| Hotline: 0983.970.780

Tích tụ đất đai: Cần xem xét cụ thể về mục đích

Thứ Tư 06/08/2008 , 07:45 (GMT+7)

Thạc sĩ Nguyễn Như Thái - cán bộ Sở NN - PTNT tỉnh Thái Nguyên cho rằng bài viết của mình "không có ngụ ý tranh luận, nhưng dưới góc độ là người làm công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tôi viết bài viết này, rất mong quý vị coi đây là tiếng nói từ thực tiễn".

Tôi cho rằng, vấn đề tích tụ ruộng đất cần xem xét cụ thể về mục đích tích tụ. Nếu là tích tụ đất lúa thì chỉ cho phép các hộ gia đình, các DN khai thác sử dụng vào mục đích trồng lúa (tập trung ở những đồng bằng lớn). Để khuyến khích, Nhà nước cần xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm cung cấp nước tưới một cách chủ động. Đặc biệt phải quy hoạch lâu dài và ổn định để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Đất đai trồng cây màu, cây công nghiệp hàng năm và cây công nghiệp lâu năm sẽ tập trung chủ yếu vào đất bãi và đất đồi núi thấp. Đất này tùy theo quy hoạch phát triển kinh tế từng vùng, mà cho phép tích tụ, nhưng phải chú ý tích tụ bao nhiêu thì vừa và tích tụ như thế nào để tránh tình trạng để hoang hóa không sử dụng. Mặt khác phải tính đến chuyện giải quyết lao động dư thừa khi tích tụ đất đai gây ra.

Một số ý kiến nói trên NNVN rằng nên giải phóng sức lao động trong nông nghiệp bằng cách cho tích tụ thoải mái. Tôi cho rằng việc này sẽ rất khó. Lao động nông nghiệp từ trước tới nay là loại lao động thủ công, đơn giản cha truyền con nối không cần qua trường lớp nào cũng có thể làm được, chỉ cần người này hướng dẫn người kia bằng kinh nghiệm là xong.

Khi tích tụ ruộng đất, nếu là DN thì người ta sẽ đầu tư sản xuất hiện đại bằng máy móc, sẽ sử dụng một số ít lao động tại chỗ, còn thì phải tuyển các loại lao động có trình độ cao để làm việc. Như vậy, cơ hội cho những bà già, ông già những người có độ tuổi từ 40 trở lên và lao động chân tay là rất khó. Làm gì khi mà không còn khả năng theo học những lớp học nghề mới trong khi hệ thống an sinh xã hội ở ta còn quá thấp, lấy gì để giúp đỡ những người này? Một số người lý giải là, hiện chúng ta đang tích tụ kiểu đó đã chết ai? Nhưng thưa, đó chỉ là 2-3%, nhưng con số đó là 50% thì không thể an toàn được nữa.

Học nghề gì, làm việc ở đâu là những câu hỏi bức xúc không chỉ đối với ở vùng nông thôn, mà cả các thành phố lớn. Các trường đại học đào tạo ra hàng vạn sinh viên ra trường mỗi năm, không có việc làm phần đông phải đi làm trái ngành, trái nghề. Nước ta may mắn hơn một số nước công nghiệp phát triển khác trên thế giới là có cái túi nông nghiệp để mà đựng, tạo việc làm cho hàng chục triệu người, nếu không, với nền kinh tế còn nghèo như hiện nay, người lao động bị thất nghiệp sẽ không thể thống kê hết được.

Vì vậy trước khi bàn đến chủ trương khuyến khích tích tụ ruộng đất thì các nhà họach định chính sách vĩ mô, các nhà khoa học nên làm một cuộc điều tra thật tỷ mỷ, kỹ càng về tâm tư nguyện vọng của những người làm và sống bằng nghề nông nghiệp. Hãy hỏi những người nông dân trực tiếp lao động trên đồng ruộng, từ đồng bằng, đến miền núi. Ở đâu nông dân thích tích tụ ruộng đất và tích tụ như thế nào? Tích tụ bao nhiêu thì đủ so với điều kiện đầu tư sản xuất hiện nay của từng vùng.

Vì hiện nay, đồng bằng thì bức xúc nhưng ở tỉnh tôi có phải chỗ nào cũng bức xúc về tích tụ đâu? Cần phải hỏi cả các DN, có những DN nào sẵn sàng đầu tư vào trồng lúa, DN nào trồng ngô và những DN nào chỉ muốn lấy đất nông nghiệp, để chờ thời cơ chuyển đổi mục đích sử dụng và bán lấy tiền bỏ túi. Phải đề phòng có DN nhận đất, loại đất diện bờ xôi ruộng mật, đất chuyên lúa nhưng lại làm ăn không có hiệu quả, nhà nước không thu được thuế trong khi người dân không có lương thực để ăn.

Tôi đã theo dõi rất kỹ, đón đọc từng bài trong loạt bài “Tích tụ đất đai - lựa chọn đột phá” trên báo NNVN. Ở đây đang có 2 quan điểm là ưu tiên nông dân tích tụ và cho tất cả những ai có tiền tích tụ. Nếu cho tất cả những người có tiền tích tụ thì chỉ cần 10 năm, ruộng đất sẽ nằm hết trong tay những người có tiền. Khi đó có chính sách nào giải quyết được mấy chục triệu lao động nông nghiệp dư ra không? Các ông chủ đất mới, cứ cho là tích tụ để sản xuất nông nghiệp đi thì thuê máy móc hiện đại chứ thuê gì lao động chân tay? Nếu giải quyết được 2 vấn đề đó thì quá tốt. Nhưng nếu không thì sao? Liệu quan điểm như vậy có xa rời thực tiễn không? Còn nếu chỉ ưu tiên nông dân tích tụ thì có phải hơi lạc hậu không? Hãy đẩy đến cùng vấn đề này để thấy ưu, nhược điểm của nó. Nhưng trước hết, hãy lắng nghe tiếng nói của bà con nông dân - những người ngày đêm gắn bó, nghe hơi thở từ đồng ruộng và cả DN, chủ trang trại nông nghiệp thực sự, trăn trở hàng ngày, vùi đầu trong tính toán để tìm ra bài toán kinh tế tối ưu nhất. 

-----------------------

Hiếm có loạt bài nào toà soạn nhận được phản hồi nhiều như "Tích tụ đất đai - Lựa chọn đột phá". Nhiều ý kiến đồng thuận và nhiều ý kiến tranh luận "nảy lửa". Nó chứng tỏ vấn đề tích tụ đất đai là vấn đề lớn, quan trọng, có tính chất đột phá. Tuy nhiên, chúng tôi tạm  khép lại phần tranh luận tại đây và sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp gần. Toà soạn chân thành cám ơn các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách nông nghiệp và đông đảo độc giả đã góp ý cho loạt bài nói trên.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.