Những lời thẳng thắn đó của ông đã khiến tấm áo lộng lẫy những vàng son mà lâu nay ông vẫn khoác lên người rơi tuột xuống đất, trơ ra sự thật trần trụi về ông, thần tượng của anh, khiến anh tự hỏi: Phải chăng không chỉ ông, mà nhiều quan chức khác đều thế, đều có thứ tư duy mà lâu nay người ta vẫn gọi là tư duy nhiệm kỳ? Thứ tư duy đã khiến cho nền kinh tế - xã hội thiếu hẳn một chiến lược phát triển dài hơi. Mọi thứ trở thành chắp vá, vụn vặt, chồng chéo, biến dạng và méo mó. Tất cả chỉ mang một mục đích duy nhất, là mang lại nguồn lợi cho những người có thẩm quyền, bất chấp hậu quả.
Không những thế, cuộc đối thoại còn phơi bày ra rất nhiều sự thật khác nữa, khiến anh nhìn thấu nhiều điều. Điều đầu tiên mà anh nhận ra, là xã hội mà anh đang sống, luôn bị bao phủ bởi một làn sương mù, khác hẳn với xã hội ở nước ngoài mà anh từng học tập, từng làm việc. Ở đó, mọi chuyện đều minh bạch, rõ ràng. Ở đó, cơ chế quản lý xã hội và luật pháp đã khiến cho những ai muốn hối lộ cũng không có đường mà hối lộ.
Rất nhiều người vẫn nói, rằng để công nghiệp hóa, chúng ta đã đánh đổi một cái giá quá đắt về môi trường. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải thế. Không ai đánh đổi nổi, nếu những quan chức của chúng ta không tình nguyện bán rẻ môi trường cho các nhà đầu tư. Họ bán rẻ môi trường cho các nhà đầu tư cả nước ngoài lẫn trong nước, để thu về cho cá nhân mình những khoản lợi rất lớn. Như cái dự án dệt-nhuộm mà bố anh sắp ký cấp giấy phép cho Tập đoàn Thành Hưng này chẳng hạn.
Ngoài bán rẻ môi trường, ông còn bán rẻ cho họ nhiều cái khác, được ngụy trang bằng rất nhiều ưu đãi để “khuyến khích, thu hút đầu tư”, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm đầu, giảm 50% loại thuế đó trong 10 năm tiếp theo, và chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 35 năm còn lại, trong khi các doanh nghiệp khác phải nộp tới 22%.
Về tiền thuê đất, 200ha đất được Thành Hưng thuê trong 50 năm, nhưng doanh nghiệp này chỉ phải nộp có 3 triệu USD, tương đương với gần 70 tỷ đồng. Đổi lại, bố anh được 10 triệu USD, tương đương hơn 200 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần tiền thuê 200ha đất trong 50 năm.
Đất nước đang bị móc hết ruột gan lên để bán, từ dầu, than cho đến quặng ti tan, quặng sắt, quặng đồng, quặng vàng, quặng bạc... Những lòng sông cũng bị móc cát, móc sỏi lên để bán. Mặt đất thì bán môi trường, bán đất với những thời hạn 50 năm, 70 năm. Không gian thì bán không khí, để mặc cho các dự án xả chất thải vào. Xã hội thì bán chức, bán quyền, bán việc làm, bán bằng cấp, bán dự án, bán giấy chứng nhận VietGAP, bán sản phẩm kiểm nghiệm khống, bán logo xe vua xe quan...
Tâm linh thì bán thần bán thánh bằng việc đầu tư xây dựng những ngôi chùa, ngôi đền ngôi tháp khổng lồ. Nghĩa là bán không từ thứ gì, bán bất cứ thứ gì có thể bán, bán bất cứ thứ gì trong tầm tay. Không một ai có một mảy may ý nghĩ là hãy để một phần tài sản trời ban ấy lại cho các thế hệ sau.
