| Hotline: 0983.970.780

Trĩu lòng mùa 'gặt chạy'

Thứ Năm 18/05/2023 , 15:42 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Lúa bị đổ rạp, nông dân phải đội đèn 'gặt chạy' thâu đêm để tránh cái nắng như đổ lửa. Lòng họ trĩu nặng vì lời lãi từ hạt lúa chẳng còn đáng là bao...

Do lúa đổ rạp nên bà con phải khẩn cấp thu hoạch bằng gặt liềm với chi phí khoảng 1 triệu đồng/sào. Ảnh: T.Phùng

Do lúa đổ rạp nên bà con phải khẩn cấp thu hoạch bằng gặt liềm với chi phí khoảng 1 triệu đồng/sào. Ảnh: T.Phùng

Cánh đồng lúa thôn Thế Lộc (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) vừa sẩm tối thì đã thấy loang loáng ánh đèn pin quét trên mặt ruộng. Ông Đặng Ngọc Chốn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thế Lộc (HTX Thế Lộc) cho hay: Mấy hôm nay "gặt chạy" lúa lên mầm nhưng gặp thời tiết nắng nóng ghê quá. Bà con phải tranh thủ đội đèn pin lên đầu để gặt lúa.

Mùa vắt kiệt sức nông dân

Giám đốc HTX Thế Lộc, ông Đặng Ngọc Chốn cho hay, toàn thôn có diện tích gieo cấy gần 100ha. Vụ đông xuân năm nay, bà con cơ cấu giống lúa chủ lực như VN 20, P6… Đầu vụ thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít nên cây lúa phát triển tốt. Khi lúa trên đồng bắt đầu chín cúi, chín sữa, bà con ai cũng mừng vì sắp có được vụ mùa bội thu.

“Ấy thế mà trận giông lốc hôm 7/5 và sau đó là mấy trận mưa lớn kéo dài khiến toàn bộ diện tích lúa trên đồng bị đổ rạp, ngâm trong nước”, ông Chốn nói. Sau ngày 7/5, hầu như ngày nào ông Chốn và anh em trong HTX Thế Lộc cũng đều phải có mặt trên đồng. Mọi người vừa đi kiểm tra ruộng, vừa phát động bà con tăng cường bơm nước, tháo nước ra sông Kiến Giang để chống úng, cứu lúa.

Những vụ trước, máy gặt sẽ hỗ trợ bà con và thứ tự gặt xong nhà này đến nhà khác. Nay thì lúa bị ngập, bị nảy mầm trên ruộng nên nhu cầu thu hoạch lúa gần như nhà nào cũng cần. Vậy là, nhà nhà dốc sức, kêu người gặt lúa…bằng liềm.

Lúa gặt bằng liềm được phơi ngay tại ruộng. Ảnh: T.Phùng

Lúa gặt bằng liềm được phơi ngay tại ruộng. Ảnh: T.Phùng

Những ngày này, trời ngoài đồng nắng gắt từ sáng sớm cho đến khi mặt trời gác núi. Cái nắng nóng như đổ lửa xuống đầu, xuống lưng người gặt khiến bà con như bị đun hầm trong lò bát quái. Bà Mai Thị Bớp (thôn Thế Lộc) bảo, khi gặt máy thì bà con che cái mái bạt ngồi tạm, đợi máy gặt xong ghé bờ hất bao lúa xuống bốc lên xe chở về nhà là xong.

Bữa nay thì phải ngồi xổm hay phải cúi lưng phơi dưới nắng. Chỉ vài giờ đồng hồ như thế thì không ai chịu được cái nắng và mệt mỏi. “Vậy là bà con phải tranh thủ gặt lúa đêm, dù mất ngủ nhưng tránh được nắng nóng”, bà Bớp cho hay.

