| Hotline: 0983.970.780

Tranh chấp trường Ban Mai: Khi tiếng kêu oan rơi vào thinh không

Thứ Sáu 05/08/2022 , 16:50 (GMT+7)

Hợp đồng giữa Công ty Ban Mai và Công ty Gia Lộc chưa thanh lý nhiều điều khoản không được thực hiện nhưng tòa vẫn xét xử dựa vào "một phần" của Hợp đồng...

Không nhìn nhận đúng bản chất sự việc

Bị giả mạo chữ ký, bị chiếm mất chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THCS Ban Mai, bao tâm huyết, công sức, tiền của để xây dựng ngôi trường khang trang như ngày hôm nay, nhưng từ Tòa án Nhân dân Quận Hà Đông đến Tòa Phúc thẩm TAND TP Hà Nội vẫn không thể nhận định rõ ràng công sức đóng góp của ông Vũ Ngọc Thắng và Công ty cổ phần Gia Lộc (Công ty Gia Lộc) đối với ngôi trường. Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã tiếp tục tuyên ông Thắng thua kiện trong vụ kiện hành chính.

Trường Ban Mai. Ảnh: ST

Trường Ban Mai. Ảnh: ST

Nhìn lại sự việc tranh chấp trường THCS Ban Mai (trường Ban Mai) có thể thấy các phiên tòa, cả dân sự, hành chính dường như đang không nhận ra hay cố tình bỏ qua tình tiết Công ty Ban Mai và trường THCS Ban Mai là 02 pháp nhân độc lập. Công ty Gia Lộc đóng góp 97% tiền vốn do ông Vũ Ngọc Thắng đại diện phần vốn chiếm 51% cổ phần.

Hợp đồng giữa Công ty Gia Lộc và Công ty Ban Mai vẫn chưa được thanh lý. Sự “lập lờ” của bà Mai Thị Lan Anh khi đã đánh đồng Công ty Ban Mai và trường THCS Ban Mai là một chưa được Tòa xem xét, đánh giá một cách đúng bản chất, đúng sự thật khiến dư luận đặt ra câu hỏi công lý ở đâu?

Như đã thông tin, khoảng đầu năm 2009, bà Mai Thị Lan Anh giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo ngôn ngữ Ban Mai (Công ty Ban Mai) đã mời ông Vũ Ngọc Thắng Tổng giám đốc Công ty Gia Lộc đầu tư xây dựng trường THCS Ban Mai tại Văn Quán, Hà Đông.

Theo thỏa thuận giữa ông Thắng và bà Lan Anh, ông Thắng sẽ đầu tư tiền vốn và Công ty Ban Mai đứng ra xin cấp đất. Thỏa thuận này đã được cụ thể hóa bằng hợp đồng giữa Công ty Gia Lộc và Công ty Ban Mai. Đến cuối năm 2010, đầu năm 2011, ông Thắng và bà Lan Anh đã cùng hợp tác làm thủ tục xin đất, xây dựng trường THCS Ban Mai.

Cũng theo thỏa thuận này, Hội đồng Quản trị trường  Ban Mai do ông Thắng đại diện Công ty Gia Lộc làm Chủ tịch HĐQT đầu tư 97% số vốn và nắm 51% cổ phần. Trong khi đó, Công ty Ban Mai chủ yếu chỉ góp công sức cùng xây dựng trường.

Một phần tiền của Công ty Gia Lộc và ông Thắng tạm ứng để duy trì hoạt động của trường Ban Mai

Một phần tiền của Công ty Gia Lộc và ông Thắng tạm ứng để duy trì hoạt động của trường Ban Mai

Đến năm 2016, Công ty Gia Lộc và Công ty Ban Mai đã ký kết hợp đồng kinh tế. Theo đó, để bà Mai Anh được điều hành trường THCS Ban Mai thì Công ty Ban Mai sẽ phải chuyển cho Công ty Gia lộc số tiền 13,766,800,000 trong vòng 2 tháng, ngoài ra Công ty Ban Mai phải thanh toán cho Công ty Gia Lộc số tiền 7,5 tỷ đồng xây trường mầm non theo tiến độ, và phải làm thủ tục chuyển giao cho ông Thắng quyền sử dụng lô đất hình tam giác cạnh Miếu thờ Thành Hoàng làng Văn Phú.

Một phần ký nhận tiền từ Công ty Gia Lộc và ông Thắng của cán bộ công nhân viên trường THCS Ban Mai. 

Một phần ký nhận tiền từ Công ty Gia Lộc và ông Thắng của cán bộ công nhân viên trường THCS Ban Mai. 

Do đó, nếu bà Lan Anh thực hiện đúng và khi hợp đồng này được thanh lý thì bà Lan Anh sẽ được toàn quyền điều hành trường và ông Thắng sẽ chỉ giám sát tài chính.

