| Hotline: 0983.970.780

Biến rừng tự nhiên thành của riêng

Thứ Bảy 11/05/2024 , 10:30 (GMT+7)

NGHỆ AN Chuyển nhượng, bán rừng theo hình thức 'viết giấy trao tay' trên địa bàn Nghệ An rất nóng, việc này xảy ra nhan nhản tại các huyện có lợi thế về trồng rừng.

Trên địa bàn huyện Con Cuông ghi nhận nhiều vụ chặt phá, đốt rừng. Ảnh: Khôi An.

Trên địa bàn huyện Con Cuông ghi nhận nhiều vụ chặt phá, đốt rừng. Ảnh: Khôi An.

Khi trót lọt lợi ích nghiễm nhiên rơi vào tay một số ít cá nhân có tiềm lực, ngược lại số đông người dân bản địa sẽ mất quyền sở hữu, vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ thế chẳng biết bao giờ mới dứt…

Mua bán rừng tràn lan, nhộm nhoạm khó kiểm soát

Tình trạng chặt phá rừng trái phép để phát triển kinh tế xảy ra khá phổ biến tại Nghệ An trong năm 2023, tập trung phần lớn tại các huyện có lợi thế về trồng rừng sản xuất như Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ...

Vấn nạn này vắt sang những tháng đầu năm 2024, đặc biệt thời gian này nổi lên một số vụ có tính chất nghiêm trọng, vượt khung xử lý hành chính, tâm điểm gọi tên huyện Con Cuông.

Điều này được thể hiện rõ qua Công văn số 599/UBND về việc “nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về rừng” của UBND huyện này gửi đến các đơn vị liên quan. Nội dung cô đọng như sau:

“Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Con Cuông, tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên rừng (đặc biệt là hành vi hủy hoại rừng, phá rừng trái pháp luật…) có xu hướng gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất phức tạp. Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong quý I/2024 đã phát hiện 3 vụ hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng với tổng diện tích hơn 120.000 m2 (12ha), lôi kéo 23 lượt người tham gia chặt, phá, đốt rừng trái phép”.

UBND huyện Con Cuông khẳng định, nếu tình hình tiếp tục diễn tiến sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng, cũng như chủ trương phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn.

Mục tiêu là để lấy đất trồng keo. Ảnh: Khôi An.

Mục tiêu là để lấy đất trồng keo. Ảnh: Khôi An.

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng sâu xa bắt nguồn từ công tác quản lý nhà nước quá yếu kém, cùng với hiểu biết pháp luật hạn hẹp của người dân địa phương. Các đối tượng chủ mưu (thường là người vùng khác) đã lợi dụng kẽ hở, qua đó tiếp cận, móc nối rồi thuê người bản địa (đa phần điều kiện kinh tế khó khăn) chặt phát rừng để lấy đất trồng keo.

Xác định “lách luật” ngay từ đầu, các đối tượng tội phạm cố tình tiến hành chia nhỏ diện tích, một mảnh rừng lớn chia thành nhiều lô, thửa nhỏ, sau đó chỉ đạo người làm chặt phát dưới khung bị khởi tố nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xong xuôi lại hợp thửa như cũ, đồng thời trồng keo để phủ kín. Thủ đoạn rất kín kẽ và tinh vi.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, vụ việc liên quan đến đối tượng Nguyễn Trọng Niệm thuộc dạng này. Trước khi bị phát giác, bản thân ông Niệm sở hữu trong tay vô số rừng trồng trên địa bàn Con Cuông.

Chưa hài lòng vời những gì đang có, người này tiếp tục tăm tia đến những khoảnh rừng “cấm” tại bản Cam, xã Cam Lâm, hiện trạng là rừng nứa nghèo tái sinh tự nhiên chưa có trữ lượng, được nhà nước giao cho người dân quản lý theo Nghị định 163/NĐ-CP.

Vụ việc của ông Nguyễn Trọng Niệm nằm trong số đó. Ảnh: Khôi An.

Vụ việc của ông Nguyễn Trọng Niệm nằm trong số đó. Ảnh: Khôi An.

Thông thường các đối tượng vi phạm lén lút làm, xâm lấn từng chút một dưới dạng mưa dầm thấm lâu. Lần này ông Niệm chơi tất tay bằng cách thuê mướn, huy động hàng chục người đến chặt, đốt liên hồi suốt nhiều ngày trời, hệ quả hơn 5,6 ha rừng tự nhiên đã bị tàn phá mất dạng. Vụ việc gây ra nhiều tiếng xấu, đến mức lãnh đạo xã Cam Lâm phải đề xuất phương án đưa ra xét xử lưu động ngay tại địa bàn để giáo dục, răn đe.

Đáng nói, người bán lại đất rừng cho ông Niệm là Nguyễn Trọng Sơn (thường trú tại tổ 12, Thùy Dương, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) cũng đang thuộc diện bị kiến nghị khởi tố. Điều tra hành vi của đối tượng này mất nhiều thời gian, công sức, càng về sau càng hé lộ nhiều tình tiết giật mình.

Ngày 4/3/2024 Hạt Kiểm lâm Con Cuông đã phối hợp với UBND xã Thạch Ngàn tiến hành kiểm tra tại lô 13, khoảnh 4, tiểu khu 757, thửa số 80 thuộc tờ bản đồ số 1, xã Thạch Ngàn, tại hiện trường phát hiện trên 100.000 m2 đã phát dọn thực bì. Ngày 15/3 nhận thấy tiếp tục có hiện tượng phát lấn thêm nên đã lập biên bản, báo cáo lãnh đạo xin phương án xử lý.

