Vì sao Phú Thọ chuyển hàng trăm ha đất của Vinapaco thành đất công nghiệp, thương mại dịch vụ?
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, liên quan đến vấn đề trả hàng nghìn ha đất nông lâm trường ở Phú Thọ, Bộ Công thương đã có những ý kiến thể hiện diện tích đất và tài sản trên đất được thu hồi từ Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã không được UBND tỉnh Phú Thọ bàn giao cho các đối tượng ưu tiên theo quy định, việc UBND tỉnh Phú Thọ ban hành các quyết định thu hồi đất chưa phù hợp các quy định của pháp luật, thu hồi đất lâm nghiệp của Vinapaco để chuyển đổi sang mục đích khác như xây dựng khu công nghiệp, đô thị sinh thái…
Cụ thể, Bộ Công thương cho rằng, các văn bản đề xuất ban đầu khi thu hồi đất của UBND tỉnh Phú Thọ thể hiện, mục đích thu hồi là nhằm cấp cho các chủ hộ đang sử dụng, để phát triển kinh tế, trồng cây ăn quả, cây chè và cây dược liệu… Tuy nhiên sau đó tại văn bản gửi Bộ Công thương, UBND tỉnh Phú Thọ lại đề nghị thu hồi đất giao cho các tổ chức kinh tế để chuyển đổi sang mục đích khác như xây dựng khu công nghiệp, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái…
“Có thể thấy lý do, mục đích thu hồi đất của UBND tỉnh Phú Thọ đã có sự thay đổi”, Bộ Công thương khẳng định.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, sau khi rà soát và nghiên cứu nội dung nhận xét của Bộ Công thương và đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo, giải trình.
Theo UBND tỉnh Phú Thọ, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh Phú Thọ đã thực hiện thu hồi nguyên tắc diện tích hơn 3,035 ha của 8 công ty lâm nghiệp trực thuộc Vinapaco, cùng với đó là tài sản gắn liền với đất có giá trị hơn 31,496 tỷ đồng. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã có những báo cáo, giải trình chi tiết về nội dung của Bộ Công thương rằng tỉnh Phú Thọ thu hồi đất lâm nghiệp của Vinapaco để chuyển đổi sang mục đích khác như xây dựng khu công nghiệp, đô thị sinh thái…
Văn bản của ông Bùi Văn Quang ký thể hiện, đối với diện tích hơn 3,035 nghìn ha thu hồi từ các đơn vị trực thuộc của Vinapaco đến nay tỉnh Phú Thọ đã giao 71,93 ha để thực hiện 3 dự án, trong đó có 1 dự án cụm công nghiệp và 2 dự án dịch vụ, thương mại. Hiện tỉnh Phú Thọ đang triển khai các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án Khu công nghiệp Tam Nông và Khu công nghiệp Hạ Hòa với diện tích khoảng 227,41 ha.
Đặc biệt, một trong những dự án được giao sớm nhất trên diện tích đất thu hồi của các đơn vị trực thuộc Vinapaco là Cụm Công nghiệp Vạn Xuân giao cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lân Huế làm chủ đầu tư.
Tài liệu Báo Nông nghiệp Việt Nam có được cũng thể hiện, từ năm 2021 UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lân Huế (địa chỉ tại 295 phố Quang Trung, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội do bà Nguyễn Thị Huế làm Giám đốc) xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Vạn Xuân với diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 72 ha.
Tháng 6 năm 2021, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ký quyết định thành lập Cụm công nghiệp Vạn Xuân tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, chủ đầu tư là Công ty Lân Huế. Dự án thực hiện trên diện tích 72 ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 629 tỷ đồng, thời gian hoạt động 49 năm. Sau khi thu hồi diện tích đất từ Vinapaco, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành các quyết định chuyển mục đích sử dụng và giao đất cho Công ty Lân Huế.
Ngày 29/1/2022, tại quyết định chuyển mục đích sử dụng và giao đất đợt 1, tỉnh Phú Thọ đã thu hồi hơn 419,336 nghìn m2 đất trồng rừng sản xuất tại xã Lam Sơn và Vạn Xuân, chuyển mục đích sang đất Cụm công nghiệp và giao cho Công ty Lân Huế. Tiếp đó, ngày 3/11/2023 UBND tỉnh Phú Thọ chuyển mục đích sử dụng hơn 240,303 nghìn m2 đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng (trong đó có hơn 30 nghìn m2 đất trồng rừng sản xuất, hơn 61 nghìn m2 đất trồng lúa nước) sang đất Cụm công nghiệp để tiếp tục giao cho Công ty Lân Huế thuê đến năm 2070.