Chị Phan Thị Thanh Nhàn (thôn Thế Lộc) cũng tranh thủ gặt lúa đêm tránh nắng và tranh thủ kịp bán lúa khi giá đang còn cao. Chị cùng bà con dậy từ lúc 3 - 4 giờ sáng ra đồng gặt. Lúa gặt đến đâu thì trải phơi ngay trên ruộng. Đến chừng 9 - 10 giờ sáng nắng lên gắt là về nhà để phơi lúa gặt từ hôm qua. Đến chiều lại ra đồng bó lúa đã gặt lúc sáng chở về kêu máy tuốt (bà con hay gọi là máy đùn) đến tuốt lúa.

“Làm cho đến khi mặt trời tắt nắng thì ăn vội bát cơm để mang liềm ra đồng gặt lúa đêm cho kịp vụ thu hoạch. Đã mấy ngày như vậy rồi, bà con nông dân như bị vắt kiệt hết sức lực. Ai cũng phải cố thôi”, chị Nhàn bộc bạch.

Do gặt liềm nên phải thuê máy tuốt, chi phí tăng thêm 150 ngàn đồng/sào. Ảnh: T.Phùng.

Do gặt liềm nên phải thuê máy tuốt, chi phí tăng thêm 150 ngàn đồng/sào. Ảnh: T.Phùng.

"Ngửa tay ra, chẳng còn mấy hạt lúa..."

Bà Mai Thị Bớp có hơn 1ha ruộng lúa bị ngập nước và đổ rạp. Không gặt được máy vì ruộng lầy, bà kêu người gặt giúp cùng với hai vợ chồng. Bà đang phơi lúa ở sân, thấy chị Nhàn đi qua kêu đi gặt giúp, bà vội bỏ bao lúa chạy vào nhà lấy liềm đi luôn. “Cứ gặt được hạt thóc đưa về sân cái đã. Đằng nào cũng bị thiệt hại rồi nên đừng để thiệt hại thêm”, bà nói như nhắn mọi người.

Theo bà Bớp, tiền thuê nhân công gặt hoặc khoán cho người ta gặt hiện mỗi sào (500m2) mất tới 1 triệu đồng. Tiền thuê máy tuốt mất thêm 150 ngàn đồng nữa là hết 1.150.000 đồng. Chi phí giống má, phân bón, bảo vệ thực vật… cho mỗi sào hết khoảng 600 ngàn đồng. “Thành ra vụ này chi phí trội lên đến 1.750.000 đồng", bà Bớp nói.

Nói về thu nhập từ hạt lúa, bà Bớp cho hay: Mấy vụ trước, mỗi sào cho thu hoạch 8 bao lúa (mỗi bao 40kg), vụ này chỉ thu được gần 7 bao. Thương lái mua ngay với giá 1 thúng lúa (khoảng 13kg) là “mười mươi” (100 ngàn đồng/thúng) thì bà con thu được 2 triệu đồng. “Tính toán lại thì mỗi sào lãi được chừng 250 ngàn đồng.

Mấy hôm gặt nắng to phải mua thêm nước ngọt, quả dưa cho bà con lúc nghỉ giải lao nữa coi như gần huề vốn. Đó, bà con bỏ công sức lam lũ trong vòng mấy tháng ròng nhưng tính toán kỹ lại thì khi ngửa lòng bàn tay chỉ còn mấy hạt lúa chứ chẳng đọng lại được mấy đồng tiền”, bà Bớp nói giọng buồn buồn.

Đưa hạt thóc về nhà trong cái nắng như đổ lửa. Ảnh: T.Phùng.

Đưa hạt thóc về nhà trong cái nắng như đổ lửa. Ảnh: T.Phùng.

Mấy hôm nay, do nhu cầu gặt gấp nên lượng máy gặt không đủ để một lúc gặt cho bà con. Ông Đặng Ngọc Chốn cho hay, năm trước giá máy gặt chỉ khoảng 140 ngàn đồng/sào, nay tăng lên 180 ngàn đồng/sào do phải tăng chi phí vì ruộng lầy, lúa rạp. “Cần thiết thì HTX tăng phí lên mức 200 ngàn đồng để kịp thu hoạch cho bà con. Tuy nhiên cũng không có máy nào nhận vì họ cũng quá tải rồi”, ông Chốn cho hay.

