| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang phấn đấu có 29.500ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Thứ Sáu 07/06/2024 , 08:30 (GMT+7)

Tiền Giang phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 22.103ha và đến năm 2030 là 29.500ha.

Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (Đề án) đến năm 2030. 

Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 22.103ha và đến năm 2030 là 29.500ha. Ảnh: Minh Đảm.

Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 22.103ha và đến năm 2030 là 29.500ha. Ảnh: Minh Đảm.

Theo đó, Đề án nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn ngành và xã hội. Bên cạnh đó, xác định các hoạt động cụ thể, cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao. Ngoài ra, Đề án còn thúc đẩy hình thành và phát triển ổn định các hợp tác xã nhằm đóng góp quan trọng vào chuỗi liên kết lúa - gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Cụ thể, Đề án phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 là 22.103ha, có 45 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia và đến năm 2030 là 29.500ha.

Ông Đặng Văn Tung, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, huyện đăng ký Đề án với diện tích 3.300ha. Các HTX đã đăng ký tham gia đến thời điểm này là HTX Hậu Mỹ, HTX Mỹ Trinh, HTX Mỹ Quới. Đến thời điểm hiện tại, bà con nông dân và các doanh nghiệp liên kết đang rất phấn khởi chuẩn bị triển khai Đề án.

Ông Nguyễn Văn Nguyền, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Thiên Hộ (xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cái Bè) cho hay: Thời gian qua, HTX liên kết với bà con trong vùng khoảng 200ha sản xuất các giống lúa chất lượng cao như OM5451, Đài thơm 8, OM18… Bà con địa phương đã có kinh nghiệm trồng lúa với các kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, VietGAP nên rất thuận lợi để HTX đăng ký tham gia Đề án.

Cần vận động bà con nông dân hiểu rõ về Đề án và gắn kết chặt chẽ, bền vững trong chuỗi giá trị. Ảnh: Minh Đảm.

Cần vận động bà con nông dân hiểu rõ về Đề án và gắn kết chặt chẽ, bền vững trong chuỗi giá trị. Ảnh: Minh Đảm.

Còn ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thanh Nam (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cũng cho biết: Kể từ năm 2009, HTX đã sản xuất lúa theo chuẩn GlobalGAP với diện tích 100ha. Trong quản lý sâu bệnh hại, HTX luôn áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn, chú trọng sử dụng các sản phẩm hữu cơ, sinh học để chăm sóc cây lúa nên rất sẵn sàng tham gia Đề án.

“Bà con thành viên rất đồng tình tham gia Đề án nên HTX đăng ký tham gia với diện tích 200ha. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã chuyển đổi sản xuất sang hướng hữu cơ. Hiện, HTX đã tham gia đánh giá tiêu chuẩn hữu cơ và chờ đơn vị đánh giá cấp chứng nhận”, ông Hưng chia sẻ thêm.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất Kinh doanh HK Green (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) - doanh nghiệp đang thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo tại Tiền Giang chia sẻ: "Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL rất thiết thực cho bà con nông dân cũng như doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này thành công, tôi nghĩ cần vận động bà con nông dân hiểu rõ về Đề án và gắn kết chặt chẽ, bền vững trong chuỗi giá trị". 

Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đã đề ra các giải pháp thực hiện Đề án, bao gồm: Quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo và tập huấn nâng cao năng lực, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu gạo, cơ giới hóa, liên kết tiêu thụ lúa và thông tin truyền thông.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: “Có 3 nội dung cần thực hiện của Đề án. Đầu tiên là quản lý diện tích sản xuất, tuyên truyền, vận động người dân cam kết diện tích sản xuất. Thứ hai, các huyện lập dự thảo, xây dựng kế hoạch thực hiện của huyện. Cuối cùng, củng cố nâng cao năng lực quản lý của hợp tác xã”.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.