile, Trung Quốc và Việt Nam là những thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Nga tính về lượng trong 9 tháng năm 2021.
Trong 9 tháng năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Nga từ Việt Nam tăng 79,8% về lượng và tăng 67,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 37 nghìn tấn, trị giá 130,8 triệu USD.
Thị phần thủy sản tính theo lượng của Việt Nam tại Nga tăng từ 5,26% trong 9 tháng năm 2020, lên 7,68% trong 9 tháng năm 2021. Thị phần hầu hết các mặt hàng thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nga tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Với Hiệp định Việt Nam – EAEU, nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế quan so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Theo đó, đối với 2 mã sản phẩm xuất khẩu lớn nhất là thịt cá đông lạnh khác (không bao gồm phi lê) (HS 030499) và tôm đông lạnh (HS 030617), Việt Nam đều được hưởng mức thuế 0%, trong khi thuế MFN (thuế tối huệ quốc) là 5% (nhưng không dưới 0,1 euro mỗi kg) và thuế ưu đãi dành cho các nước GSP là 3,75%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định, nhìn chung, với những ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định Việt Nam - EAEU, hàng thủy sản của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn tại thị trường Nga.
Tuy nhiên, thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nga tăng chậm do hàng rào phi thuế quan (kỹ thuật) của Nga đưa ra khá khắt khe, số lượng doanh nghiệp thủy sản được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Nga còn ít do thủ tục đăng ký phía Nga đưa ra phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài…
Hiện Nga mới chỉ cấp phép cho 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga, trong tổng số 172 doanh nghiệp Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký với Nga.