Trang trại chăn nuôi heo của Công ty Khang Thọ ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, khánh thành và đi vào hoạt động được gần 3 năm nay, là một trong những trại heo lớn nhất, hiện đại nhất tỉnh Đắk Nông với quy mô 48.100 con.
Ông Vũ Văn Khang, Giám đốc công ty cho biết, đây là công nghệ chuồng trại hiện đại và mới nhất của Tập đoàn Japfa. Tổng chi phí đầu tư theo thiết kế ban đầu là 350 tỷ đồng, nhưng quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều thứ, đến khi hoàn thành, lên tới 430 tỷ đồng. Một trong những tiêu chí hàng đầu được chủ đầu tư chú trọng là đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Theo giới thiệu của ông Khang và qua hồ sơ thiết kế, đây là mô hình trại heo lạnh và khô, tức heo không tắm. Công nghệ có một số cải tiến về chuồng trại, đường đi của chất thải, quy trình, khác 1 chút so với các mô hình lâu nay các tập đoàn chăn nuôi áp dụng.
Công nghệ chuồng thiết kế 2 tầng, bên trên là nơi heo ở trên mặt sàn làm từ tấm đan thép dày, có lỗ cho chất thải lọt xuống hầm nước phía dưới. Hầm chứa thải được pha một số loại dung dịch, chế phẩm vi sinh để xử lý mùi và ủ hoai phân. Giai đoạn tiếp theo trong quy trình xử lý chất thải là tách phân, nước thải riêng. Nước chảy vào hầm biogas xử lý tiếp để đưa ra môi trường, còn chất thải rắn sẽ ủ thành phân hữu cơ bằng công nghệ.
Về vấn đề an toàn dịch bệnh cho hàng ngàn con heo, ông Khang cho biết, toàn bộ quy trình kiểm soát dịch bệnh trong trang trại được áp dụng theo tiêu chuẩn của Tập đoàn Japfa Comfeed Việt Nam.
“Đây là vấn đề sống còn của người chăn nuôi, dù là doanh nghiệp lớn hay nông hộ nhỏ lẻ. Ngoài ra, bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng thứ 2. Không thể tồn tại nếu trang trại chăn nuôi heo không đảm bảo 2 tiêu chí này”, ông Khang nói.
Ông Khang cho biết, trang trại heo áp dụng quy trình đảm bảo an toàn vô cùng nghiêm ngặt. Trong đó, vấn đề quản lý nói chung và quản lý con nguời nói riêng là quan trọng nhất. Vì con người liên quan đến mọi hoạt động của trang trại. Từ người phụ trách kỹ thuật, nhân viên chăm sóc, đến vận chuyện thức ăn, con giống… đều liên quan đến con người.
Ví dụ, người lái xe, công nhân, hay xe vận tải (do con người điểu khiển), từ bên ngoài vào có thể mang theo mầm bệnh từ giày dép, quần áo, hay phương tiện, xe vận chuyển. Vì thế, kiểm soát kỹ con người, phương tiện ra vào trang trại là một yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
“Phải tuyệt đối cấm người lạ vào bên trong khu nuôi, còn cán bộ kỹ thuật và công nhân phải ở cố định trong trại, hạn chế tối đa ra ngoài. Nếu có ra ngoài như về thăm nhà, khi quay lại trại phải cách ly 2 ngày, thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh, sát trùng trước khi tiếp xúc với vật nuôi.
Hạn chế tối đa công nhân di chuyển từ khu chuồng này sang khu chuồng khác trong trại, hay tiếp xúc với nhiều nhóm vật nuôi trong ngày. Đó là một vài nội quy bắt buộc phải tuân thủ trong trang trại, còn nhiều thứ mà ai làm việc tại đây cũng phải nhớ nằm lòng”, ông Khang nói.
“Ngành chăn nuôi địa Đắk Nông đã và đang đẩy mạnh mô hình chăn nuôi tập trung, kết hợp bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh. Nhiều trang trại nuôi heo có liên kết sản xuất với những tập đoàn lớn như CP, CJ Vina, Japfa, CJ-Agri. Một trong số đó là doanh nghiệp chăn nuôi Khang Thọ, liên kết với Tập đoàn Japfa, đầu tư trang trại thuộc loại lớn nhất Đắk Nông hiện nay với tổng số vốn đăng ký 450 tỷ đồng. Đây là xu hướng làm kinh tế bền vững, an toàn dịch bệnh và hiệu quả cao”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông chia sẻ.