Chúng tôi cùng ông Chốn và nông dân tên Nguyễn văn Quang lội ra cánh đồng lúa phía bên kia con mương, nước còn ngập đến đầu gối. Ông Quang và ông Chốn dùng tay vuốt ngược nâng từng bụi lúa lên xem kỹ. Ông Chốn nói: “Lúa nảy mầm khá nhiều vì ngâm nước lâu ngày. Chúng tôi cũng vận động bà con thu hoạch bằng liềm nhưng không thể xong ngay được. Phần thì kêu cũng không có người gặt, phần vì bà con cũng đã kiệt sức rồi nên cũng phải vài ngày tới mới thu hoạch xong. Hiện chúng tôi mới chỉ gặt được khoảng 40% diện tích thôi”.

Do chi phí tăng cao nên dù bán thóc với giá cao bà con nông dân vẫn không có lãi. Ảnh: T.Phùng.

Do chi phí tăng cao nên dù bán thóc với giá cao bà con nông dân vẫn không có lãi. Ảnh: T.Phùng.

“Giá mà có cái trạm bơm điện…”

Khoát tay một vòng tròn, ông Đặng Ngọc Chốn bảo, toàn bộ cánh đồng của bà con ở đây rộng gần 40ha đều nằm ở vùng thấp trũng. Năm nào lúa sắp chín hay gần gặt được là lại bị ngập. Có năm ngập lâu quá không gặt được nên lúa lên mầm hết trên bông. Vậy là bà con bỏ, không gặt nữa vì có gặt cũng lỗ công.

“Nguyện vọng bà con chúng tôi là được đầu tư một tuyến đường hạ thế và trạm bơm điện. Có được trạm bơm thì việc tiêu úng cho hai vụ lúa rất chủ động. Khi đó bà con sẽ an tâm hơn, không lo lúa ngập và tránh được cảnh đội đèn gặt lúa thâu đêm”, ông Chốn chia sẻ.

Ông Đặng Ngọc Chốn: 'Nếu có được trạm bơm tiêu úng thì bông lúa trên đồng không bị nảy mầm'. Ảnh: T.Phùng.

Ông Đặng Ngọc Chốn: “Nếu có được trạm bơm tiêu úng thì bông lúa trên đồng không bị nảy mầm”. Ảnh: T.Phùng.

Theo ông Chốn, vùng ruộng này thuộc loại đất màu nên lúa vụ nào cũng tốt và được mùa. Những vụ không có ngập úng, bà con có thể lãi từ 20 - 30 triệu đồng/ha và cả cánh đồng cũng cho 1 tỷ đồng thu về cho bà con. Ông Chốn hi vọng: “Nếu có được trạm bơm để chủ động tiêu úng thì hai vụ lúa bà con sẽ chắc ăn hơn và cho nông dân ở đây mỗi năm thu về gần 2 tỷ đồng trên cánh đồng lúa Thế Lộc”.

Xem thêm
Yên tâm chăn nuôi vì được hỗ trợ toàn diện

Các trang trại đang chăn nuôi heo gia công cho Japfa, không chỉ yên tâm về con giống, thức ăn chất lượng tốt, mà còn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ công ty.

Thu lợi kép nhờ chăn nuôi gà an toàn sinh học

VĨNH PHÚC Phát triển chăn nuôi gà an toàn sinh học đang giúp người dân trên địa bàn Vĩnh Phúc tiết kiệm được nhiều chi phí phòng trị bệnh, công lao động, gia tăng lợi nhuận…

Bước ngoặt công nghệ chế biến giống lúa của Vinaseed Quảng Nam

Với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, những sản phẩm của Vinaseed Quảng Nam đảm bảo đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.