Xác minh, điều tra bước đầu ghi nhận thửa đất trên mang tên ông Vi Văn Cấp (đã chết), hiện trạng đã bán cho người ngoài địa phương, cụ thể là ông Nguyễn Trọng Sơn.

Qua làm việc, người này khai có thuê ông H. ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn phát chuối, dây leo vào cuối tháng 2/2024 với giá 4 triệu đồng/ha. Đáng nói, về sau ông Sơn thừa nhận đã vào phát nứa, cây gỗ tái sinh để trồng rừng với diện tích phát thêm khoảng 9.000m2.

Nhận thấy số liệu bất nhất, Chi cục Kiểm lâm, Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp và UBND xã Thạch Ngàn đã phối hợp kiểm tra, xác định khu vực bị tác động, chặt phá thuộc lô 13, 15, 16, 17, 18, 20, khoảnh 3, tiểu khu 757. Diện tích bị tác động gần 95.000 m2, trong đó phần có rừng bị chặt phá là 9.461 m2, trạng thái là rừng tự nhiên có trữ lượng.

Biến rừng tự nhiên thành tài sản riêng ẩn chưa nhiều hệ lụy tiềm tàng. Ảnh: Việt Khánh.

Biến rừng tự nhiên thành tài sản riêng ẩn chưa nhiều hệ lụy tiềm tàng. Ảnh: Việt Khánh.

Ở một diễn biến khác, ngày 1/4/2024 Hạt Kiểm lâm Con Cuông tiếp nhận thông tin chặt phá rừng trái phép trên địa bàn xã Cam Lâm, vị trí tại lô 55, khoảnh 4, tiểu khu 739.

Đất này được Nhà nước giao cho ông Vi Văn Viện tại bản Cam, xã Cam Lâm sử dụng. Ngạc nhiên thay, ông Viện thừa nhận đã bán bằng hình thức “viết giấy trao tay” cho ông Nguyễn Trọng Sơn, đồng nghĩa chưa hoàn thiện các thủ tục về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Có rừng, Sơn thuê 2 đối tượng đến chặt phá trái phép…

Xác định hành vi của Nguyễn Trọng Sơn đã vượt quá mức khung xử phạt hành chính, Hạt Kiểm lâm Con Cuông đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ Cơ quan cảnh sát điều tra huyện để xử lý.

Vấn nạn bán rừng trái phép trên địa bàn huyện Con Cuông nhiều bất thường, có điều bản chất là chuyển nhượng “ngầm” nên không dễ để phát giác. Việc này phổ biến tại các xã Bình Chuẩn, Thạch Ngàn hay Cam Lâm, nơi có nhiều lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng.

Bảo vệ tuyệt đối rừng tự nhiên

Mặt bằng chung khu vực miền núi Nghệ An, trong đó có huyện Con Cuông đang “khát” đất canh tác, số đông đồng bảo bản địa cần tư liệu sản xuất để thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nhu cầu thực sự cấp thiết nhưng Nghệ An không thể tự ý “vượt rào” khi quy định hiện hành chưa cho phép, thể hiện qua việc Ban Bí thư ban hành Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 yêu cầu tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thông điệp rất rõ ràng, nhất nhất phải bảo vệ tuyệt đối rừng tự nhiên.

Bảo vệ rừng tự nhiên là nhiệm vụ bắt buộc trong thời điểm này. Ảnh: Việt Khánh.

Bảo vệ rừng tự nhiên là nhiệm vụ bắt buộc trong thời điểm này. Ảnh: Việt Khánh.

Chất chứa tâm tư, một cán bộ kiểm lâm thực lòng chia sẻ: Đây là tồn tại mang tính khách quan, nhiệm vụ bảo vệ rừng sẽ đối lập với phát triển kinh tế. Đành rằng Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực nhưng chưa tháo gỡ hoàn toàn nút thắt. Đơn cử như dịch vụ bảo vệ môi trường rừng, mỗi hộ được giao từ 3-5 ha, bình quân mỗi ha thực nhận 300.000 đồng/ năm, rất ít ỏi so với trực tiếp trồng rừng. Lúc này Chỉ thị 13-CT/TW đang còn hiệu lực, muốn hay không vẫn phải tập trung đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phá rừng.

“Vừa rồi trên địa bàn huyện Con Cuông xảy ra một số vụ việc người dân chặt phá trên diện tích rừng được giao nhằm chuyển đổi sang trồng keo, phần lớn là đối tượng rừng nghèo được tái sinh phục hồi. Bản chất không phải phá rừng lấy gỗ mà là phát, đốt để chiếm đất. Tinh thần của huyện, Chi cục là làm quyết liệt, xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội, tuyệt đối không bao che hành vi phá rừng tự nhiên”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm Nghệ An nhấn mạnh.

Đồng bào vùng cao thiếu đất sản xuất, đây là bài toán hóc búa trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: Việt Khánh.

Đồng bào vùng cao thiếu đất sản xuất, đây là bài toán hóc búa trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An có trên 1 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp, rừng núi bạt ngàn, nhiều đường lắm lối nhưng sức người có hạn, trông chờ vào mỗi lực lượng kiểm lâm không thôi là chưa đủ. Muốn giữ vững an ninh rừng đòi hỏi sự nhập cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của cấp cơ sở nhằm giảm tải áp lực và chia lửa kịp thời.  

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.