| Hotline: 0983.970.780

Trồng 3 giống khoai tây trên cùng diện tích, sản phẩm luôn bán được giá cao

Thứ Năm 17/11/2022 , 10:31 (GMT+7)

THÁI BÌNH Nhờ thường xuyên đưa giống khoai tây mới có chất lượng vào sản xuất vụ đông, nông dân Thái Bình đáp ứng đa dạng nhu cầu và 'đón lõng' được thị trường với giá cao.

Thái Bình được biết đến là một trong những địa phương có diện tích trồng khoai tây trong vụ đông lớn nhất miền Bắc. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình, trong vụ đông 2022 - 2023, tổng diện tích cây vụ đông toàn tỉnh hơn 36.800ha. Đến ngày 10/11, diện tích đã gieo trồng hơn 32.800ha, đạt 88,7% kế hoạch (cao hơn 6% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, diện tích trồng khoai tây gần 3.000ha.

Để đạt năng suất, sản lượng cao, thích ứng với sự biến động thất thường của thời tiết, thị trường tiêu thụ, hàng năm, các HTX, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động nhân giống, bảo quản những giống khoai tây chất lượng để gieo trồng cho vụ sau.

z3881192172189_62ef61b061dae36ae69c2a4669f0f300

Ông Phạm Văn Thấn, thôn Đô Lương (Vũ An, huyện Kiến Xương) cho biết, việc sử dụng đa dạng bộ giống khoai tây mới, chất lượng đã giúp hoạt động sản xuất, tiêu thụ của người dân thuận lợi hơn. Ảnh: Lê Bền.

Đồng thời, thường xuyên đưa những bộ giống mới chất lượng về trồng thử nghiệm trên đồng ruộng để đánh giá hiệu quả, tiến tới đa dạng bộ giống nhằm “đón lõng” những thay đổi thị hiếu tiêu dùng của thị trường, hình thành vùng nguyên liệu lớn.

Xã Vũ An được biết đến là vùng khoai tây lớn của huyện Kiến Xương. Những ngày này, trên khắp các cánh đồng, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân đang tất bận chăm sóc các trà khoai tây. Điều dễ nhận thấy là tất cả các hộ đều tiến hành phân ruộng, trồng cùng lúc 3 giống khoai tây trên cùng 1 diện tích.

Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp xã Vũ An chia sẻ: Vũ An là địa phương có truyền thống sản xuất khoai tây vụ đông với diện hàng năm từ 70 - 80ha; năng suất trung bình đạt 6 - 6,5 tạ/sào, sản lượng trên 11.000 tấn. Vụ đông năm nay, HTX gieo trồng 75ha khoai tây.

Theo ông Thế, trước khi vào vụ đông, HTX đã xây dựng kế hoạch sản xuất rất chi tiết, trong đó nhấn mạnh tới việc sử dụng đa dạng các bộ giống, ưu tiên những giống mới có chất lượng, năng suất.

“Năm nay, HTX dành 3ha để trồng khoai tây xuân, nhân giống cho vụ sau vì khoai tây trồng thời điểm này sẽ sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh hơn. Dự kiến, đầu tháng 12, các hộ trồng sẽ bắt đầu xuống giống. Bên cạnh đó, để chủ động và bảo vệ nguồn giống, HTX đã đầu tư xây dựng 3 kho lạnh, mỗi kho có thể chứa được 33 - 35 tấn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gửi giống để bảo quản, sử dụng cho vụ sau”, ông Thế cho hay.

IMG_6274

Nông dân Thái Bình tất bật chăm sóc khoai tây vụ đông. Ảnh: Lê Bền.

Ông Thế cho biết thêm: Hàng năm, HTX đều liên hệ với các đơn vị cung cấp giống uy tín đưa giống siêu nguyên chủng, giống mới về trồng thử nghiệm trên đồng ruộng. Giống nào cho năng suất, sản lượng cao sẽ tiến hành nhân rộng cho người dân trong xã trồng.

“Các giống được HTX đưa về có thể kể đến như Marabel, Actrice, Erika, Esmee... Tất cả các giống này đều được nhập khẩu từ các nước như Hà Lan, Đức. Người dân canh tác vụ đầu tiên sẽ chọn những củ to, đẹp để làm giống cho vụ sau. HTX khuyến cáo, giống để lại chỉ sử dụng tối đa 2 vụ tiếp theo sau đó phải thay bằng giống siêu nguyên chủng hoặc giống mới để đảm bảo năng suất, giảm sâu bệnh”, ông Thế nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thế, nhờ cách làm này mà khoai tây Vũ An không bao giờ bị ế, chỉ là người trồng lãi ít hay nhiều (theo sự lên xuống của giá cả thị trường). Bên cạnh đó, những giống khoai tây mới giúp rút ngắn thời gian cho thu hoạch mà năng suất vẫn được đảm bảo.

Nhờ vậy, các hộ có thời gian, quỹ đất trống để tiếp tục trồng cây đậu tương rau theo chuỗi liên kết với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trong vụ xuân. 

Đang tất bật vun luống, chăm sóc khoai tây, ông Phạm Văn Thấn, thôn Đô Lương (xã Vũ An) trồng 6 sào khoai tây chia sẻ: Khoai tây của gia đình ông chủ yếu xuất bán tự do qua các thương lái địa phương và các tỉnh bạn nên việc tiêu thụ phụ thuộc rất nhiều vào thị hiếu của khách hàng và sự thay đổi của thị trường. Do đó, để không diễn ra cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, gia đình ông cũng như hầu hết các hộ trong thôn đều chủ động trồng 3 giống khoai tây khác nhau trên cùng 1 diện tích.

IMG_6280

Việc đa dạng bộ giống giúp nông dân Thái Bình "đón lõng" được thị trường tiêu thụ, giá bán cao, tăng lợi nhuận. Ảnh: Lê Bền.

Bà Phạm Thị Lan, thôn Phụng Thượng (xã Vũ An) trồng 5 sào khoai tây cho biết, việc đưa các bộ giống mới và định kỳ thay giống siêu nguyên chủng đã giúp các hộ trong thôn thuận lợi bố trí cơ cấu mùa vụ cũng như an tâm chuyển đổi phương thức canh tác. Cụ thể, trước đây hầu hết các hộ trong thôn một năm thường trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu thì nay đang dần chuyển đổi sang trồng 2 vụ màu 1 vụ lúa.

Bởi nếu tính về hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích, việc cấy lúa trung bình thu được 2 tạ/sào (lúa khô), bán giá 8.000 đồng/kg, thu được 1,6 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu vụ xuân chuyển sang trồng đậu tương rau, sau 70 ngày là có thể thu hoạch với năng suất bình quân 4 tạ/sào, giá bán 8.000 đồng/kg, số tiền thu về là 3,2 triệu đồng hoặc có hộ trồng lạc cũng thu về trung 2,8 triệu đồng/sào, cao hơn hẳn so với việc trồng lúa.

Ông Phạm Văn Thấn, thôn Đô Lương (xã Vũ An) lý giải, có lúc thương lái chỉ mua khoai tây vỏ vàng, có lúc lại chỉ mua khoai vỏ đỏ, nên khi trồng cả 3 loại với thời gian sinh trưởng khác nhau (khoai tây vỏ đỏ ruột vàng Hà Lan có thời gian thu hoạch ngắn 70 - 75 ngày; khoai Đức vỏ vàng ruột vàng và Esmee Hà Lan có thời gian sinh trưởng 80 - 90 ngày) sẽ tránh được việc thu hoạch dồn dập cùng một thời điểm.

Quan trọng hơn, khi thị trường cần loại khoai tây nào cũng đều có để cung cấp, như vậy sẽ thuận lợi trong tiêu thụ và tranh thủ được những thời điểm giá bán đang cao. Với cách làm này, trung bình mỗi vụ khoai tây sau khi trừ chi phí, ông thu về 18 - 20 triệu đồng.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.