Vụ việc xảy ra vào khoảng 10h sáng ngày 28/1 (giờ địa phương) tại bảo tàng Louvre, thủ đô Paris. Video trên mạng xã hội cho thấy hai phụ nữ hất súp bí đỏ vào bức tranh Mona Lisa của cố danh họa Leonardo da Vinci rồi chui qua hàng rào bảo vệ để tiếp cận tác phẩm.
"Điều gì là quan trọng nhất? Nghệ thuật, hay quyền có thực phẩm an toàn và bền vững? Hệ thống canh tác của chúng ta thì đang ốm yếu. Nông dân của chúng ta thì đang chết dần chết mòn tại nơi làm việc", những người biểu tình la hét.
Nhân viên bảo tàng Louvre nhanh chóng cầm các tấm đen che chắn quanh khu vực và đề nghị khách tham quan rời khỏi phòng. Khu vực mở cửa trở lại cho du khách sau khoảng một tiếng rưỡi.
Phía bảo tàng xác nhận không có thiệt hại nào đối với bức tranh nổi tiếng thế giới, do được đặt trong khung kính bọc thép bảo vệ, nhưng cho biết họ sẽ nộp đơn khiếu nại. Sau vụ việc, cảnh sát Paris cho biết đã bắt giữ được 2 đối tượng gây rối.
Nhóm Riposte Alimentaire (Đáp trả bằng Lương thực), ủng hộ hành động về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững, đã thừa nhận thực hiện vụ gây rối vừa qua. Nhóm này yêu cầu chính phủ Pháp thiết lập "An sinh xã hội với lương thực bền vững" trong một tuyên bố trên mạng xã hội X. Nhóm này cũng kêu gọi chính phủ hàng tháng phát thẻ mua sắm thực phẩm trị giá 150 euro (162 USD) cho công dân Pháp. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Rachida Dati đã lên án việc ném súp vào tác phẩm nghệ thuật, nói rằng "không lý do nào có thể biện minh cho việc phá hoại bức tranh Mona Lisa".
Sự việc diễn ra trong bối cảnh nông dân Pháp đã biểu tình nhiều ngày trên khắp quốc gia này để phản đối tình trạng thu nhập thấp và nhiều vấn đề khác, như thực phẩm nhập khẩu giá rẻ. Họ lái máy kéo phong tỏa các tuyến đường, cản trở giao thông.
Trong nhiều tháng qua, chính phủ Pháp đã hứa hẹn sẽ đưa ra một đạo luật hỗ trợ nông dân. Arnaud Rousseau, người đứng đầu liên đoàn nông nghiệp lớn nhất Pháp FNSEA, cho biết mặc dù chính phủ đã có một số nhượng bộ hôm 26/1, song những động thái đó chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Nông dân Pháp đe dọa sẽ tiếp tục phong tỏa Paris từ ngày 29/1.
Trước vụ nàng Mona Lisa bị tạt bẩn hôm 28/1, những người biểu tình vì biến đổi khí hậu cũng từng thực hiện nhiều vụ phá hoại các tác phẩm nghệ thuật khác như Hoa hướng dương của Van Gogh và Les Meules của Monet. Đây không phải lần đầu tiên "nàng Mona Lisa" bị tấn công, tác phẩm này cũng bị bôi bẩn bằng kem trứng trong một cuộc biểu tình về biến đổi khí hậu hồi tháng 5/2022, song không bị hư hại.