| Hotline: 0983.970.780

Triết lý 'hành động sớm' trong ứng phó thiên tai

Thứ Tư 03/01/2024 , 09:06 (GMT+7)

Phương châm "phòng hơn chống’ trong ứng phó thiên tai đã được cụ thể hóa bằng việc kích hoạt cơ chế ‘hành động sớm’ để tăng cường chống chịu, giảm nhẹ rủi ro.

Triết lý đó được rút tỉa bởi những trải nghiệm, như một quan niệm nền tảng, cốt lõi của một quốc gia hàng nghìn năm phải hứng chịu mất mát nặng nề bởi thiên tai.

Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu

Năm 2023, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai – một khu vực hứng chịu những thảm họa khủng khiếp từ sóng thần, siêu bão, lũ lụt lịch sử đến động đất kinh hoàng, lấy đi sinh mạng của người dân và kéo chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của những nơi bị ảnh hưởng.

Đại diện Việt Nam: Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (áo trắng) và Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận (thứ 3 từ bên trái) thể hiện tinh thần đoàn kết cùng các đại biểu 10 nước khu vực ASEAN.

Đại diện Việt Nam: Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (áo trắng) và Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận (thứ 3 từ bên trái) thể hiện tinh thần đoàn kết cùng các đại biểu 10 nước khu vực ASEAN.

Đây cũng là lần đầu tiên chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu: ASEAN hướng tới lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai” được đưa ra nhằm đảm bảo mục tiêu “Một ASEAN, Một ứng phó”. Sáng kiến của Việt Nam được các nhà lãnh đạo về phòng, chống thiên tai các quốc gia Đông Nam Á nói riêng cũng như các cường quốc Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đánh giá cao và ví là “bước tiến mới” trong tư duy quản lý thiên tai.

Điều này được thể hiện rõ trong Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN, được thông qua vào ngày 12/10/2023, bao gồm ba nội dung chính: thông tin rủi ro, dự báo và hệ thống cảnh báo sớm; lập kế hoạch, vận hành và thực hiện; thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn, để ứng phó khẩn cấp.

Nói cách khác, hành động sớm là một cách tiếp cận giúp liên kết có hệ thống giữa cảnh báo sớm, các hành động sớm và nguồn tài chính được bố trí để bảo vệ tính mạng, sinh kế và an ninh trước một trận thiên tai. Trong hành động sớm, các đối tượng dễ bị tổn thương chính là tác nhân tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống và cộng đồng của chính họ.

Cách đầu tư thông minh để thúc đẩy sự tiến bộ của cộng đồng

Phân tích về cơ chế hành động sớm trong phòng, chống thiên tai, TS Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, cho rằng: “Đây không phải hoạt động từ thiện mà là một cách để đầu tư thông minh nhất vào việc tăng cường khả năng chống chịu và thúc đẩy sự tiến bộ của cộng đồng”.

Hành động sớm là một cách tiếp cận giúp liên kết có hệ thống giữa cảnh báo sớm, các hành động sớm và nguồn tài chính được bố trí để bảo vệ tính mạng, sinh kế và an ninh trước một trận thiên tai.

Hành động sớm là một cách tiếp cận giúp liên kết có hệ thống giữa cảnh báo sớm, các hành động sớm và nguồn tài chính được bố trí để bảo vệ tính mạng, sinh kế và an ninh trước một trận thiên tai.

Điều này đã được FAO cùng các đối tác quốc tế hỗ trợ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và các tỉnh thường xuyên bị thiên tai xây dựng Quy trình hành động sớm đối với thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL năm 2017 và đối với đợt mưa bão ở khu vực Trung bộ năm 2021. Đặc biệt, lần kích hoạt các hành động sớm lần thứ hai nhằm ứng phó sớm với đợt mưa lũ nghiêm trọng ở tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 11 vừa rồi.

Chính nhờ tư duy hành động sớm, Bộ NN-PTNT đã vận động và quyết định thành lập Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai ngày 11/10/2019 với sự tham gia của 19 tổ chức quốc tế và 4 bộ liên quan tại Việt Nam. Vừa qua, Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai kết nạp thêm thành viên thứ 27 là Tổ chức ActionAid tại Việt Nam.

Sau hơn 4 năm hoạt động, Đối tác đã và đang khẳng định được vai trò và hiệu quả thiết thực. Một trong những dấu ấn nổi bật trong năm 2023, đó là dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam” do Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng và UNDP triển khai thực hiện (từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ Khí hậu Xanh) đã thành công ngoài mong đợi, qua đó hoàn thành xây dựng 4.000 ngôi nhà an toàn phòng, chống lũ cho 5 tỉnh ven biển miền Trung và trồng, khôi phục 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển. Dự án cũng thực hiện 550 khóa đào tạo về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và cung cấp thông tin khí hậu cho  62.000 hộ gia đình ở các tỉnh duyên hải miền Trung.

