| Hotline: 0983.970.780

Trắng xóa chuồng trại nơi ổ dịch tả lợn châu Phi

Thứ Tư 20/02/2019 , 15:00 (GMT+7)

Ngày 20/2, có mặt tại ổ dịch tả lợn châu Phi – xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, khắp nơi là một màu trắng của vôi bột. Những cánh cửa trại khép hờ, bên trong sạch bách không còn một mống lợn.

Chuồng trại sạch bách lợn sau khi nhiễm dịch bệnh tả châu Phi

Mặc dù là xã thuộc thành phố Hưng Yên, Trung Nghĩa vẫn là địa phương thuần nông nghiệp, lấy trồng trọt, chăn nuôi làm mũi nhọn kinh tế. Theo thống kế mới nhất của UBND xã Trung Nghĩa ngày 19/2 thì toàn địa phương có 113 hộ tham gia chăn nuôi lợn. Tổng đàn lợn của xã Trung Nghĩa đạt 5.959 con, trong đó có 3.345 lợn thịt, 729 lợn nái, 1.182 lợn con theo mẹ và 33 con lợn đực giống. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là nông hộ nhỏ lẻ. Chỉ có khoảng 7 trang trại lớn với quy mô khoảng 500 con.

Ông Cao Đăng Trường, cán bộ thú y xã Trung Nghĩa cho biết, tính tới ngày 20/2, đã phát hiện tại trại chăn nuôi của hộ gia đình anh Dương Văn Vũ, thôn Đào Đặng nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi. Đây là thôn có số hộ và tổng đàn lợn lớn nhất của xã.

Gia đình anh Vũ cho biết, khoảng giữa tháng 1/2019, trên đàn lợn 33 con bỗng dưng có hai con bị ốm, bỏ ăn bất thường, có hiện tượng xuất huyết qua đường hậu môn. Nghi ngờ do chất lượng cám, gia đình đã điện báo Cty cung cấp cám. Sau khi cán bộ kỹ thuật của Cty về kiểm tra, sử dụng một số loại thuốc điều trị nhưng lợn không khỏi bệnh. Sau đó, gia đình báo chính quyền địa phương để xử lý. Cơ quan chuyên ngành thú y đã về lấy mẫu phân tích. Tới ngày 1/2/2019 (tức 27 tháng Chạp ÂL) vừa qua, kết quả phân tích cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Cùng ngày, tỉnh Hưng Yên đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản và tiêu huỷ toàn bộ đàn lợn của gia đình anh Vũ.

Từ nền nhà, máng ăn, đâu đâu cũng là vôi bột trắng xoá

Chưa dừng lại ở đấy, ngày 17/2 vừa qua, trang trại thứ hai đang nuôi 59 con lợn thịt (trọng lượng trung bình 70kg/con) của gia đình anh Vũ tiếp tục có 3 con lợn phát bệnh với biểu hiện tương tự. Sau khi kiểm tra, tỉnh Hưng Yên tiếp tục tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số lợn kể trên. Anh Vũ cho biết, gia đình mới đầu hệ thống chuồng trại khép kín, bể biogas để nuôi lợn chừng hơn một năm nay. Trong khi số vốn đầu tư chưa kịp thu hồi vì nay bỗng trắng tay. Tổng trọng lượng đàn lợn bị tiêu huỷ gần 8 tấn, thiệt hại khoảng trên 300 triệu đồng.

Theo ông Trường, ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, xã đã tiến hành mua 4 tấn vôi bột, đang đặt thêm 5 tấn nữa để cấp phát cho người dân vệ sinh chuồng trại. Chi cục thú y tỉnh Hưng Yên cũng đã cấp phát cho xã 180 lít thuốc sát trùng, tiến hành phun tiêu độc khử trùng 1 lần/ngày. Cũng theo ông Trường, hiện nguyên nhân lây nhiễm dịch bệnh tại địa phương vẫn chưa thể xác định. Bởi mô hình trang trại của gia đình anh Vũ là khép kín từ nuôi lợn bố mẹ, lợn con và xuất bán lợn thịt, không nhập lợn từ nơi khác về nuôi. “Có thể virus gây bệnh lây nhiễm từ các xe hoặc người từ nơi khác đến giao dịch, thu mua lợn”, ông Trường nhận định.

Ông Trần Đăng Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa cho biết, địa phương đã và đang huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc tham gia chống dịch. Từng ban ngành, cán bộ luôn túc trực, kiểm tra, tuyên truyền động viên các hộ chăn nuôi. 100% các hộ chăn nuôi trong xã đã ký cam kết khi phát hiện lợn bị bệnh phải báo chính quyền địa phương, không bán tháo lợn, giết mổ tự do. “Trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ thành lập các chốt chặn, cấm mọi hình thức vận chuyển buôn bán lợn, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện công tác báo cáo theo ngày, thậm chí ngay lập tức về thành phố nếu như dịch bệnh có diễn biến mới”, ông Tưởng cho biết.

Cũng theo ông Tưởng, đối với hộ gia đình anh Vũ, xã đã lập hồ sơ trình cấp trên phê duyệt hỗ trợ thiệt hại theo mức quy định của UBND tỉnh Hưng Yên là 38 nghìn đồng/kg. 

Khung cảnh tan hoang tại trang trại thứ hai của anh Vũ

 

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.