| Hotline: 0983.970.780

'Triết lý' của người đi hái măng rừng

Thứ Năm 25/03/2021 , 07:03 (GMT+7)

'Măng là lộc của rừng, muốn hưởng lộc lâu dài thì phải có trách nhiệm với rừng, phải bảo vệ rừng', đó là triết lý của những người nông dân đi hái măng rừng.

Ăn “lộc" thì phải có trách nhiệm

Gần sáng, khi màn đêm còn bao trùm không gian, ông Nguyễn Văn Sáu, năm nay 60 tuổi, ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã lay tôi dậy, giọng tỉnh như chưa từng ngủ: “Sao, có dậy nổi đi rừng với tôi không?”.

Tôi lồm cồm ngồi dậy, hỏi: “Sao phải đi sớm như ăn trộm vậy chú Sáu?”. Ông cười đáp: “Bây giờ chưa phải chính vụ mùa măng, người ta đi hái nhiều lắm, nếu ngủ cho đẫy, đứng bóng mới dậy đi thì thôi ở nhà chơi cho khoẻ. Lúc đó người ta hái về hết rồi, lấy đâu lượt mình”.

Ông Sáu vừa nói vừa nai nịt kín người, áo dài tay, găng tay bằng vải bố, khăn trùm đầu, đội mũ, đeo vớ (tất) và xỏ ủng nhựa. Dụng cụ hái măng chỉ đơn giản là con rựa đi rừng và chiếc gùi đeo sau lưng.

Chúng tôi ra khỏi nhà trời vẫn còn tối bưng. Trên đường đi, chúng tôi đón thêm một thành viên nữa, là anh Nguyễn Quang Tám (42 tuổi), cách nhà ông Sáu vài cây số. “Khoảng 2 - 3 tháng nữa, vào mùa mưa, măng mới nhiều. Thời điểm này măng chưa rộ, còn hiếm. Nhưng nhiều người vẫn đi, cậu biết vì sao không?”, ông Sáu hỏi rồi tự trả lời: “Vì măng rừng hiếm nên bán được giá cao. Một điều quan trọng nữa là chưa phải mùa mưa, nên đi rừng đỡ vất vả hơn. Ít muỗi, vắt, rắn rết, không trơn trượt. Có lần con gái tôi đi hái măng, nó ham quá, đến khi quay trở ra thì trời tối. Đường trơn, gùi măng nặng lại đi vội nên trượt ngã, đầu gối đập xuống cạnh đá nhọn, về tốn bao nhiêu tiền thuốc, điều trị cả tháng trời mới cà nhắc đi lại được. Nên vào mùa mưa, tôi ít đi, mặc dù lúc đó măng nhiều, nhưng rẻ lắm, chưa kể là vất vả”.

Ông Sáu bảo: 'Muốn ăn lộc của rừng lâu dài thì phải yêu rừng, biết bảo vệ rừng'. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Sáu bảo: "Muốn ăn lộc của rừng lâu dài thì phải yêu rừng, biết bảo vệ rừng". Ảnh: Phúc Lập.

Nơi chúng tôi đến thuộc rừng Nam Cát Tiên. Vượt qua rất nhiều vườn tiêu, điều, cà phê, chúng tôi mới vào đến cửa rừng. Lúc này, đường đi khó khăn hơn, nền đất rừng dưới chân lúc lầy lội, khi lại trơn trợt bởi lớp rêu xanh rì, còn ướt sương đêm. “Chú ý khi lội qua suối, vì đáy suối là lớp đá bám đầy rêu, rất trơn. Đó cũng là lý do vì sao đi rừng phải mang ủng cao su, có gai, độ bám tốt”, ông Sáu nhắc tôi.

Băng qua con suối nước sâu, chúng tôi đến khu rừng lồ ô rậm xen lẫn một vài cây gỗ lớn. Lẩn khuất dưới tán rừng có nhiều búp măng vừa nhú lên khỏi mặt đất cạnh các cây măng lớn đã vượt qua đầu người. Đến một bụi lồ ô lớn, ông Sáu gạt lớp lá phủ dày dưới gốc, lộ ra mấy búp măng vừa nhú cao chừng 20cm. Ông cào thêm lớp đất mềm xung quanh mấy đọt măng, sau đó dùng cây rựa cắt măng sát mặt đất.

