| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp quản lý tài nguyên nước, ứng phó với sụt lún

Thứ Ba 18/06/2019 , 14:13 (GMT+7)

Sáng 18/6, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Bộ Tài Nguyên Môi trường tổ chức Diễn đàn chuyên đề “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhiều giải pháp được các chuyên gia, nhà khoa học, địa phương đưa ra tại Diễn đàn “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. 

Tham dự có ông Phan Xuân Dũng, UV Ban chấp hành TW Đảng, Chủ nhiệm UB Khoa học Môi trường của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà; ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng lãnh đạo, đại diện các bộ ngành TW, TP HCM và các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các đại sứ quán, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chương trình hành động, nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài được đặt ra cho ĐBSCL.

Thông qua Diễn đàn nhằm tạo cơ hội cho các nhà quản lý ở TW và địa phương, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế trao đổi thẳng thắn về những kết quả đạt được cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 120 và đề xuất những nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm trọng điểm trong thời gian tới. Đặc biệt, tìm ra những nguyên nhân, giải pháp về tình trạng sạt lở, sụt lún đang xảy ra tại vùng ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài Nguyên Môi trường chủ trì diễn đàn.

“ĐBSCL là một trong những đồng bằng chịu áp lực lớn nhất của biến đổi khí hậu, mặt khác ĐBSCL còn chịu tác động kép do tác động của phát triển chủ trương cũng như khai thác nguồn tài nguyên nước quá mức, không theo quy hoạch.

Tài nguyên nước được coi là vấn đề cốt lõi để xem xét các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 120. Phát triển kinh tế phải dựa vào khả năng cung ứng của tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước là một trong 4 yếu tố quyết định sự phát triển, sự sống của ĐBSCL”, Bộ trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ĐBSCL đang đối diện với những thách thức về tình hình lũ lụt, xâm nhập mặn, sụt lún và sạt lở bờ sông, bờ biển. Cần phải xem xét, đánh giá việc khai thác và tổng hợp tài nguyên nước như thế nào? Cơ chế, quản lý liên vùng và cách tiếp cận trên cả vùng Mekong như thế nào để phát triển.

Theo ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, năm 2012 Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu việc sụt lún bằng ảnh vệ tinh cho thấy, trong 20 năm qua tỉnh Cà Mau đã mất đất hoặc bờ biển bị lùi vào từ 100m đến 1,4km. Qua đó, đánh giá sơ bộ được sụt lún ở Cà Mau có thể lên đến 30-70cm. 

Kết quả nghiên cứu đo đạc sụt lún đất do Bộ TN-MT trong giai đoạn 2014, 2015 và 2017 với 339 mốc đo ở TP. HCM và ĐBSCL, kết quả đo so với giá trị cao độ đo năm 2005 cho thấy 306 mốc lún, 33 mốc không lún hoặc nâng. Trong 306 mốc lún, tốc độ lún biến đổi từ 0,01 - 6,8cm/năm, trung bình 1,07cm/năm.
 
Căn cứ vào mức độ lún đo được tại 339 mốc đo, đã sơ bộ phân vùng theo mức độ lún, gồm: Vùng có mức độ lún nhỏ hơn 5cm khoảng 12,16 nghìn km2 (gồm Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An); Vùng lún từ 5 - 10cm khoảng 8,43 nghìn km2 (Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang); Vùng lún lớn trên 10cm khoảng 3,39 nghìn km2 (TP. HCM, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau). Đối với vùng lún dưới 5cm, ông Bảy cho biết có 97 mốc, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang 23 mốc, Long An 28 mốc, Kiên Giang 16 mốc. Khu vực các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang không có mốc lún dưới 5cm. Đối với vùng lún từ 5 - 10cm, có 72 mốc, phân bố chủ yếu ở tỉnh Sóc Trăng 17 mốc, Kiên Giang 11 mốc, Cần Thơ 9 mốc, các tỉnh Vĩnh Long và TP. HCM hiện không có mốc có mức độ lún từ 5-10cm.
 
Mặt khác, việc phát triển hạ tầng chống lũ, thủy lợi, giao thông đô thị, khu công nghiệp... đã làm biến đổi sâu sắc chế độ lũ tại ĐBSCL. Việc phát triển hệ bờ bao, khu dân dân cư vượt lũ... làm giảm không gian chứa lũ, thoát lũ làm gia tăng nguy cơ ngập, lụt ở nhiều khu vực. Diện tích chứa lũ giảm đồng thời mực nước biển dâng sẽ làm tăng mực nước lũ ở khu vực trung tâm ĐBSCL trong thời gian dài. 

"Dù chưa có công trình nghiên cứu cụ thể để xác định mức độ tác động của từng nguyên nhân gây lún, nhưng việc khai thác nước dưới đất quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP.HCM và vùng ĐBSCL", ông Bảy nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ông Bẩy cho rằng, cần điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, trước hết tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác quá mức, trên cơ sở đó các địa phương sẽ phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất ở địa phương mình theo quy định.

Lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng trên cơ sở sử dụng công nghệ ảnh viễn thám qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng toàn vùng làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất.

Ngoài ra, để từng bước hạn chế khai thác nước dưới đất, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn, trong đó cần đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước tập trung nông thôn khai thác từ nguồn nước mặt nhằm giảm dần việc khai thác nước dưới đất của nhân dân để cấp nước sinh hoạt.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL để chuyển dần từ khai thác nguồn nước dưới đất sang khai thác nguồn nước mặt trên quy mô toàn vùng, bảo đảm cấp nước an toàn và tạo tiền đề cho việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất. 

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu tham gia đóng góp các ý kiến, các giải pháp nhằm đưa ra những định hướng phát triển tài nguyên nước; tăng cường các biện pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất và sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực ĐBSCL nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện đồng bộ các giải pháp liên kết vùng.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.