| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh biên giới phòng, chống dịch bảo vệ đàn vật nuôi

Chủ Nhật 19/11/2023 , 16:26 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp nhưng ngành chăn nuôi tỉnh Cao Bằng vẫn giữ ổn định, tổng đàn cao hơn so với năm 2022, dịch bệnh không lây lan diện rộng

Tiêm vacxin được kỳ vọng sẽ giúp khống chế dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tiêm vacxin được kỳ vọng sẽ giúp khống chế dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tính đến cuối tháng 10, dịch bệnh xuất hiện tại 400 hộ chăn nuôi ở 31 xã thuộc 10 huyện, thành phố tại Cao Bằng. Toàn tỉnh đã phải tiêu hủy gần 1.700 con lợn mắc bệnh, tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 78 tấn. Hiện, Cao Bằng có 17 ổ dịch đã qua 21 ngày không có ca bệnh mới phát sinh, còn 12 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

So với năm 2022, dịch tả lợn Châu Phi giảm hơn 54% (năm 2022, tổng chết và tiêu hủy 3.732 con, đến năm 2023 tổng mắc và tiêu hủy là 1.692 con). Hiện, dịch chỉ còn phát sinh lẻ tẻ tại một số ổ dịch quy mô nhỏ.

Anh Vương Văn Khánh (thị trấn Nước Hai, huyện Hoà An) cho biết, gia đình nuôi hơn 40 con lợn, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp những nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch nên đàn lợn phát triển tốt. Gia đình vừa xuất bán, mang lại khoản thu nhập khá.

“Gia đình thường xuyên tham gia các lớp tập huấn phòng chống dịch bệnh do địa phương tổ chức nên nắm khá rõ quy trình, phương pháp phòng dịch hiệu quả. Bây giờ chỉ lơ là một chút lợn có thể bị bệnh, thiệt hại là rất lớn”, anh Khánh chia sẻ thêm.

Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện đơn vị đã nhập vacxin phòng tả lợn Châu Phi, sẽ tổ chức tiêm ngay trong thời gian tới. Nếu không tiêm phòng đầy đủ, việc dập hoàn toàn dịch khó thực hiện. Do đó, ngành đang nỗ lực tuyên truyền người chăn nuôi tiêm phòng vacxin, vệ sinh, khử trùng chuồng trại.

Đối với đàn trâu, bò, gần đây bệnh viêm da nổi cục cũng xuất hiện ở huyện Hà Quảng. Ngay sau khi xuất hiện dịch, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã tổ chức vệ sinh khử trùng, tiêm phòng bao vây ổ dịch. Đã hơn 10 ngày, không phát hiện thêm ca bệnh khác ở khu vực có dịch và những vùng lân cận.

Một số dịch bệnh khác như tụ huyết trùng trâu bò, Lepto lợn, bệnh Newcastle gà vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương. Riêng bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, tai xanh trên đàn lợn, cúm gia cầm đã được kiểm soát không phát hiện ca bệnh mới.

Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết, cơ quan chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh và kịp thời lấy mẫu và xử lý với các trường hợp nghi mắc bệnh, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch dịch bệnh có hiệu quả, các ổ dịch bệnh được kiểm soát tốt, dịch bệnh không lây lan ra diện rộng.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại không vệ sinh thường xuyên rất khó khăn trong phòng dịch. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại không vệ sinh thường xuyên rất khó khăn trong phòng dịch. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đến thời điểm này, tỉnh Cao Bằng có 7 cơ sở đạt an toàn dịch bệnh, trong đó có 4 cơ sở đạt an toàn đối với bệnh lở mồm long móng, 3 cơ sở an toàn với bệnh tả lợn cổ điển. Năm 2023, tỉnh Cao Bằng cũng đã xây dựng thí điểm 1 vùng an toàn dịch bệnh dại tại xã Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng).

Tại Cao Bằng, hiện nay đội ngũ cán bộ thú y tại xã, huyện, thành phố mỏng, thú y viên xã phụ cấp thấp lại kiêm nhiệm thêm nhiều công việc, trong khi địa bàn rộng đi lại khó khăn nên chưa thực sự chú tâm trong công tác phòng, chống dịch.

Với Cao Bằng, khó khăn nhất là công tác phòng dịch ở các thôn, bản vùng cao, vùng biên giới. Có những thôn từ trung tâm xã phải đi 3 tiếng mới đến nơi, lực lượng thú y cơ sở không thể kiểm tra thăm nắm tình hình thường xuyên.  

Cà Lò là xóm biên giới khó khăn nhất của xã Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc) với 32 hộ dân. Nước sinh hoạt thiếu thốn nên việc phòng dịch cho đàn vật nuôi cũng chưa thực sự được quan tâm. Anh Chảo Vần Sang, Trưởng bản Cà Lò chia sẻ, tập quán chăn nuôi của bà con chủ yếu thả rông vào ban ngày, tối lùa trâu bò nhốt dưới gầm sàn nên việc phòng dịch khó khăn. Việc vận động bà con nâng cao phòng dịch cũng không đơn giản khi trình độ nhận thức của bà con chưa cao.

Theo Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, đến hết tháng 10/2023, đàn trâu, bò của tỉnh đạt gần 110.000 con (tăng 0,6%), đàn bò đạt 105.000 con (tăng 0,67%), đàn lợn hơn 324.000 con (tăng 2,7%), đàn gia cầm hơn 3 triệu con (tăng 3,58%) so với cùng kỳ năm 2022.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.