Tính đến 0h ngày 1/4/2019, toàn thành phố có 8.993.082 người. |
Đây là lần thứ 6 TP. HCM tổng điều tra dân số và nhà ở, nhằm phục vụ việc xây dựng các chỉ tiêu quốc gia và một số chỉ tiêu phát triển bền vững. Cùng với đó là phục vụ cho việc xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tiếp theo (giai đoạn 2021-2030).
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tính đến 0h ngày 1/4/2019, toàn thành phố có 8.993.082 người. Trong đó, dân thành thị là 7.125.497 người, chiếm hơn 79%, còn lại dân số nông thôn. Với số dân nêu trên, TP.HCM trở thành thành phố đông dân nhất cả nước và chiếm 50% dân số vùng Đông Nam bộ trong đó nam giới chiếm 48,7%; nữ chiếm 51,3% dân số.
Quận, huyện đông dân nhất là quận Bình Tân (hơn 784.000 người), huyện Bình Chánh (hơn 705.000 người), quận Gò Vấp (hơn 676.000 người), quận 2 (hơn 182.000 người), quận Phú Nhuận (hơn 163.000 người), quận 1 (hơn 142.000 dân) và thấp nhất là huyện Cần Giờ (hơn 71.000 người)…
Mỗi năm dân số ở TP. HCM tăng cơ học khoảng 200.000 người, đô thị TP. HCM luôn đối mặt tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe, ngập nước... với áp lực càng ngày càng tăng. Trước đây, phần lớn dân số tập trung ở các quận trung tâm, nội thành gây nhiều hệ lụy đi kèm khi cơ sở hạ tầng không theo kịp dân số.
Vì vậy, lãnh đạo TP.HCM có nhiều chương trình giãn dân ra ngoại thành. Kết quả, từ 2009 – 2019, tỷ lệ dân số khu vực nông thôn tăng nhanh, trong đó huyện Nhà Bè có tốc độ tăng dân số cao với 7,16%/năm; huyện Bình Chánh với 5,18%/năm; huyện Hóc Môn với 4,40%/năm.
Ông Võ Thanh Sang, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP. HCM cho rằng, tốc độ gia tăng dân số nhanh tại TP. HCM là do tập trung nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế nên kéo theo nhu cầu lớn về lực lượng lao động.
Liên quan đến vấn đề nhà ở, Cục Thống kê TP. HCM cho biết, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở khu vực thành thị và khu vực nông thôn chênh lệch không quá lớn. Khu vực thành thị từ 16,5m2/người lên, 19,1m2/người, khu vực nông thôn từ 19,3m2/người lên 20,4m2/người.
Cũng theo ông Khang, hiện nay đa số các hộ dân cư tại thành phố đang sống trong các nhà kiên cố và bán kiên cố, chỉ một bộ phận không nhỏ các hộ dân cư hiện đang sống trong nhà ở thiếu kiên cố, đơn sơ. Còn khoảng 188.815 hộ dân cư (663 ngàn người) đang sinh sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 6m2/người, thậm chí có tình trạng 3 – 4 người sống trong 6 mét vuông.