10 chỉ tiêu đạt và vượt
Thông tin tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 trên địa bàn thành phố, ngày 12/1, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, 2023 GRDP toàn ngành tăng 1,53%; giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 579 triệu đồng/ha, tăng 1,57%; tỷ trọng giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực chiếm 73%.
Kết quả thực hiện 18 chỉ tiêu chính theo kế hoạch đề ra từ đầu năm 2023 của ngành nông nghiệp, trong đó, 10 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch; 8 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch.
Đặc biệt, trong năm 2023, cá cảnh là một trong 6 sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố, với tổng diện tích nuôi cá cảnh đạt 89 ha (chủ yếu ở huyện Củ Chi và Bình Chánh); sản lượng cá cảnh ước đạt 110 triệu con, tăng 17,3% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 12 triệu con, tăng 1,2% so với năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,5 triệu USD, giảm 0,1%.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Minh Hiệp, ngành nông nghiệp thành phố vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Do đó, rất cần sự đồng lòng của các doanh nghiệp, người dân, đơn vị và đặc biệt là sự chỉ đạo, định hướng, tháo gỡ khó khăn từ phía UBND TP.HCM, Bộ, ngành để nông nghiệp thành phố phát triển trong thời gian tới, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp TP.HCM đến năm 2030.
Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đánh giá, năm 2023, nhiều ngành như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ... gặp khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng, vẫn giữ được ổn định, giá trị sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước.
"Ngành nông nghiệp thành phố vẫn đóng góp 0,2% tốc độ tăng trưởng và 0,5% GRDP của thành phố. Trong khó khăn về kinh tế, nhu cầu tiêu dùng giảm, nhưng tiêu dùng lương thực thực phẩm không thể giảm. Công nghiệp chế biến vẫn phát triển, hàng hóa của Việt Nam vẫn xuất khẩu sang các nước. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, bà con nông dân vẫn sản xuất, vẫn đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân thành phố", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói và nhận định, nông nghiệp vẫn có vị trí rất quan trọng.
Để phát triển phù hợp với xu thế trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, ngành nông nghiệp thành phố cần phải thay đổi từ nhận thức đến hành động, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phải lấy tín hiệu thị trường, lấy thị trường làm thước đo làm động lực, làm mục tiêu để phát triển ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, muốn sản phẩm nông nghiệp TP.HCM đi xa hơn buộc phải đạt được các tiêu chuẩn của thế giới như tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp).
Lãnh đạo TP.HCM cũng đề nghị ngành nông nghiệp thành phố phải mở tư duy không gian phát triển của thành phố. Tận dụng lợi thế nhân lực, điều kiện nghiên cứu sâu, cơ hội tiếp cận giao lưu quốc tế để kết hợp với lợi thế của các địa phương khác để cùng phát triển.
“Dù TP.HCM đất dành cho nông nghiệp ít, nhưng phải phát triển thành Trung tâm phát triển nông nghiệp của vùng và của khu vực - là nơi nghiên cứu, cung cấp, chuyển giao và hình thành những cánh tay nối dài với các vùng nguyên liệu. Nông dân thành phố phải là những nông dân sản xuất để trình diễn, sản xuất để lan tỏa ra các địa phương khác, chứ không chỉ sản xuất hàng hóa để bán”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị Sở NN-PTNT TP.HCM nghiên cứu, mời gọi các doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu của thành phố ở các tỉnh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chế biến lương thực thực phẩm. Đồng thời, tập trung thực hiện các định hướng phát triển vùng nông thôn TP.HCM gắn với đề án phát triển huyện thành các đô thị vệ tinh.
Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho nông dân xây dựng thương hiệu; Đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ nâng cao các sản phẩm OCOP; Kết nối thật tốt nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp với doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp chế biến; Xây dựng thương hiệu Vàng ngành nông nghiệp…