| Hotline: 0983.970.780

Trắng tay vì dịch cúm gia cầm H5N1

Thứ Bảy 17/06/2023 , 13:56 (GMT+7)

Đàn gia cầm có triệu chứng run rẩy, co giật, đi phân trắng rồi chết hàng loạt khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trắng tay.

Người dân Quảng Ngãi thiệt hại hàng chục đến hàng trăm triệu đồng vì đàn gia cầm mắc dịch cúm A/H5N1. Ảnh: L.K.

Người dân Quảng Ngãi thiệt hại hàng chục đến hàng trăm triệu đồng vì đàn gia cầm mắc dịch cúm A/H5N1. Ảnh: L.K.

Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vô cùng lo lắng trước tình hình dịch cúm  A H5N1 trở lại làm chết hàng ngàn con gia cầm. Nhiều đàn gà, vịt chưa kịp xuất bán cũng phải tiến hành tiêu hủy khiến các hộ nuôi thiệt hại hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Cách đây 3 tháng, bà Nguyễn Thị Kim Vân (trú thôn La Hà 3, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) bỏ ra số tiền 30 triệu đồng để mua 1.100 con vịt giống về nuôi. Khi gần đến ngày xuất bán, hơn 200 con vịt của gia đình bà bỗng dưng có dấu hiệu mắt đục, co giật, đi phân trắng rồi bất ngờ chết hàng loạt.

Sau khi báo cho các cơ quan chức năng và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy, đàn vịt của gia đình bà Vân dương tính với virus cúm A H5N1. Toàn bộ số vịt còn lại cũng được đem đi tiêu hủy để phòng ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Chuồng trại của các hộ dân trống không bì dịch bệnh khiến gia cầm chết và tiêu hủy. Ảnh: L.K.

Chuồng trại của các hộ dân trống không bì dịch bệnh khiến gia cầm chết và tiêu hủy. Ảnh: L.K.

“Bình thường nếu số vịt này không mắc bệnh, tôi có thể bán với giá từ 130.000-140.000 đồng/con, thu về gần 100 triệu đồng. Vậy mà giờ đây mất trắng, gia đình tôi cũng chưa biết xoay sở ra sao vì vẫn còn nợ 20 triệu đồng tiền mua thức ăn. Rất mong các cấp trên quan tâm, hỗ trợ phần nào để gia đình tôi có thể tiếp tục chăn nuôi để có thu nhập lo cho gia đình”, bà Vân chia sẻ.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Phượng (thôn Phú Nhuận, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa) cũng đứng ngồi không yên vì mất trắng đàn vịt 500 con vừa nuôi được hơn 2 tháng. Ông Phượng cho biết, thời điểm lúc mới mua về nuôi, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, ông đã chủ động dọn vệ sinh chuồng trại và tiêm vacxin cho cả đàn vịt.

Thế nhưng, gần đến ngày xuất bán cho thương lái thì toàn bộ 500 con vịt đều có dấu hiệu như run rẩy, đi phân trắng rồi lăn ra chết hàng loạt. Ngay sau đó, ông Phượng đã báo ngay cho thú y xã Nghĩa Thuận để xuống kiểm tra và lấy mẫu gửi đến cơ quan chức năng thì mới biết đàn vịt của gia đình mắc bệnh cúm A H5N1.

“Để nuôi đàn vịt này tôi đã mua 100 bao bột với mức giá khoảng 45 triệu đồng, tính thêm tiền mua giống thì thiệt hại không hề nhỏ. Mong sao thời gian tới, thú y xã Nghĩa Thuận cùng Phòng NNPTNT huyện Tư Nghĩa sẽ tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và phòng bệnh cho đàn gia cầm, gia súc để giúp người dân nâng cao kỹ năng chăn nuôi”, ông Nguyễn Phượng chia sẻ.

Tình hình thời tiết hiện nay đang nắng nóng kèm mưa dông là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh cúm A/H5N1 phát sinh và lây lan. Ảnh: L.K.

Tình hình thời tiết hiện nay đang nắng nóng kèm mưa dông là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh cúm A/H5N1 phát sinh và lây lan. Ảnh: L.K.

Theo UBND huyện Tư Nghĩa, trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 diễn biến phức tạp trên địa bàn, huyện này đã chỉ đạo các địa phương cũng như các đơn vị liên quan tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xử lý gọn ổ dịch theo quy định.

Ông Trần Thiên Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, hiện nay, huyện cũng đã yêu cầu các lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn kịp thời việc bán chạy hay giết mổ gia cầm bệnh làm gia tăng nguy cơ lây lan; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vacxin cúm gia cầm đợt 1 năm 2023 và tổ chức tiêm phòng thường xuyên theo lứa tuổi từ nguồn vacxin huyện phân bổ.

“Chúng tôi đã giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện kịp thời phân bổ vacxin cúm gia cầm, hóa chất tiêu độc khử trùng cho các xã, thị trấn tổ chức tiêm phòng và triển khai thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi gia cầm. Đồng thời chủ động giám sát, lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân”, ông Thanh nói.

Ông Đỗ Văn Chung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hiện nay thời tiết nắng nóng kèm mưa dông tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh cúm A H5N1 phát sinh, lây lan. Hơn nữa, phần lớn người nuôi có tư tưởng chủ quan, chưa tiêm phòng đúng và đủ liều lượng cho đàn gia cầm, làm giảm sức đề kháng, nên nguy cơ bệnh xảy ra trong thời gian đến rất cao.

“Ý thức tiêm phòng, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi rất quan trọng. Để ngăn chặn, đẩy lùi được cúm A H5N1, mỗi một hộ chăn nuôi cần áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, làm tốt vệ sinh chuồng trại, xác định được nguồn gốc con giống trước khi thả nuôi.

Đồng thời tăng cường bổ sung vitamin, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh trên đàn gia cầm. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ vật nuôi, khi có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương, để có hướng giải quyết kịp thời. Tuyệt đối không được giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia cầm bị bệnh tránh để lây lan trên diện rộng”, ông Chung nói.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.