| Hotline: 0983.970.780

Tìm cách cứu cây su su khỏi bị chết lụi

Thứ Ba 12/11/2024 , 11:01 (GMT+7)

HÒA BÌNH Từng là cây xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở xã Quyết Chiến nhưng thời gian gần đây bà con người Mường đang xôn xao bàn tán về chuyện su su chết lụi.

Những vườn su su ở xã Quyết Chiến thời còn chưa phát sinh bệnh hại. Ảnh: NNVN.

Những vườn su su ở xã Quyết Chiến thời còn chưa phát sinh bệnh hại. Ảnh: NNVN.

Quyết Chiến là xã vùng cao của huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) nằm ở độ cao khoảng 700m so với mực nước biển. Lợi thế khí hậu mát mẻ, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm lớn nên hơn 10 năm trở lại đây cây su su đã ăn sâu, bén rễ vào vùng đất này, cho năng suất cao tới 50 - 60 tấn/ha, chất lượng tốt thể hiện qua độ ngon, giòn, ngọt đậm.

Ở đây có những hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tổ chức liên kết với bà con để sản xuất rau su su cung ứng cho các siêu thị, bếp ăn tập thể tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh. Cây su su đã đem lại cho đồng bào Mường thu nhập gấp 5 - 6 lần cây ngô, trung bình đạt 250 - 300 triệu đồng/ha/vụ, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả, thậm chí giàu.

Thương hiệu “rau su su Quyết Chiến" của Hòa Bình đã dần sánh ngang với rau su su Tam Đảo của Vĩnh Phúc, được nhiều người biết đến, tham gia vào chương trình OCOP và được bình chọn OCOP 3 sao. Tuy nhiên đó là chuyện của 3 - 4 năm về trước.

Hiện hơn 60ha rau su su của xã Quyết Chiến đang có hiện tượng héo rũ, chết chưa rõ nguyên nhân khiến diện tích ngày càng co hẹp lại, ước chỉ còn khoảng 40ha. Số vẫn đang duy trì cũng rất khó khăn khi năng suất, sản lượng, chất lượng đều sụt giảm khiến cho hiệu quả kinh tế không còn.

Cây su su ở Quyết Chiến đã từng phát triển tốt và giúp bà con ở đây xóa nghèo, vươn lên khá giả. Ảnh: NNVN.

Cây su su ở Quyết Chiến đã từng phát triển tốt và giúp bà con ở đây xóa nghèo, vươn lên khá giả. Ảnh: NNVN.

Ngày trước su su trồng một lần thu hái 2 - 3 vụ vẫn được, chỉ khi nào muốn ngọn tốt hơn thì mới phải trồng mới thay thế nhưng giờ nhiều chỗ cây tự lụi dần đi. Cả 5 xóm gồm xóm Biệng, Khao, Ưng, Cá, Bắc Thung của xã Quyết Chiến có trồng su su thì đều bị hiện tượng này khiến người dân hoang mang, lao xao đồn đoán.

Một số nghi ngờ do nguồn phân chuồng chưa được ủ kỹ đã vội bón. Một số nghi ngờ do trồng đi trồng lại su su nhiều năm liền khiến đất chua. Một số khác nghi ngờ do dịch bệnh lạ mới phát sinh... Hiện lãnh đạo xã đã báo cáo cho cán bộ bảo vệ thực vật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Phòng NN-PTNT huyện Tân Lạc để nhờ họ báo cáo lên trên, kiểm tra xem nguyên nhân là gì.

Ông Đinh Công Khoa - Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cho biết, trong chương trình phát triển nông thôn mới, khó nhất vẫn là nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã mới ở mức 38 triệu đồng/người/năm cũng bởi vì thuần nông, phụ thuộc chính vào su su, trong khi đó cây trồng này lại đang đổ bệnh hàng loạt.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho biết, vừa rồi ông và các đồng nghiệp đã lên xã Quyết Chiến để tìm hiểu nguyên nhân cây su su bị lụi, chết. Các nhà chuyên môn đã làm mấy thí nghiệm và nhận định tình trạng su su bị như vậy là do bệnh lở cổ rễ do nấm.

Xã Quyết Chiến được ví như 'Tam Đảo' của tỉnh Hòa Bình, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để trồng cây su su. Ảnh: NNVN.

Xã Quyết Chiến được ví như "Tam Đảo" của tỉnh Hòa Bình, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để trồng cây su su. Ảnh: NNVN.

Nấm bệnh tồn tại trong nhiều môi trường nhưng nguyên nhân chính là do người trồng su su ở Quyết Chiến không xử lý đồng ruộng bao giờ. Để phòng tránh bệnh này, hết vụ phải xử lý đất, rắc vôi diệt nấm hại. Thêm vào đó, không được bón phân chuồng tươi mà phải ủ kỹ cho hoai mục rồi sử dụng thêm các nấm đối kháng. Một khi đã phát sinh bệnh thì phải dùng thuốc BVTV để phun trừ.

Do hệ thống BVTV bị đứt gãy, dưới xã không có cán bộ BVTV phụ trách, trên huyện thì Trạm BVTV sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện với chức năng, cách hoạt động khác trước nên thông tin về dịch bệnh không được báo cáo kịp thời, việc chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cũng khó. Mỗi trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hiện trung bình chỉ có 2 - 3 cán bộ phụ trách BVTV và họ điều tra dịch bệnh theo điểm cố định hay theo tuyến. Thế nên có những chỗ không nằm trong tuyến điều tra thì cũng không thể biết được dịch bệnh đang xảy ra ở chỗ nào.

Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình đang phối hợp với các công ty thuốc BVTV khảo nghiệm cả thuốc hóa học lẫn thuốc sinh học xem loại nào thích hợp nhất để xử lý bệnh trên cây su su ở Quyết Chiến.

Khoảng nửa tháng nữa các khảo nghiệm sẽ cho kết quả nhưng để lan tỏa được ra sản xuất, nông dân có theo không lại là một chuyện khác. Hơn thế, nay đã vào cuối vụ su su nên hiệu quả của những khảo nghiệm này cũng chưa thực sự rõ ràng, phải chờ sang vụ xuân tới xem sự phát triển của cây, ra ngọn, ra lá thế nào mới có thể khẳng định.    

Xem thêm
Hơn 1.000 hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nhờ sáng kiến 'Chăn Hênh'

SƠN LA Qua 3 năm triển khai tại huyện Mai Sơn, trên 1.000 hộ dân được tập huấn về các kỹ thuật trong chăn nuôi, hỗ trợ liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Từ vụ hổ, báo, sư tử bị chết do cúm gia cầm A/H5N1: [Bài 1] Đồng Nai vá lỗ hổng

Vụ hổ, báo, sư tử bị chết vì cúm A/H5N1 tại Khu du lịch Vườn Xoài và Vườn thú Mỹ Quỳnh buộc ngành thú y Đồng Nai phải thay đổi chiến lược ứng phó.

Giống sắn xua tan nỗi ám ảnh bệnh khảm lá

Giống sắn HN1 cho năng suất củ tươi đạt trên 34 tấn/ha, hàm lượng tinh bột tối thiểu 25%, đặc biệt giống sắn này có khả năng kháng bệnh khảm lá vượt trội.