Trên thực tế, Công ty Ban Mai mới chỉ thanh toán cho Công ty Gia Lộc số tiền 13,195,000,000đ theo Hợp đồng kinh tế. Chưa chuyển trả số tiền 7,5 tỷ đồng xây trường mầm non, chưa làm thủ tục chuyển quyền sử dụng mảnh đất hình tam giác rộng 1000 m2. Hợp đồng kinh tế này chưa được thanh lý, ông Thắng chưa đồng ý chuyển nhượng quyền Chủ tịch HĐQT.

Vậy mà, để “hất cẳng” ông Thẳng ra khỏi trường Ban Mai, bà Lan Anh đã nhân lúc ông Thắng đang đi công tác, “lặng lẽ” tổ chức họp HĐQT với nội dung “phế truất” ông Thắng. Dù ông Thắng không tham dự cuộc họp nhưng vẫn có chữ ký trong các Biên bản, nghị quyết HĐQT, các chữ ký này đã được Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận không phải là chữ ký của ông Thắng.

Sau đó, bà Phạm Thị Lệ Hằng Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông đã căn cứ vào Biên bản Họp Hội đồng Quản trị với chữ ký "giả" mạo để  ra Quyết định số 398/QĐ-PGD&ĐT về việc công nhận lại HĐQT trường THCS Ban Mai nhiệm kì 2016 – 2021 với nội dung Ông Vũ Ngọc Thắng thôi không giữ chức Chủ tịch HĐQT, thôi không tham gia làm thành viên HĐQT trường Ban Mai từ ngày 01/3/2017 và bầu bà Mai Thị Lan Anh làm chủ tịch HĐQT.

Sự việc đã trải qua 02 phiên tòa hành chính và 02 phiên tòa dân sự nhưng các cấp xét xử đã không nhận định một cách rõ ràng rằng Công ty Gia Lộc đã góp vốn cùng với Công ty Ban Mai để thành lập trường THCS Ban Mai và trường Ban Mai là một pháp nhân độc lập. Đồng thời, bỏ qua tình tiết làm giả hồ sơ tài liệu của Công ty Ban Mai.

02 pháp nhân độc lập

Trong các phiên tòa dân sự xét xử về tranh hợp đồng kinh tế giữa Công ty Gia Lộc và Công ty Ban Mai, Hội đồng xét xử đã không thể xác định rằng Công ty Ban Mai và trường Ban Mai là hai pháp nhân độc lập và riêng biệt; Trường THCS Ban Mai còn đang có cả phần lớn cổ phần của ông Thắng.

Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2020/KDTM-ST ngày 31/7/2020, của Toà án nhân dân quận Hà Đông đã đánh đồng Trường trung học cơ sở Ban Mai và Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo ngôn ngữ Ban Mai là một.

Từ đó, Bản án số 86/2020/KDTM-PT ngày 12,17/5/2021, của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã vẫn dựa trên phán quyết này để cho rằng việc trường THCS Ban Mai chuyển tiền cho ông Thắng là tiền của Công ty Ban Mai thanh toán. Thậm chí là thanh toán thừa và buộc ông Thắng phải trả lại cho Công ty Ban Mai.

Theo Quyết định số 963/QĐ-UBND ngày 30/01/2011, của UBND quận Hà Đông về việc Thành lập Trường THCS Ban Mai thuộc quận Hà Đông; Hợp đồng liên kết đầu tư Trường THCS Ban Mai và THPT Ban Mai ngày 13/6/2009; Điều lệ Trường THCS Ban Mai đều quy định: “trường THCS Ban Mai có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo quy định của pháp luật”.

Qua đó cho thấy, Công ty Ban Mai và Trường Ban Mai là hai pháp nhân hoàn toàn độc lập, tách bạch về mặt tài chính và không phụ thuộc lẫn nhau.

Công ty Ban Mai chưa bao giờ thay mặt Trường Ban Mai thực hiện việc báo cáo thuế và nộp các khoản thuế theo quy định nhà nước. Hồ sơ vụ án không có bất kỳ tài liệu nào thể hiện điều này. Từ khi thành lập đến nay, Trường THCS đều tự thực hiện việc kê khai và báo cáo thuế, nộp thuế. Nguồn doanh thu của Trường Ban Mai chưa bao giờ chuyển về cho Công ty Ban Mai quản lý. Những điều này cho thấy Trường Ban Mai hoàn toàn độc lập, và tách bạch tài chính với Công ty Ban Mai.

Lấy tiền của Gia Lộc để trả cho Gia Lộc?

Thỏa thuận trong Hợp đồng kinh tế ngày 01/11/2016 là Quyết toán tài chính có xác nhận của các bên chứ không phải Bảng tổng hợp thu chi. 

Thỏa thuận trong Hợp đồng kinh tế ngày 01/11/2016 là Quyết toán tài chính có xác nhận của các bên chứ không phải Bảng tổng hợp thu chi. 

Như đã nêu ở trên, bằng việc đánh đồng này, có thể nói bà Mai Thị Lan Anh đã sử dụng chính tiền đóng góp của Công ty Gia Lộc vào trường Ban Mai để trả cho Công ty Gia Lộc.