Mỗi người đều có “mánh”, có lãnh địa để bán riêng, như là những lãnh địa của những loài dã thú, được đánh dấu bằng mùi nước giải. Không ai dám thâm nhập vào lãnh địa của ai. Bất cứ kẻ nào, chỉ cần thâm nhập vào lãnh địa của kẻ khác, là sẽ diễn ra một cuộc quyết đấu sinh tử. Bán và vơ vét. Vơ vét được tiền rồi thì dùng một phần tiền để mua vị trí an thân khác, và mua quốc tịch nước ngoài, còn lại là dùng để vinh thân phì gia.
Vào Google, gõ dòng chữ “người Việt sang nước ngoài định cư”, anh giật mình bởi con số mà tổ chức di cư quốc tế (IMO) vừa công bố, lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc tế về vấn đề kinh tế và xã hội (UNDESA): Từ năm 1990 đến năm 2015, có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài sinh sống.
Nghĩa là trong vòng 26 năm đó, mỗi năm có gần 100.000 người Việt Nam bỏ nước đi tìm vùng đất hứa cho mình. Hầu hết là đến các nước phát triển như Mỹ (1,3 triệu người), Pháp (125,7 nghìn người), Đức (113 nghìn người), Canada (182,8 nghìn người)... Tất cả những người sang định cư ở nước ngoài ấy, đều là những người có tiền. Bởi không có tiền, thì làm sao mua nổi quốc tịch?
Sau một đêm suy nghĩ, trăn trở, Hải tự đặt cho mình một kế hoạch, là phải quyết tâm tìm mọi cách tác động đến dự án này, để bắt buộc những nhà đầu tư phải bổ sung phần đánh giá tác động môi trường, và phải cam kết đầu tư công nghệ tiên tiến nhất để xử lý chất thải, trước khi xả thải ra môi trường.
6 giờ sáng, anh bấm máy gọi cho Dung:
- Em à. Chúng mình ăn sáng và cà phê với nhau nhé?
- OK. Vẫn quán Lan 9 hả anh?
- Ừ.
Dung là người yêu của Hải. Hai nhà sống cùng dãy nhà trong một khu đô thị. Hai ông bố đều là lãnh đạo cấp sở, và khá thân nhau. Nhưng với Hải, thì Dung chỉ là một “con vịt con xấu xí” với nước da ngăm đen, người gầy nhẳng. Ngày Hải vào đại học thì Dung mới học lớp 6. Học xong, anh ra nước ngoài.
Và đến khi về, thì anh hết sức ngỡ ngàng khi gặp lại Dung. Con “vịt con xấu xí” ngày nào giờ đã hóa thiên nga, một con thiên nga lộng lẫy, kiêu sa và đài các. Cả bố anh và bố Dung cũng đều không còn là lãnh đạo cấp sở nữa, mà đều đã tiến rất cao. Bố anh trở thành người đứng đầu chính quyền của tỉnh, còn bố của Dung thì đã trở thành người lãnh đạo cao nhất tỉnh.
Dung cũng đã tốt nghiệp đại học, và nhờ vị trí của bố, cô dễ dàng có được việc làm ở Sở Tài chính. Vừa gặp lại Dung, anh đứng ngây ra, trái tim anh thổn thức. Vẻ ngây độn của anh khiến cô bật cười:
- Sao anh nhìn em ghê thế? Em xấu xí lắm à?
- Không. Em xinh lắm, Dung ạ. Anh... Anh thật không ngờ. Em... Em có người yêu chưa?
- Chưa. Xấu xí quá nên ế sưng ế xỉa. Còn anh?
Sau một tháng hẹn hò qua lại, Hải ngỏ lời, và anh vô cùng sung sướng thấy cô gật đầu. Biết tin hai người yêu nhau, từ bố mẹ anh, bố mẹ Dung cho đến họ hàng hai bên đều phấn khởi, ra sức vun vào, ai cũng cho đó là một cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối”.
Con gái của người lãnh đạo cao nhất tỉnh lấy con trai của người đứng đầu chính quyền tỉnh, còn gì xứng đáng hơn. Cuộc hôn nhân này sẽ khiến hai nhà thân càng thêm thân. Còn bạn bè, đồng nghiệp thì không khỏi ngưỡng mộ. Ai cũng bảo họ chính là một đôi trời sinh, thanh mai trúc mã.