| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh Quảng Ninh chi trả hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh

Thứ Hai 11/05/2020 , 15:38 (GMT+7)

Nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh đang bắt đầu triển khai việc chi trả hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về “Các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” và Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 của HĐND tỉnh về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Để có nguồn lực thực hiện các gói hỗ trợ cho những cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng dịch Covid-19, căn cứ vào các quy định của pháp luật, Quảng Ninh đã tăng mức dự phòng ngân sách các cấp từ 2% lên 4%, tức là tăng từ 545 tỷ đồng theo dự toán đầu năm 2020 lên 1.018 tỷ đồng như hiện nay.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo rà soát, cắt giảm nguồn kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản kinh phí cho hội họp, hội thảo, công tác và đào tạo ở nước ngoài và các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Đồng thời cắt giảm, giãn, hoãn tiến độ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chưa thực sự cấp bách trong năm 2020.

Cơ quan chức năng của tỉnh đã rà soát, xác định nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách, giao các đơn vị đầu mối báo cáo. Cụ thể: Đối với đối tượng là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do Ban Quản lý KKT và UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp.

Đối với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020 do UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp (trên cơ sở báo cáo của các Chi cục Thuế). Đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp do cơ quan BHXH báo cáo (trên cơ sở doanh nghiệp báo giảm khi thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thực tế của người lao động).

Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng, số nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo…

Hiện các địa phương, đơn vị của tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ này, điển hình là thành phố Cẩm Phả, huyện Tiên Yên và thị xã Quảng Yên.

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH TP Cẩm Phả đối chiếu, rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH TP Cẩm Phả đối chiếu, rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Thành phố Cẩm Phả đã xây dựng dự toán và tiến hành chi ứng trước 2 tháng trợ cấp cho 100% đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội với tổng số tiền lên tới trên 8,86 tỷ đồng. Những đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn, bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch ở thành phố, hiện địa phương đã cơ bản xác định xong và đang lấy ý kiến của khu dân cư; chờ hướng dẫn cụ thể là có thể áp dụng hỗ trợ. Theo thống kê sơ bộ, Cẩm Phả cần gần 20 tỷ đồng để hỗ trợ cho những đối tượng này.

Tại huyện Tiên Yên, hiện ngoài các đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng đã được ứng trước 2 tháng hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng, huyện cũng xác định khoảng 3.000 người bị ảnh hưởng do dịch được thụ hưởng…

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Yên chi trả phụ cấp tạm ứng hỗ trợ trước 2 tháng cho cụ Nguyễn Thị Liễu (100 tuổi), phố Thống Nhất, thị trấn Tiên Yên. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Yên chi trả phụ cấp tạm ứng hỗ trợ trước 2 tháng cho cụ Nguyễn Thị Liễu (100 tuổi), phố Thống Nhất, thị trấn Tiên Yên. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Bà Bùi Thị Thơ, Trưởng Phòng LĐ- TB&XH huyện Tiên Yên, cho biết: Với tinh thần thận trọng, khách quan nhằm xác định đúng đối tượng để thụ hưởng, hiện nay, Phòng đang phối hợp với các địa phương, danh nghiệp để chốt danh sách. Cùng với đó, Phòng cũng tổ chức tốt việc tiếp nhận các ý kiến liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung đảm bảo không để xảy ra tình trạng sót hoặc đối tượng trục lợi chính sách.

Còn tại thị xã Quảng Yên, chiều ngày 8/5 đã bắt đầu triển khai chi trả hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng gồm: Người có công; bảo trợ xã hội; hộ nghèo và cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ. Thị xã Quảng Yên là một trong những địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc chi trả hỗ trợ người dân.

Thị xã Quảng Yên bắt đầu chi trả hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Thị xã Quảng Yên bắt đầu chi trả hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Theo kết quả rà soát của Phòng LĐ-TB&XH thị xã Quảng Yên, trên địa bàn có hơn 11.500 đối tượng. Trước khi nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP, tất cả các đối tượng đều được cán bộ phụ trách hướng dẫn và phổ biến mức hưởng hỗ trợ. Việc chi trả cũng được thực hiện đồng loạt tại 19/19 xã, phường trên địa bàn thị xã trong ngày 8/5 với tổng số tiền chi trả cho đợt này là hơn 14 tỷ đồng.

Bà Vũ Thị Diệu Linh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục rà soát và sớm hỗ trợ cho các đối tượng còn lại theo đúng chủ trương Nghị quyết 42/NQ-CP. Việc hỗ trợ được thực hiện trên tinh thần nhanh chóng, khẩn trương, đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiến độ. Quá trình thực hiện sẽ được công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực.

Cũng theo vị lãnh đạo này, đối với những đối tượng là người già ốm yếu, bệnh tật đi lại khó khăn, địa phương sẽ bố trí cán bộ đến tận nhà chi trả tiền hỗ trợ cho người dân.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.