| Hotline: 0983.970.780

Trang trại nhà màng thở phào vì thoát bão Noru

Thứ Sáu 30/09/2022 , 06:25 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Một trong những điều rủi ro mà các trang trại nhà màng sợ nhất đó là bão. Bởi gặp bão mạnh, sẽ không thể có cách nào cứu vãn thiệt hại.

Nhà màng rộng 1.000m2 trồng dưa lưới của anh Diệp thoát bão Noru. Ảnh: V.Đ.T.

Nhà màng rộng 1.000m2 trồng dưa lưới của anh Diệp thoát bão Noru. Ảnh: V.Đ.T.

Thở phào vì thoát bão

Sau 2 vụ dưa thắng lợi liên tiếp từ đầu năm 2022 đến nay, anh Trần Bảo Diệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao La'sfarm Ân Phong ở huyện Hoài Ân (Bình Định) tiếp tục xuống giống vụ 3. Lần này, anh trồng tăng đến 3.000 gốc với giống dưa Huỳnh Long, dưa mật và dưa hấu. Trong đó, có 1.000 gốc dưa mật, 1.500 gốc dưa Huỳnh Long, số còn lại là dưa hấu.

Đến ngày 27/9 vừa qua, dưa của anh Diệp đang phát triển sởn sơ, riêng dưa Huỳnh Long và dưa mật đã đạt 1kg/quả. Chỉ còn gần 1 tháng nữa là thu hoạch thì dự báo bão Noru sẽ đổ bộ trong tối 27, rạng sáng 28/9 với sức gió khủng khiếp, trong khi Bình Định là 1 trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp khiến Diệp lo sốt vó.

Nhân công của anh Diệp đang đo trọng lượng dưa lưới. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân công của anh Diệp đang đo trọng lượng dưa lưới. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Diệp nghĩ nát óc và đã tính tới phương án phải giở toàn bộ mái và giàn khung nhà màng ra vì sợ bão sẽ phá nát bươm toàn bộ nhà màng, nhưng như vậy thì toàn bộ 3.000 gốc dưa cũng sẽ bị phá nát vì bão. Suy đi tính lại, anh quyết định để nguyên nhà màng. Thật may là bão Noru đã né Bình Định, Diệp thở phào, tiếp tục chăm sóc cho 3.000 gốc dưa đợi ngày thu hoạch.

“Tính đến thời điểm này, chi phí cả giá thể, phân bón, thuốc BVTV, công cán tôi đã đầu tư cho 3.000 gốc dưa khoảng 60 triệu đồng. Từ giờ đến khi thu hoạch không cần đầu tư gì thêm, chỉ tốn công chăm sóc cây thêm gần 1 tháng nữa là hái quả”, anh Trần Bảo Diệp chia sẻ.

Dưa lưới công nghệ cao không lo thua

Cũng theo anh Trần Bảo Diệp, trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao chủ nhà vườn tốn chi phí ban đầu khá lớn, với khung nhà màng 1.000m2 và hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel tốn hết khoảng 500 triệu đồng, thế nhưng sau đó sẽ “túc tắc” thu tiền vào chứ không sợ thua lỗ, chỉ sợ thiên tai gây hại.

Cái lợi đầu tiên của trồng dưa lưới trong nhà màng là năng suất tăng gấp 3 lần so với trồng ngoài trời. Bởi, trong nhà màng cây dưa lưới leo đứng theo dây, trong khi dưa lưới trồng ngoài trời cho bò dưới đất nên choán diện tích nhiều hơn. Trong nhà màng rộng 1.000m2, có thể trồng đến 2.700 - 3.000 gốc dưa, thế nhưng với diện tích 1.000m2, nếu trồng dưa lưới ngoài trời thì chỉ trồng được khoảng 800 gốc. Số gốc trồng trong nhà màng tăng gấp 3 lần, ắt nhiên sản lượng cũng sẽ tăng gấp 3 lần.

Anh Trần Bảo Diệp (bìa phải) đang chăm sóc dưa lưới. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Trần Bảo Diệp (phải) đang chăm sóc dưa lưới. Ảnh: V.Đ.T.

Thêm nữa, dưa lưới trồng trong nhà màng được chăm sóc theo quy trình, chủ nhà vườn sẽ kiểm soát được sâu bệnh hại cây, việc sử dụng thuốc BVTV rất hạn chế, nên tiết kiệm được khoản này khá lớn. Ngoài ra, chủ nhà vườn còn tiết kiệm được chi phí khoản phân bón, nhờ sử dụng phân đơn theo liều lượng, không bị hao tốn, lại còn kiểm soát được độ tăng trưởng của quả. Đặc biệt là chất lượng quả đạt tiêu chuẩn chất lượng nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Sử dụng phân đơn, chủ nhà vườn kiểm soát được chất lượng của quả qua dinh dưỡng là phân bón. Sử dụng phân đơn mình điều tiết được thành phần dinh dưỡng cho cây qua từng giai đoạn nên sản phẩm đạt chất lượng cao nhất”, anh Trần Bảo Diệp chia sẻ.

Anh Diệp nêu ví dụ: Hiện nay, với các giống dưa Huỳnh Long và dưa mật, dinh dưỡng cho cây anh sử dụng 6 loại phân đơn. Trong giai đoạn cây con, mỗi loại phân anh sử dụng 0,5gr/gốc/ngày, với 3.000 gốc dưa, anh cho cây ăn mỗi loại phân gần 2kg/ngày.

Nhà màng dưa lưới của anh Diệp đang phát triển sởn sơ chờ ngày thu hoạch. Ảnh: V.Đ.T.

Nhà màng trồng dưa lưới của anh Diệp đang phát triển sởn sơ chờ ngày thu hoạch. Ảnh: V.Đ.T.

Đến thời điểm nuôi trái như hiện nay, anh Diệp tăng “khẩu phần” ăn cho cây, mỗi loại phân tăng lên 0,7 gr/gốc/ngày. Với 3.000 gốc dưa, hiện mỗi ngày anh Diệp cho cây ăn mỗi loại phân khoảng 2,1 kg/ngày. Sau khi định liều lượng phân bón cho cây ăn mỗi ngày, anh Diệp pha tất tần tật hết vào bồn nước mẹ.

Theo mặc định của hệ thống tưới, cứ đến giờ là bồn mẹ tự động mở van để nước đã pha phân tự động tưới cho cây theo liều lượng đã mặc định sẵn, chủ nhà vườn có thể vắng nhà cả tuần vẫn có thể điều khiển hệ thống tưới qua điện thoại thông minh.

“Dự kiến, sang năm tôi sẽ mở rộng nhà màng thêm 2.000m2 nữa, tổng diện tích nhà màng tăng lên 3.000m2, khi ấy mỗi vụ dưa tôi có thể trồng 9.000 gốc. Nếu xuống giống theo kiểu gối đầu, tôi sẽ có dưa thu hoạch quanh năm, đáp ứng đủ cho nhu cầu của khách hàng”, anh Trần Bảo Diệp chia sẻ.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.