Và, một thông tin cũng rất vui, đó là ngay trong năm 2023, dự án GCF tiếp tục được kéo dài. Nguồn vốn kết dư của dự án tiếp tục được sử dụng để xây thêm khoảng 1.000 ngôi nhà an toàn phòng, chống lũ và 100ha rừng ngập mặn ven biển.

Về tăng cường năng lực cảnh báo sớm, bà Ramla Al Khalidi - Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, cho biết, năm 2023, UNDP và Bộ NN-PTNT đã hoàn thành việc xây dựng và lắp đặt 24 trạm cảnh báo sớm thiên tai tại các xã ven biển có rủi ro thiên tai cao ở 7 tỉnh và sẽ hỗ trợ công tác vận hành vào quý 1 năm 2024.

Trong 5 năm tới, UNDP sẽ hỗ trợ để tăng cường khả năng chống chịu hạn hán cho 200.000 hộ gia đình với những kết quả rõ ràng. Đồng thời, cùng với Bộ NN-PTNT xây dựng 1.500 ao nuôi thích ứng khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu của cây trồng nhằm đối phó với hạn hán ở khu vực Tây Nguyên.

Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), cũng thông tin, ADB đang làm việc với Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT để chuẩn bị dự án vốn vay trị giá 200 triệu USD mang tên Quản lý rủi ro lũ tổng hợp nhằm hỗ trợ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt cho đồng bằng sông Hồng và khả năng chống chịu lũ cho đồng bằng sông Hồng và sông Mã.

Thiên tai gieo rắc nỗi sợ và gây thiệt hại rất lớn đối với Việt Nam.

Thiên tai gieo rắc nỗi sợ và gây thiệt hại rất lớn đối với Việt Nam.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nêu ví dụ về hành động sớm mà tổ chức này đã thực hiện hàng năm cùng với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai. Đặc biệt trong năm 2023, UNICEF đã cung cấp các bộ lọc nước sử dụng màng lọc 340 UF cho các cộng đồng khi họ vẫn còn ảnh hưởng bởi lũ lụt và ngập ở Thừa Thiên Huế.

Những bộ lọc này đã được đưa đến các trường học, trung tâm y tế và trung tâm sơ tán trên khắp 9 huyện ở Thừa Thiên Huế vào thời điểm xảy ra một trong những trận lụt tồi tệ nhất của tỉnh trong nhiều thập kỷ qua. Bộ lọc hoạt động không cần điện, có thể loại bỏ vi khuẩn, tạp chất, nấm mốc và cặn ra khỏi nước một cách hiệu quả mà không cần dùng hóa chất. Sáng kiến này đã giúp khoảng 85.000 phụ nữ, trẻ em và nam giới dễ bị tổn thương nhất được tiếp cận với nước sạch.

Trong 2 năm tới, hoạt động hợp tác của UNICEF với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính. Thứ nhất là rà soát và đánh giá các trung tâm sơ tán nhằm thiết lập các tiêu chuẩn quốc gia cho các loại trung tâm sơ tán thiên tai khác nhau (nhà riêng, trụ sở công, trường học hoặc trung tâm y tế, nhà thờ hoặc chùa), để đảm bảo đủ không gian, nước sạch, vệ sinh, an toàn và phẩm giá - những yếu tố mà hiện đang chưa có. Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình mẫu trung tâm sơ tán tiêu chuẩn sẽ giúp các tỉnh nhân rộng các tiêu chuẩn này.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, 2023 là năm khá bình yên về thời tiết khí hậu so với các năm khác khi chưa có một cơn bão nào thực sự đổ bộ vào đất liền. 2023 cũng là năm thiệt hại do thiên tai gây ra ở mức khá thấp, khoảng hơn 8.200 tỷ đồng trong khi bình quân hàng năm thiệt hại do thiên tai gây ra lên tới 2-3 tỷ USD.

Tuy nhiên, một điều đáng e ngại, rằng năm sau, là năm Giáp Thìn, trong lịch sử thiên tai Việt Nam, có những năm Giáp Thìn đầy đau đớn, như năm 1904 lũ lịch sử ở khu vực Gò Công và nhiều tỉnh thuộc Nam Kỳ thời bấy giờ đã gây ra cái chết của 5.000 người; hay năm 1964 trận lũ lịch sử tại Quảng Nam cũng đã cướp đi gần 10.000 mạng sống và cuốn 1.200 nhà bị trôi, hàng chục nghìn ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Chúng ta, lại càng không thể chủ quan cho năm 2024, năm Giáp Thìn sắp đến.

“Các thành viên của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã thống nhất cao với nhau rằng, hành động sớm chính là mục tiêu thực hiện trong tương lai gần của các tổ chức, cơ quan ban ngành trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Mỗi một thành viên của đối tác, với nguồn lực của mình, với thế mạnh của tổ chức, sẽ cùng nhau đồng hành với người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai để giảm nhẹ rủi ro thiên tai”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.