Bỏ “chiến lợi phẩm” đầu tiên vào gùi, ông cười bảo: “Măng nhiều nhất ở khu vực gần suối, vì mát, nhiều nước, lồ ô phát triển mạnh. Nhiều khi chỉ cần một bụi lồ ô lớn là hái đầy một gùi măng rồi. Nhưng phải thuộc địa bàn rừng mới biết đoạn suối nào nhiều lồ ô”.

Tiếp tục men theo một sườn dốc thoai thoải tiến sâu vào rừng, chúng tôi thấy cả một khoảnh toàn lồ ô, những ngọn măng cao từ0,5 - 1m, nhọn hoắt như bãi chông chĩa mũi lên trời. Ông Sáu bảo, măng lên cỡ này già rồi, không ăn được.

Nhờ biết bảo vệ rừng, không thu hái tận diệt, mà mỗi khi nông nhàn, một chuyến đi rừng ông Sáu kiếm được vài trăm ngàn. Ảnh: Phúc Lập.

Nhờ biết bảo vệ rừng, không thu hái tận diệt, mà mỗi khi nông nhàn, một chuyến đi rừng ông Sáu kiếm được vài trăm ngàn. Ảnh: Phúc Lập.

Sau đó, ông bỏ gùi trên lưng, ngồi xổm, dùng dao đào những chồi măng đang nhô lên khỏi mặt đất. Tuy nhiên, ông không đào hết, mà chừa lại vài chồi. “Mỗi bụi mình chừa lại một ít cho lên, để mùa sau còn có măng mà hái. Chứ đào sạch thì bụi tre sẽ không phát triển được. Đây là lộc của rừng, mình hái hết là tận diệt, nên phải biết bảo vệ rừng thì rừng mới có lộc cho mình chứ”, ông Sáu cười.

“Người hái măng rừng phải có đôi chân, đôi tay chắc khỏe để bám rừng, có con mắt tinh để phát hiện những búp măng cao to bởi nó thường nằm ở những chỗ rậm rạp. Việc hái măng không phải ai cũng làm được, đòi hỏi phải có kỹ năng. Nếu măng mới nhô lên mặt đất phải đào bới, măng cao được khoảng 20cm thì có thể bẻ và cao hơn nữa thì dùng dao chặt”, anh Nguyễn Quang Tám - thợ rừng xã Đồng Nai chia sẻ.

Rừng có cảm xúc đấy!

Cùng đi rừng với ông Sáu là anh Nguyễn Quang Tám. Theo anh, măng lồ ô lớn thường màu vàng đậm hơn, giòn hơn măng tre và một củ măng có thể nặng 2 - 3kg nên chỉ cần nắm được vị trí măng mọc thì chuyến đi rừng không lo về tay trắng. Hiện thị trường bán hai loại, măng rừng và măng trồng, để mua được măng rừng, nên mua trực tiếp từ người đi rừng. Đặc biêt, măng để càng lâu càng bị già, xơ nhiều, ăn không ngon, nên quan trọng nhất là phải nhận biết măng tươi vừa hái. Măng để lâu nhìn bằng mắt thuờng sẽ thấy phần vỏ bên ngoài héo, có đốm.

Hơn 11 giờ trưa, khi ánh nắng bắt đầu gay gắt, cả tôi và 2 người thợ hái măng đều nhễ nhại mồ hôi, ông Sáu bảo: “Nghỉ thôi”. Nhìn chiếc gùi chất đầy những đọt măng, tôi hỏi: “Sao không lột vỏ hết ra cho nhẹ?”. Ông Sáu giải thích: “Măng lột vỏ về phải chế biến ngay, chứ nếu để lâu sẽ bị già, đen sạm lại, ăn không ngon. Lái họ mua măng nguyên vỏ. Nên mình chỉ lột một ít bán ngay”.