Trong số diện tích đất, tài sản trên đất mà UBND tỉnh Phú Thọ giao cho Công ty Lân Huế có nhiều diện tích và tài sản trên đất thu hồi từ đơn vị trực thuộc Vinapaco, chính vì vậy, theo Bộ Công thương, việc UBND tỉnh Phú Thọ ban hành các quyết định thu hồi đất và tài sản trên đất do Vinapaco đang quản lý là chưa phù hợp các quy định của pháp luật, chưa có sự thống nhất của Bộ Công thương.
Tương tự, đối với diện tích đất hơn 227 ha thực hiện các dự án Khu công nghiệp hạ Hòa và Khu công nghiệp Tam Nông. Tại văn bản do ông Bùi Văn Quang báo cáo Thủ tướng cho biết: Đến nay đã có 4/5 bộ tham gia ý kiến dự thảo văn bản giải trình của UBND tỉnh Phú Thọ, còn Bộ Công thương chưa có văn bản gửi tỉnh mà có báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ.
“Qua quá trình giải trình, làm việc với các bộ, ngành, đến nay vướng mắc chính là nội dung trong phạm vi thực hiện dự án có tài sản công thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ hay không”, văn bản của UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định.
Chủ tịch tỉnh Phú Thọ kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đồng tình ủng hộ, chấp thuận phương án bàn giao đất, tài sản, người lao động giữa Tổng Công ty Giấy Việt Nam với tỉnh Phú Thọ, giúp tỉnh triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội theo định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh.
Bất nhất quan điểm về vùng nguyên liệu giấy
Một trong những lo ngại lớn của quá trình trả đất nông lâm trường từ Vinapaco về tỉnh phú Thọ quản lý sẽ ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu sản xuất gỗ, giấy. Nhất là khi mới đây, tại Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì Phú Thọ cùng với Tuyên Quang, Yên Bái là những địa phương tập trung phát triển vùng rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến gỗ, giấy. Trong đó Phú Thọ, Tuyên Quang sẽ là trung tâm chế biến gỗ, giấy của vùng…
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương khẳng định: Việc bàn giao đất của Vinapaco trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã trực tiếp ảnh hưởng phương án sử dụng đất của Tổng công ty cũng như phương án sản xuất, kinh doanh, đây là một trong những tồn tại ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng phương án cơ cấu lại Công ty mẹ - Tổng Công ty Giấy Việt Nam và đơn vị trực thuộc.
Tuy nhiên, vấn đề này UBND tỉnh Phú Thọ cũng giải trình: Năm 2017, UBND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và kết luận việc quản lý đất đai của 8 công ty lâm nghiệp trực thuộc Vinapaco chưa hiệu quả, năng suất rừng thấp, chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng đất đai hiện có, sử dụng lao động không nhiều, cơ bản rừng được giao khoán cho số ít lao động, không có đóng góp cho địa phương nơi có đất. Điển hình như doanh thu 4 năm từ 2013 đến 2017 của 8 công ty là 392,66 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh lỗ 36,47 tỷ đồng...
Về việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho Vinapaco, tỉnh Phú Thọ cho rằng, trong các năm 2016, 2017, 2018 diện tích rừng của tỉnh Phú Thọ cung cấp trung bình 600 nghìn m3/năm cho ngành giấy và các ngành khác. Trong khi đó báo cáo của Vinapaco thể hiện nhu cầu gỗ nguyên liệu để phục vụ sản xuất giấy của Nhà máy giấy Bãi Bằng chỉ khoảng 285 nghìn m3/ năm.
Việc giải thể các công ty lâm nghiệp, theo UBND tỉnh Phú Thọ, các công ty Thanh Hòa, Sông Thao, Tam Thanh về cơ bản không ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nguyên liệu cho Vinapaco, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến phương án sử dụng đất của Tổng công ty cũng như phương án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Điều đó cho thấy, vẫn còn rất nhiều quan điểm bất nhất giữa Bộ Công thương và UBND tỉnh Phú Thọ trong vấn đề trả đất của Vinapaco về cho địa phương quản lý.