Hỗ trợ HTX mở rộng dịch vụ
Ngày 21/12 tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh - GIC Việt Nam đã tổ chức lễ bàn giao máy nông cho Ban quản lý GIC tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng để hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp ở địa phương tham gia dự án.
Theo đó, các Tổ chức nông dân được nhận hỗ trợ đợt này gồm: HTX Nông nghiệp Hiếu Lực (tỉnh Hậu Giang), HTX Nông nghiệp Hưng Lợi (tỉnh Sóc Trăng) và HTX Nông nghiệp Bào Trâm (tỉnh Kiên Giang). Mỗi đơn vị được nhận 1 máy Kubota DC-70 Pro, dòng máy gặt đập liên hợp cải tiến hiện đại nhất hiện nay. Riêng Dự án GIC tỉnh Kiên Giang còn được hỗ trợ thêm máy trộn đảo phân chuyên dụng PT-DT24 để sản xuất phân hữu cơ, do Công ty Phan Tấn (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chế tạo.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Giám đốc Ban quản lý Dự án GIC tỉnh Kiên Giang phấn khởi cho biết, hiện nay tỉnh Kiên Giang đang đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển bền vững. Theo đó, chủ trương của tỉnh là giảm diện tích sản xuất lúa nhưng tập trung nâng cao năng suất và chất lượng, gia tăng giá trị. Đồng thời, tăng sản lượng thủy sản, nhất là đối với thủy sản nuôi trồng. Hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, giúp tăng năng xuất lao động, nâng cao chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho người dân.
Theo ông Toàn, các mục tiêu Dự án GIC hướng tới, nhất mục tiêu tăng trưởng xanh rất phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, khi tỉnh được chọn tham gia dự án GIC, các HTX, nông dân trong vùng dự án rất phấn khởi và nhiệt tình hưởng ứng. Được dự án GIC trao máy nông nghiệp, đã tạo cơ hội cho các HTX mở rộng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo, tạo tiền đề để phát triển xanh và bền vững hơn.
Giúp nông dân có kiến thức kinh doanh
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) cho biết, Dự án GIC được triển khai thực hiện ở 6 tỉnh của vùng ĐBSCL nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất, tạo chuỗi giá trị cho 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là lúa gạo và cây ăn quả (cụ thể là cây xoài).
GIC sẽ hỗ trợ đạo tạo cho khoảng 20.000 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động trong vùng dự án. Theo đó, GIC Việt Nam sẽ triển khai tập trung vào các vấn đề mấu chốt như đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân trở thành người sản xuất kinh doanh. Tổ chức lại sản xuất để hình thành vùng nguyên liệu lớn, hỗ trợ các tổ chức nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, cơ giới hóa sản xuất, phát triển chuỗi giá nông nghiệp bền vững cho từng ngành hàng chuyên biệt.
Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh – GIC Việt Nam do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tài trợ, được phối hợp thực hiện bởi Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, triển khai thực hiện tại 6 tỉnh, thành gồm An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ cải thiện thu nhập cho các hộ sản xuất nhỏ, tạo thêm việc làm, nâng cao khả năng chống chịu của các chuỗi giá trị lúa gạo và xoài thông qua các mô hình kinh doanh có tính cạnh tranh. Đồng thời, giảm thiểu tác động môi trường, tạo điều kiện cho các tác nhân tham gia trong chuỗi có thể ứng dụng thành công những đổi mới sáng tạo để phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao lợi nhuận.
Ông Dominik Fortenbacher, Trưởng Nhóm Nông nghiệp GIZ Việt Nam, Cố vấn trưởng Dự án GIC cho rằng, thông qua các lớp đào tạo GIC, sẽ giúp cho nông dân có kiến thức về kinh doanh, giúp họ tiếp cận được nguồn đầu vào và tính toán tổ chức sản xuất hiệu quả. Dự án sẽ đào tạo cho 20.000 nông hộ làm lúa và trái cây ở ĐBSCL; đổi mới sáng tạo, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sản xuất bền vững.
Thông qua các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa như “1 phải, 5 giảm”, tưới ướt - khô xen kẽ, cơ giới hóa đồng bộ... sẽ giúp giảm chi phí, bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận. Ngoài ra, GIC còn hỗ trợ máy trộn đảo để phục vụ sản xuất phân hữu cơ, giúp tận dụng sử các phụ phẩm nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường và tạo ra giá trị gia tăng.
"Cơ giới hóa sẽ đóng góp quan trọng vào tăng hiệu quả chuỗi giá trị. Lợi ích của cơ giới hóa là giảm công lao động, tăng chất lượng, tăng giá trị và giảm thất thoát sau thu hoạch. Hỗ trợ cơ giới hóa sẽ giúp các HTX gia tăng dịch vụ, phục vụ diện tích sản xuất lớn, tạo cơ hội để liên kết nông dân, phát triển vùng nguyên liệu hướng đến sản xuất hàng tập trung", ông Dominik Fortenbacher, Trưởng Nhóm Nông nghiệp GIZ Việt Nam, Cố vấn trưởng Dự án GIC chia sẻ.