Hiện nay, nuôi tôm trên cát ở tỉnh Quảng Bình đang rộ lên thành phong trào, nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi đã thu được hàng tỷ đồng từ một vụ tôm. Bên cạnh các dự án được thực hiện theo quy hoạch thì đã xuất hiện hiện tượng nuôi tôm trên cát tự phát. Việc làm này ban đầu mang lại lợi nhuận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn…
Lợi nhuận treo trước mắt...
Dải cát ven biển Quảng Bình kéo dài từ chân đèo Ngang (Quảng Trạch) đến Mũi Lạy (Lệ Thủy) trên chiều dài 126 km, trong đó tập trung nhiều nhất tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Dải cồn cát (diện tích khoảng 32.140 ha, chiếm 4% diện tích của tỉnh) này có độ cao thay đổi từ 2-3 m, nơi rộng nhất đạt 7km có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế, nhất là hình thành các trang trại trồng rừng, chăn nuôi và nuôi thủy sản trên cát.
Giữa năm 2002, lần đầu tiên tỉnh Quảng Bình thí điểm dùng ni-lon làm chất phủ chống thấm để nuôi tôm trên triền cát trắng ven biển. Khoảng hai năm, nuôi tôm trên cát bắt đầu loang ra khắp tỉnh với đối tượng nuôi chính là tôm sú. Năng suất bình quân mỗi vụ khoảng 1,5 đến 1,7 tấn/ha. Tiếp đó, con tôm thẻ chân trắng có nguồn gốc từ Nam Mỹ được nhập vào nước ta và đưa vào nuôi ở Quảng Bình từ năm 2006 đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối tượng nuôi này đã và đang thực sự cuốn hút nhiều người.
Các Cty TNHH Hưng Biển, Đức Thắng…đầu tư vào vùng cát ven biển ở xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới); Cty Thanh Hương của ông Võ Đại Nghĩa đầu tư vào vùng cát xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh). Vượt qua những khó khăn ban đầu, những Cty này đã dần ổn định và hiệu quả nuôi trồng đạt 6-8 tấn/ha/vụ, tiền lãi kiếm được vài tỷ đồng. Vụ nuôi tôm năm 2010, mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự bất lợi của thời tiết nhưng năng suất tôm bình quân của một số doanh nghiệp và hộ nuôi đạt 7- 9 tấn/ha/vụ, cá biệt có nơi đạt 12-13 tấn/ha/vụ. Theo ông Võ Đại Nghĩa (Giám đốc Cty TNHH Thanh Hương) thì: “Với ba, bốn vụ tôm nuôi trong năm, các DN và người nuôi đã thu lãi hàng năm, bảy tỷ đồng”.
Đến nay, diện tích nuôi trên cát của tỉnh Quảng Bình là 190 ha, tăng 40 ha so với năm 2009. Trên địa bàn đã hình thành nhiều vùng nuôi tôm trên cát tập trung với quy mô lớn như Bảo Ninh (TP Đồng Hới), ba xã vùng biển Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy); Nhân Trạch, Đại Trạch (Bố Trạch). Cuối năm 2009, UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý cho Cty TNHH Đầu tư Đại Thành- Asia Hawaii Ventures (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, có trụ sở chính tại tỉnh Phú Yên) thực hiện dự án sản xuất giống tôm thẻ sạch bệnh và nuôi tôm công nghiệp trên cát với số vốn hơn 80 tỷ đồng tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh) với quy mô dự án khoảng 50 ha. Ngoài ra, còn có một doanh nghiệp nước ngoài hiện đang thuê đất ở vùng cát huyện Lệ Thủy để đầu tư nuôi tôm bằng công nghệ mới.
Thậm chí xin đất nuôi tôm trên cát ở Quảng Bình như một “mốt” đầu tư của những người nhiều tiền. Lắm người sau khi đi lao động nước ngoài về có vốn thành lập doanh nghiệp và “xin” luôn mấy chục ha trên vùng cát để nuôi tôm. Chính vì vậy mà gần toàn bộ tuyến đất rừng trên cát dọc hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy đều đã có chủ…Người thì đầu tư ồ ạt đưa máy móc về đào múc xây hồ, đắp đập; kẻ được đất thì để yên chờ thời cơ sang nhượng hay xí phần như của để dành.
