Trên diện tích 8 sào đất nông nghiệp (500m/sào), trước đây ông Trần Như (69 tuổi) ở xóm 1, thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân, Bình Định) trồng cây keo. Cách đây vài năm, chính quyền huyện Hoài Ân nhận thấy sự bất cập của cây keo đứng trên đất nông nghiệp. Bởi, cây keo đã không mang lại hiệu quả kinh tế, lại còn làm đất nhanh thoái hóa, nên đã kiên quyết phá bỏ cây keo trên đất nông nghiệp. Sau đó, UBND huyện ban hành chính sách khuyến khích nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái hoặc chăn nuôi.
Đồng thuận theo định hướng của chính quyền huyện, ông Như phá bỏ hết cây keo trên 8 sào đất vườn nhà, xây dựng 3 dãy chuồng để chăn nuôi bò vỗ béo. Con trai ông Như, anh Trần Văn Hướng (40 tuổi) là chủ công trong công cuộc chăn nuôi của gia đình. Anh Hướng xây dựng khắp nơi trên địa bàn tỉnh Bình Định nhiều vệ tinh thu mua bò, đó là những “lái bò”.
Những “lái bò” thường xuyên nắm bắt thông tin những hộ chăn nuôi tại địa phương có nhu cầu bán bò và tìm đến làm giá, sau đó gọi điện thông báo cho anh Hướng đến mua và được anh trả 1 khoản tiền “cò”. Anh Hướng mua tất từ bò cỏ đến bò lai để vỗ béo, con mua ít tiền nhất cũng 20 triệu đồng, con nhiều đến 30-40 triệu. Qua 2 năm, trong trang trại của ông Như đã có 110 con bò.
“Sau khi phá 8 sào keo, tôi dành 1.000m2 vừa đầu tư 1,4 tỷ đồng để xây dựng 3 dãy chuồng để nuôi bò và một ít diện tích khác làm kho chứa rơm, số diện tích còn lại tôi trồng cỏ để làm thức ăn cho bò. Vừa đất của gia đình vừa đất thuê, tôi đang trồng 20 sào cỏ. Cỏ chỉ để bổ sung thức ăn thô xanh cho bò, bò chủ yếu ăn rơm và ăn dặm cám công nghiệp. Vụ đông xuân năm nay tôi mua 100 triệu tiền rơm mà vẫn không đủ cho chúng ăn. Tôi mới mua thêm 20 xe, mất thêm gần 30 triệu nữa mới đủ cho chúng ăn đến vụ đông xuân năm sau”, ông Như cho hay.
Trong số những con bò mua về, ông Như lựa chọn những con cái có vóc dáng khỏe mạnh, xương chậu to làm bò cái nền rồi lai tạo ra bê con có nhiều máu ngoại để nuôi thành bò thịt. Hiện ông Như sở hữu được 10 bò cái nền “như ý” và có 1 con vừa sinh ra 1 bê con to khỏe. Về dịch bệnh trên đàn bò, ông Như không phải lo bởi con rể ông đang làm việc tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, sẵn sàng can thiệp nếu trang trại bò có sự cố.
Con trai ông Như, anh Nguyễn Văn Hướng thì có lò mổ bò bên thị trấn Tăng Bạt Hổ hoạt động đã mấy năm nay, mỗi đêm mổ 1-2 con bò cung ứng cho người tiêu dùng trong huyện. Trong số bò đang nuôi, những con đã vỗ béo “đủ thịt” sẽ được anh Hướng lần lượt cho vào lò mổ mỗi ngày. “Hiện gia đình tôi thuê 4 nhân công thường xuyên làm việc tại trang trại với những công việc dọn chuồng, tắm bò, cắt cỏ cho bò ăn với mức lương 6,5 triệu đồng/người/tháng”, ông Như cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, mô hình nuôi bò vỗ béo chất lượng cao tại địa phương được hỗ trợ từ năm 2017 đến nay, tập trung vào giống bò BBB và Red Angus.
“Hoài Ân hiện có tổng đàn bò hơn 2.300 con; trong đó, trên 80% tổng đàn là bò lai chất lượng cao. Nhu cầu về chăn nuôi bò hiện nay cũng đang phát triển mạnh. Nhiều hộ nông dân đã đầu tư tiền tỉ để nuôi bò, một số hộ chăn nuôi bò cái để phối tinh bò lai, con giống xuất chuồng cung ứng cho người nuôi vỗ béo bò thịt với giá từ 20-25 triệu đồng/con giống, cao hơn gấp 5-7 lần so với nuôi giống bò thường”, ông Vương cho biết.
“Chăn nuôi bò còn có lợi là toàn bộ chất thải đều được thu hồi làm phân bón, không phải tốn chi phí xây dựng hệ thống xử lý mà môi trường luôn được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh Hoài Ân đang phát triển mạnh trồng cây ăn quả, rất cần nguồn phân hữu cơ”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân.