| Hotline: 0983.970.780

Quýt Vân Sơn đổi đời nhiều hộ vùng cao Tân Lạc

Chủ Nhật 17/12/2023 , 11:01 (GMT+7)

HÒA BÌNH Bên cạnh các đặc sản khoai lang, bưởi đỏ, mía tím, ngọn rau su su..., huyện Tân Lạc còn có quýt Vân Sơn thơm ngon nổi tiếng, bán được giá 45.000 đồng/kg tại vườn.

Một góc vườn đồi quýt Vân Sơn. Ảnh: Hải Tiến.

Một góc vườn đồi quýt Vân Sơn. Ảnh: Hải Tiến.

Bà Hà Thị Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc (Hoà Bình) cho biết, quýt Vân Sơn bên cạnh chất lượng ăn rất thơm ngon, còn cho thu hoạch khá sớm, quả chín rộ vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 (dương lịch) nên bán được giá rất cao, có thời điểm bán sỉ tại vườn cũng được 45.000 – 50.000 đồng/kg.

Phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi các cây rau màu giá trị kinh tế thấp sang trồng quýt đã từng bước lan rộng ra khắp xã, nhưng trồng nhiều nhất vẫn là các xóm của xã Nam Sơn cũ (nay thuộc xã Vân Sơn).

"Đến nay, tổng diện tích quýt trồng trên địa bàn xã khoảng gần 200ha. Trong đó có hơn 100ha đang ở thời kỳ khai thác kinh doanh, năng suất trung bình đạt 30 tấn quả/ha, cho sản lượng 3.000 - 3.500 tấn trái quýt các loại, ước giá trị sản lượng đạt 100 tỷ đồng (năm 2023). Nhờ trồng quýt, nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo bền vững, hiện đang từng bước làm giàu", bà Hồng cho biết thêm.

Quýt Vân Sơn cho quả rất sai, các nhà vườn đều phải dùng cọc chống đỡ cây. Ảnh: Hải Tiến.

Quýt Vân Sơn cho quả rất sai, các nhà vườn đều phải dùng cọc chống đỡ cây. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Bùi Văn Kiều ở xóm Xôm (xã Vân Sơn) trồng 1.800 gốc quýt canh, năm nay ước thu hoạch được gần 17 tấn quả, trị giá 460 triệu đồng, trừ hết chi phí đầu tư còn dư khoảng 350 triệu đồng. Có được nguồn lợi trên, ông Kiều phải mất hơn 10 năm mở rộng dần diện tích trồng quýt. Ban đầu ông Kiều mới chỉ trồng 100 gốc quýt để rút kinh nghiệm sản xuất và nghe ngóng thị trường. Khi đã làm chủ được kỹ thuật thâm canh cây quýt và thấy sản phẩm làm ra dễ bán, hiệu quả sản xuất cao và ổn định nên ông Kiều nâng dần diện tích trồng quýt lên 1.000 gốc. Cuối cùng vào năm 2017, ông quyết định nâng tống diện tích trồng quýt tới 1.800 gốc.

Ông Kiều bộc bạch, cây quýt trồng 3 năm mới cho quả bói, 5 năm trở ra mới cho năng suất cao. Sở dĩ ông mở rộng từng bước diện tích quýt bởi chờ có được lợi nhuận mới tái mở rộng sản xuất, không phải vay mượn vốn bên ngoài.

Quýt Vân Sơn mã quả rất đẹp. Ảnh: Hải Tiến.

Quýt Vân Sơn mã quả rất đẹp. Ảnh: Hải Tiến.

Cũng tại xóm Xôm, ông Bùi Văn Đường trồng 1.400 gốc quýt, vụ thu hoạch năm nay được 13 tấn quả, bán sỉ không phân loại tại vườn cho thương lái được 25.000 đồng/kg, thu về 325 triệu đồng, lợi nhuận 250 triệu đồng.

Ông Kiều kể, quýt trồng ở đây cho quả rất sai, để đảm bảo chất lượng, ông phải cắt bớt quả trên những chùm quá dày và quả sâu bệnh, quả phát triển không cân đối. Đồng thời chăm bón chủ yếu bằng phân trâu bò ủ với chế phẩm vi sinh theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Lạc.

Ông Hà Văn Chủng (xã Vân Sơn), một hộ trồng quýt cho biết: Để quýt bán được giá tốt, bên cạnh việc mọi người đều làm theo VietGAP, còn được tỉnh và huyện đầu tư, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong nước và liên tục tuyên truyền đặc sản quýt Vân Sơn trên truyền thông. Với 1.500 gốc quýt, năm nay ông Chủng thu được 14 tấn quả, doanh thu 350 triệu đồng, lợi nhuận gần 300 triệu đồng.

Có được thu nhập cao hơn một số hộ trồng quýt trong xã là do ông Chủng tự chủ được một phần phân bón, xen canh cây đậu tương lấy hạt bón thay ure, nuôi trâu bò có phân hữu cơ, thu gom tro bếp của gia đình và người thân để thay thế một phần phân kali... Đồng thời, đất đồi ở đây khá màu mỡ, giàu khoáng chất và dinh dưỡng nên cũng giảm được khá nhiều phân hoá học (đạm, lân, kali). Kinh nghiệm trồng quýt canh của ông Chủng còn cho thấy, tốt nhất trồng cây giống quýt canh ghép mắt cam đường canh trên gốc quýt Vân Sơn bản địa (hay gọi là quýt hôi).

Sơ chế, phân loại quýt trước khi xuất bán cho thương lái. Ảnh: Hải Tiến.

Sơ chế, phân loại quýt trước khi xuất bán cho thương lái. Ảnh: Hải Tiến.

"Đầu vụ tôi bán được 45.000 đồng/kg quýt canh, sau giảm dần, tới giữa vụ vẫn bán được 25.000 – 30.000 đồng/kg. Giá quýt còn phụ thuộc vào khối lượng quả. Thông thường, loại nhỏ 11 - 12 quả/kg sẽ được giá 35.000 - 45.000 đồng/kg; quả nhỉnh hơn chút nữa bán 25.000 – 30.000 đồng/kg; cỡ to từ 4 - 5 quả/kg chỉ bán được 15.000 đồng/kg", ông Chủng chia sẻ.

Giống quýt Vân Sơn bản địa ăn hơi chua, quả chỉ nhỏ bằng trái táo, được người dân sở tại trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà, lấy quả ăn và ngâm với rượu hoặc mật ong, uống chữa ho và viêm họng nên giá trị thương mại không cao và cũng rất khó bán ra thị trường. Do vậy từ năm 2004, Dự án Pù Luông - Cúc Phương (Việt Nam) đã tổ chức chuyển giao giống quýt canh (cam đường canh) cho một số hộ ở xã Nam Sơn cũ (nay là xã Vân Sơn) trồng trên vườn đồi.

Nhờ thích hợp thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu địa phương, cây quýt canh sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất quả rất cao, ăn ngọt, ngon hơn khác biệt so với cam đường canh trồng ở các địa phương khác ở miền Bắc nên bà con ở đây thường gọi là quýt Vân Sơn.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.