| Hotline: 0983.970.780

Trà Linh vươn lên từ nghèo khó

Thứ Bảy 04/12/2021 , 21:45 (GMT+7)

Xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) đang từng bước vươn lên với những thay đổi rõ nét. Đó là kết quả của cả chính quyền và người dân.

Gian khó đang dần qua đi ở xã Trà Linh. Ảnh: C.T.V.

Gian khó đang dần qua đi ở xã Trà Linh. Ảnh: C.T.V.

Khoảng 10 năm trước, khi nhắc đến xã Trà Linh, người ta thường nghĩ ngay đến sự nghèo khó. Đường sá cách trở, để đến được những thôn, làng nơi đây phải đi bộ mất cả 1 buổi thậm chí cả ngày. Nhiều địa phương trong xã vẫn không có điện. Đêm đến, người dân lại quây quần lại bên bếp lửa hay ánh đèn dầu hiu hắt dưới những mái nhà tranh lụp xụp.

Từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Trà Linh đã được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Qua một thời gian, những hình ảnh nghèo khó đó đang dần biến mất. Bộ mặt địa phương đã đổi thay từng ngày.

Theo thống kê của xã Trà Linh, hiện nay xã đã đạt được tiêu chí về giao thông khi đường giao thông trục xã, liên xã đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn 100%; đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt chuẩn; Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Đường trục chính nội đồng được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện.

Giao thông đảm bảo nên điện thắp sáng cũng đã về tới hầu hết các bản làng với 691 hộ/tổng số hộ 716 sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Đây chính là những điều kiện rất quan trọng để địa phương phát huy được lợi thế vốn có. Đó chính là hiệu quả kinh tế từ loại cây vẫn được gọi là Quốc bảo – sâm Ngọc Linh.

Những căn nhà khang trang thi nhau mọc lên ở xã miền núi Trà Linh. Ảnh: C.T.V.

Những căn nhà khang trang thi nhau mọc lên ở xã miền núi Trà Linh. Ảnh: C.T.V.

Ông Hồ Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Trà Linh cũng thừa nhận, người dân Trà Linh đã đổi đời từ loại cây giá trị này. Nhờ cây sâm Ngọc Linh là nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá giả, giàu có. Đời sống người dân cũng dần được nâng lên, góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng NTM ở địa phương.

Ông Thể cho biết, nếu như 2015, mỗi ký sâm loại 1, tức mỗi củ nặng gần một lạng, chỉ có giá 27 triệu đồng. Bây giờ, sâm còn ở rừng đã có người tới hỏi mua, giá sâm loại 1 trên hai trăm triệu đồng. Toàn xã có 716 hộ, thì chỉ còn chừng 30 hộ chưa trồng. Nhờ cây sâm Ngọc Linh mà trong xã đã có rất nhiều hộ xây dựng nhà cửa khang trang, mua được ô tô có với giá từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng.

Sắc màu của đổi thay không chỉ nhìn thấy được ở từng nóc, từng nhà. Trụ sở xã khang trang, sát ngay cạnh là một ngôi trường cấp 2 gồm 3 dãy nhà hai tầng vừa được hoàn thiện. Thống kê mới nhất của xã Trà Linh cho biết, từ thu nhập bình quân chưa đến 7 triệu đồng/người/năm của năm 2015, đến nay con số đã tăng lên gần 45 triệu đồng, phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020-2025 tăng lên 55 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo cũng giảm mạnh, chỉ còn 27,51%.

Cây sâm Ngọc Linh đã giúp cho nhiều hộ gia đình ở Trà Linh vươn lên khá giả. Ảnh: C.T.V.

Cây sâm Ngọc Linh đã giúp cho nhiều hộ gia đình ở Trà Linh vươn lên khá giả. Ảnh: C.T.V.

Theo đại diện UBND xã Trà Linh, để đạt được những kết quả này, trong những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo và kiểm tra giám sát, nâng cao năng lực quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức của người dân; xây dựng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, có khả năng nhân rộng trên địa bàn.

“Ngoài ra, địa phương cũng đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đào tạo nghề lao động nông thôn để có thể tham gia sản xuất các nghề mới có thu nhập; Đặc biệt, với thế mạnh là cây sâm ngọc linh UBND đã tuyên truyền tập huấn những kỹ thuật trồng và bảo tồn cây sâm gốc gắn với phát triển du lịch sinh thái đem lại thu nhập ổn định cho nhân dân trên địa bàn”, đại diện UBND xã Trà Linh cho biết.

Tính đến nay, xã Trà Linh đã đạt được 14/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Trong giai đoạn tiếp theo (2020 - 2025), địa phương xác định giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, phấn đấu đến năm 2025 xã hoàn thành đủ các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn với lộ trình đưa ra là: Năm 2022: phấn đấu đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí trường học; Năm 2023 đạt tiêu chí Hộ nghèo; Năm 2024 đạt tiêu chí Văn hóa; Năm 2025 hoàn thành tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.