Mất rừng và nguy cơ ô nhiễm
Vùng cát ven ven biển thuộc các xã Quảng Xuân, Quảng Thọ (Quảng Trạch) không thuộc khu vực quy hoạch nuôi tôm. Vả lại, dải bờ cát dài hơn một km này đã được phê duyệt để xây dựng tuyến đường ven biển, và đây cũng là vùng đất đã được huyện Quảng Trạch chỉ đạo “không được mở rộng sản xuất hoặc nâng cấp xây dựng”. Thế nhưng, UBND xã Quảng Thọ đã đã phớt lờ sự chỉ đạo đó để cho một số cá nhân đến thuê đất để đào ao nuôi tôm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Rừng phi lao có tuổi đời năm bảy mươi năm cao lớn ưỡn ngực trước gió biển chỉ sau một đêm đã biến mất. Người ta điều máy xúc, máy ngoạm làm “gấp” để triệt hạ rừng. Gấp đến nỗi phi lao được cưa cắt, đào gốc và máy xúc bới hố sâu đổ cây xuống lấp cát lên để phi tang! Trong một đêm, mấy ha rừng “biến mất” chỉ còn cát trắng. Khi có đoàn công tác đến kiểm tra thì chủ hồ còn vác mã tấu chắn đường đòi “hy sinh” để bảo vệ…hồ tôm.
Con đường quốc phòng chạy ven biển từ huyện Quảng Ninh lên Lệ Thủy xuyên qua những rừng phi lao ngút ngàn. Bây giờ, rừng đang teo tóp dần, đang mất dần để nhường chỗ cho hồ tôm. Ông Hoàng Liên Sơn- Giám đốc BQL Rừng phòng hộ ven biển chua chát: “Có khoảng rừng tuổi đời gần cả trăm năm. Phi lao trên cát trồng lên được như vậy là quý lắm. Nếu cứ phát triển kinh tế mà lấn rừng trên cát thì đến lúc hối hận cũng không kịp. Trồng được rừng phi lao trên cát đâu phải dễ dàng”.
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, các vùng nuôi như Đức Trạch, Đại Trạch, Nhân Trạch (Bố Trạch), Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy) tuy đã được UBND huyện và hội đồng đánh giá tác động môi trường tỉnh xem xét, phê duyệt nhưng hầu hết các chủ đầu tư không thực hiện đúng như quy hoạch và báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt. Hầu hết các vùng nuôi đều không có ao hồ chứa lắng lọc, ao xử lý nước thải; hệ thống cấp thoát nước chồng chéo nhau. Đây là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh rất lớn trong quá trình sản xuất.
Do không có ao chứa lắng, xử lý nên phần lớn các hộ nuôi đều thải trực tiếp nước thải ra biển mà không qua bất kỳ hình thức xử lý nào. Theo các chuyên gia về nuôi thủy sản thì để nuôi được một tấn tôm thẻ chân trắng cần phải cung cấp hơn một tấn thức ăn và nếu đổ xuống ao ba tấn thức ăn sẽ còn lại hai tấn chất thải rắn không được tiêu thụ. Nếu một ha ao nuôi một năm (nuôi ba vụ) thải ra biển đến 22 tấn chất thải rắn. Ở quy mô nhỏ hoặc trong một vài năm đầu có thể chưa gây ra ảnh hưởng đáng kể, nhưng nếu diện tích nuôi lớn và việc thải trong thời gian dài có thể gây ô nhiễm môi trường nước ven biển, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng và phát triển của nguồn lợi hải sản tự nhiên. Ông Trần Đình Du- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết: “Việc quy hoạch và phát triển vùng nuôi tôm trên cát ở các địa phương trong tỉnh còn mang tính tự phát hoặc không thực hiện theo quy hoạch và phương án đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Cụ thể: vùng nuôi tôm ở xã Quảng Xuân, Quảng Thọ (Quảng Trạch) phát triển tự phát, không có quy hoạch, ao hồ đầu tư xây dựng thiếu khoa học đã và đang gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ mất an toàn rất lớn”.
Ngoài việc xả thải ra biển, nhiều hộ nuôi hiện nay còn xả trực tiếp nước thải và bùn ao nuôi ngay trên khu vực đất cát cạnh bờ hồ nuôi, gây ô nhiễm và mặn hoá nguồn nước ngầm. Dịch bệnh có thể lây lan sang các hồ nuôi khác do sử dụng nước ngầm đã bị bị nhiễm bệnh, tạo cơ hội bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sản xuất.
Cách đây chưa lâu, bãi tắm biển xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) đã đột nhiên biến đổi màu nước và bốc mùi hôi. Xem xét lại thì nguyên nhân biển bị ô nhiễm do nước thái từ khu nuôi tôm gần đó. Ông Mai Văn Buôi - Bí thư Đảng ủy xã cho hay: “Sau khi người dân phát hiện nước biển bị ô nhiễm, chúng tôi báo cáo vưới cơ quan chức năng xử lý. Trước mắt có thể tạm ổn, nhưng lâu dài nếu khu nuôi tôm không có hệ thống xử lý nước thải thì việc tiếp tục ô nhiễm là khó tránh khỏi”.