Theo đó, bằng Bảng tổng hợp doanh thu, chi phí từ năm 2011-30/9/2016 của Trường Ban Mai do bà Đặng Thị Hương – kế toán trưởng lập, trong đó có khoản tiền chi cho Công ty Gia Lộc, bà Lan Anh đã cho rằng Công ty Gia Lộc đã lấy thừa tiền của Công ty Ban Mai và yêu cầu Công ty Gia Lộc phải trả lại khoản tiền hơn 700 triệu đồng. Nếu Công ty Gia Lộc rút đơn chấm dứt việc khởi kiện thì Công ty Ban Mai sẽ không đòi khoản tiền trên.

Hội đồng xét xử lại chấp nhận việc Bảng tổng hợp doanh thu, chi phí nêu trên để cho rằng đã trả đủ tiền cho Công ty Gia Lộc. Trong khi đó, Công ty Gia Lộc đang nắm giữ 51% cổ phần của trường Ban Mai.

Mặt khác, bảng tổng hợp trên còn thiếu đi tính pháp lý khi không đính kèm hợp đồng kinh tế ngày 01/11/2016, không có dấu giáp lai, không có chữ ký xác nhận nội dung Công ty Gia Lộc và Công ty Ban Mai thống nhất lấy Bảng tổng hợp này làm căn cứ quyết toán tài chính Công ty Ban Mai đến hết ngày 30/9/2016; không có ngày tháng lập, người lập, chữ ký của các thành viên Hội đồng quản trị; thiếu 1 phiếu chi số tiền 180.000.000 đồng vào ngày 14/6/2016; nhiều phiếu chi không có chữ ký xác nhận của người nhận tiền, kế toán trưởng, thủ quỹ, người lập phiếu.

Hợp đồng kinh tế ngày 01/11/2016 quy định “Thống nhất chung của 2 bên: Quyết toán tài chính của trường Ban Mai đến hết ngày 31/9/2016” thể hiện rõ thống nhất lấy “Quyết toán tài chính” chứ không phải là Bảng tổng hợp doanh thu chi phí chưa được kiểm tra, đối chiếu của các bên. Nếu Công ty Ban Mai cho rằng các bên đã thống nhất lấy Bảng tổng hợp doanh thu này thay thế cho Quyết toán tài chính thì ít nhất nó cũng phải được các bên công nhận và đính kèm với Hợp đồng kinh tế.

Trong khi đó, các tài liệu trong hồ sơ vụ án cho thấy Hợp đồng kinh tế ngày 01/11/2016 chỉ có 03 trang và không hề đính kèm bất kỳ tài liệu, giấy tờ nào khác.

Các cấp xét xử đều cho rằng bà Đặng Thị Hương lập bảng tổng hợp theo chỉ đạo của ông Thắng. Tuy nhiên, tại vi bằng số 1994/2021/VB-TPLBĐ ngày 13/4/2021 có nội dung tin nhắn giữa bà Hương và ông Thắng. Trong đó bà Hương thừa nhận việc lập bảng tổng hợp nhưng “ nó như tờ giấy nháp, vì chưa có chữ ký của các bên…”

Ngoài ra, ông Thắng đã nộp vào trường Ban Mai với số tiền lớn 7,8 tỷ đồng. Trong đó, ngoài tiền đầu tư ghi nhận tại các Bảng cân đối phát sinh các tài khoản thì số tiền còn lại coi như ông Thắng tạm thời bỏ ra trước. Sau này sẽ quyết toán với bà Lan Anh sau. Cho nên khi có nguồn tài chính thì ông Thắng lấy ra để trả cho Ngân hàng, vì tiền ông Thắng đầu tư vào trường cũng vay từ ngân hàng.

Công ty Ban Mai cũng thừa nhận rằng ông Vũ Ngọc Thắng lấy thừa 719.423.935 đồng là được lấy từ Trường Ban Mai thể hiện tại các phiếu chi (Bút lục từ 252-255) với nội dung chi tiền cho ông Vũ Ngọc Thắng, đồng thời không có bất kỳ tài liệu chứng cứ nào thể hiện khoản tiền trên là của Công ty Ban Mai chuyển cho Công ty Gia Lộc.

Vì vậy, Ông Thắng đầu tư 97% vốn vào Trường Ban Mai, nếu ông Thắng có lấy tiền của Trường Ban Mai thì cũng là " chuyển tiền từ túi trái sang túi phải". Hơn nữa, pháp nhân khởi kiện để đòi khoản tiền này là Trường Ban Mai chứ không phải là Công ty Ban Mai. Từ đó, có thể thấy rằng Công ty Ban Mai đã dựa vào việc ông Thắng lấy tiền từ Trường Ban Mai, để khẳng định tiền của Trường Ban Mai cũng là tiền của Công ty Ban Mai từ đó để bù trừ nghĩa vụ đối với Công ty Gia Lộc là sai. Và phiên tòa Phúc Thẩm có dấu hiệu thiên vị, bỏ qua quá nhiều tình tiết quan trọng dẫn tới sai lệch bản chất của vụ việc.

  

                               

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.