“Từng này khoảng bao nhiêu ký, bán được bao nhiêu tiền?”, tôi hỏi tiếp. Ông Sáu đáp: “Sức tôi chỉ gùi được chừng 40kg thôi. Thằng Tám chắc được 5 - 6 chục kg. Về bán sỉ cho người ta, giá 10 ngàn đồng/kg. Tính ra cũng được vài trăm”.

Anh Tám cũng là một người có ý thức bảo vệ rừng, ngoài nhận giao khoán giữ rừng, anh thường vào rừng hái 'lộc' kiếm thêm. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Tám cũng là một người có ý thức bảo vệ rừng, ngoài nhận giao khoán giữ rừng, anh thường vào rừng hái "lộc" kiếm thêm. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Sáu bảo, mùa măng rừng rộ nhất là từ tháng 5 đến tháng 8 Âm lịch. Nhưng đây cũng là cao điểm mùa mưa. Nên đi rừng dịp này nhièu rủi ro. Ngoài chuyện “rừng thiêng nước độc”, còn đủ thứ hiểm nguy khác, rắn rết, sốt rét, mưa rừng và đặc biệt là lũ quét...

“Măng rừng thường mọc vào mùa mưa trong các khu rậm rạp, đồi núi hiểm trở nên không ít người đi rừng trượt chân té ngã và lo nhất là mỗi khi lũ về bất chợt rất nguy hiểm, không ít người bị lũ cuốn suýt mất mạng. Do đó mỗi khi xuyên rừng các nhóm hái măng thường đi 2 - 3 người để hỗ trợ nhau và phải chọn ngày nắng ráo. Đừng nghĩ rừng là vô tri vô giác, rừng có cảm xúc đấy. Mình làm sai rừng sẽ thấy, nếu không muốn gặp hậu quả sau này thì phải có trách nhiệm với rừng, bảo vệ rừng, không khai thác kiểu tận diệt”, ông Sáu nói.

Công việc kiếm măng đã khó nhưng hái được măng rồi phải biết cách bóc vì vỏ măng thường gây ngứa và phải bóc đúng kỹ thuật thì măng mới đẹp và bán được giá. “Bình thường mỗi tháng đi làm thuê phụ hồ cũng chỉ được 6 triệu đồng, nhưng bỏ nửa ngày hái măng thu nhập có thể đến 10 triệu/tháng. Măng rừng hái được không lo ế, có bao nhiêu cũng được thu mua hết, công việc lại không áp lực về thời gian vừa có thêm món cho ăn vừa cải thiện thu nhập”, anh Tám chia sẻ.

Anh Biện Thanh Hải, 43 tuổi, người chuyên thu mua măng rừng ở TP Đồng Xoài (Bình Phước) cho biết, thời điểm măng rộ, giá trung bình từ 20 - 30 ngàn/kg, vào mùa khô giá cao gấp đôi và khi qua chế biến giá có khi lên tới 90 ngàn/kg.

“Cửa hàng mua măng rừng với giá không quá 10 ngàn/kg và bán ra thị trường có thể gấp 2 - 3 lần tùy thời điểm. Giá măng cao do chi phí vận chuyển, có khi gấp nhiều lần số tiền bỏ ra mua. Do măng dễ ăn, chế biến được nhiều món, từ luộc, xào, nấu canh, nấu lẩu, nấu chung với cá hay thịt, hầm xương đều được, nên bán chạy. Đặc biệt là măng khô, bán rất chạy, tết rồi tôi bán được cả tấn", anh Hải nói.

Nói về việc vào rừng hái măng của người dân, một cán bộ Kiểm lâm Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên cho biết: "Măng rừng là tặng phẩm của tự nhiên, là “lộc” đối với bà con địa phương. Do măng mọc trong những cánh rừng rậm rạp, người dân chỉ lấy măng, nên không ảnh hưởng đến phát triển rừng. Lâu nay, bà con đi rừng cũng đã rất ý thức chuyện bảo vệ rừng, nên không lấy kiểu tận diệt. Đặc biệt, bà con chỉ lấy những gì được phép mang ra thôi chứ không đụng đến những vật phẩm cấm lấy của rừng. Chúng tôi đi tuần, kiểm tra thường xuyên nên nắm rất rõ" .

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm