| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan san gạt đất nông nghiệp trái phép

Thứ Sáu 05/06/2020 , 08:31 (GMT+7)

Một số hộ dân tự ý san tạo mặt bằng, làm thay đổi hiện trạng đất. Trong khi địa phương lúng túng, chỉ xử phạt, và yêu cầu… hoàn lại đồi bị san gạt.

Phần đất của hộ dân san gạt trái phép mặt quốc lộ 70. Ảnh: HĐ.

Phần đất của hộ dân san gạt trái phép mặt quốc lộ 70. Ảnh: HĐ.

Phạt rồi yêu cầu khôi phục… cả quả đồi

Ghi nhận tại thôn Làng My (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) phần đất của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt đã được san gạt, tạo mặt bằng với diện tích lớn.

Theo ông Đặng Văn Long - trưởng thôn Làng My, họ chỉ mang tiền lên nộp rồi làm. Trong khi đó, theo quy định, UBND xã không đủ thẩm quyền cấp phép cho người dân san gạt, thay đổi hiện trạng, thay đổi mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên, UBND xã Xuân Quang lại có văn bản chấp thuận cho hộ dân này được san gạt, cải tạo đất, với khối lượng san gạt lên tới 600 mét khối. Việc làm này đã khiến địa hình khu đất bị biến dạng, không còn sử dụng đúng mục đích ban đầu.

Lý giải vấn đề này, ông Trần Đức Khải - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết, bà Nguyệt có đơn xin san tạo mặt bằng để làm nhà.

Qua kiểm tra của cán bộ địa chính xã thì hộ cũng đã có nơi đổ đất thải được múc ra. Về cơ sở pháp lý để cấp phép cho san gạt, thay đổi hiện trạng đất ông Khải cho rằng, nếu không cho phép họ cũng làm dấm dúi, địa bàn xã rộng nên việc quản lý rất khó.

Tại các xã Phong Niên, Phong Hải, Bản Cầm (huyện Bảo Thắng) cũng có hiện tượng san gạt đất trái phép tương tự.

Theo đó, nhiều điểm đất đồi, đất canh tác cũng bị nhiều người dân tự ý san gạt, đổ đất, đổ thải để tạo mặt bằng cho thuê, sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, tại xã Bản Cầm, gia đình ông Cao Văn Dương tự ý san gạt, hạ thấp đồi trồng cây lâm nghiệp, làm biến dạng hình thể thửa đất. Phần đất này của gia đình ông Dương nằm sát quốc lộ 70.

Theo hộ gia đình này, đất do gia đình khai pháp, sử dụng nhiều năm nhưng đất là đồi cao nên việc canh tác khó khăn do chủ hộ già yếu, không đem lại hiệu quả kinh tế.

Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Thành Đô tại xã này cũng tự ý san gạt đồi với lý do trên. Song điều đáng nói là sau khi UBND xã Bản Cần nhiều lần lập biên bản và đình chỉ cũng chỉ còn cách phạt ở mức tối đa là 5 triệu đồng. Đồng thời, UBND xã này yêu cầu các hộ dân khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Tuy nhiên, hàng trăm mét khối đất đá của quả đồi đã bị múc đi và việc đắp lại là không khả thi.

Một hộ dân ở thị trấn Phong Hải tự san gạt đất trái phép. Ảnh cắt từ clip.

Một hộ dân ở thị trấn Phong Hải tự san gạt đất trái phép. Ảnh cắt từ clip.

Tại Khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Chưa hướng dẫn cụ thể

Ông Hoàng Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Bản Cầm cho biết, khi lập biên bản các hộ gia đình UBND xã cũng phải thuyết phục rất nhiều.

Sau khi xử phạt vi phạm hành chính, họ vẫn đề xuất tiếp tục có hướng hướng dẫn cho san tạo mặt bằng, phát triển sản xuất, cũng như nhu cầu xây dựng của nhân dân hoặc do nguy cơ sạt lở... phải san tạo.

Không chỉ san gạt mặt bằng phần diện tích canh tác kém hiệu quả mà một số hộ còn biến phần đất san gạt thành bãi đổ đất đá cho công trình xây dựng ở một số xã trên địa bàn huyện Bảo Thắng.

Ông Lê Xuân Cương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Hải cho biết, hiện chưa có hướng dẫn, chính sách cụ thể để người dân san gạt những loại đất này nên UBND thị trấn chỉ báo cáo huyện để giải quyết. Trong thời gian này, UBND yêu cầu bà con tạm dừng chờ hướng dẫn của huyện, cơ quan chuyên môn.

Trước thực trạng trên, ông Đỗ Cao Thọ - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Thắng cho biết, thực tế do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, nên hiện chính quyền địa phương đình chỉ việc san gạt vi phạm của người dân. Tuy nhiên, một số xã buông lỏng quản lý để xảy ra san gạt trái phép trên địa bàn khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Việc san gạt, đổ thải làm biến dạng địa hình là hành vi hủy hoại đất, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là vi phạm Luật Đất đai, bị nghiêm cấm.

Tuy nhiên, do nhu cầu nhà ở và kinh doanh, nhiều người dân ở một số địa phương đang tự ý hoặc thông đồng với các doanh nghiệp thi công công trình đổ đất đá thải, san gạt lấn chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp để tạo mặt bằng, nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.