Hỏi: Tôi nghe nói giống chuối ngự Đại Hoàng, một sản vật của tỉnh Hà Nam vừa được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Xin quí báo nói rõ hơn về giống chuối này, cách phân biệt với các giống chuối ngự khác và cách trồng?
(Nguyễn Thị Thanh Hà - xã Thọ An, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội)
Trả lời: Thực tế dòng chuối ngự ở nước ta có nhiều giống, được trồng ở nhiều địa phương khác nhau. Mỗi vùng đều có những giống chuối ngự đặc sản của mình như:
- Chuối ngự Đại Hoàng (gọi tắt là chuối Ngự Nam) phát sinh đầu tiên ở làng Đại Hoàng, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây là giống chuối quí, khi chín có màu vàng da cam, cuống quả có màu xanh, đầu ruồi nhỏ, có 3 chiếc tua vươn dài cong cong rất đẹp. Vỏ mỏng, thịt vàng, ăn ngọt và thơm. Giống này trước đây được cung tiến lên vua nên còn có tên là chuối Tiến.
Trong nhiều năm liền Sở NN-PTNT Hà Nam phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và 80 hộ dân làng Đại Hoàng triển khai thực hiện dự án bảo tồn quĩ gen giống chuối quí này để có thể phát triển thành vùng chuối ngự đặc sản ở một số xã ven sông của huyện Lý Nhân. Mới đây Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm tạo điệu kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ giống chuối đặc sản quí hiếm này của nước ta.
- Chuối ngự cau: Đây là giống chuối cau, thân cao, quả nhỏ và đều, ăn ngọt và thơm. Khi chín có vỏ vàng xanh rất đẹp. Chuối ngự cau thường được sử dụng trong mâm ngũ quả ngày Tết vì vừa thơm, vừa đẹp. Giống này được trồng nhiều ở các tỉnh Khu 4 cũ: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Dưới thời vua Tự Đức, giống chuối này cũng được cúng tiến lên vua nên cũng được gọi là chuối ngự tiến. Chuối cau thích hợp các vùng đất phù sa, thịt nặng và đất sét; đặc biệt là giống cau vừa hay cao trung (cây cao vừa phải) cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn các giống cau cao và cau lùn.
- Chuối ngự mít: Được trồng nhiều nơi ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là vùng Khu 4 cũ. Giống chuối này quả chỉ nhỉnh hơn ngón tay út một chút nhưng vỏ mỏng, thịt vàng, ăn thơm, được nhiều người ưa thích. Giống chuối này trước đây cũng đã được tiến vua, nhiều nơi như Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) cũng gọi là chuối Tiến.
- Chuối ngự mốc: Được trồng nhiều ở các vùng Thừa Thiên Huế, Quảng Trị để bán vào dịp Tết cho người ta thờ cúng rất có giá trị. Chuối ngự mốc cũng đã được dâng lên các vua triều Nguyễn nên cũng từng được gọi là chuối ngự Tiến.
Về cách trồng: Hầu hết các giống chuối ngự, đặc biệt là chuối ngự Đại Hoàng đều ưa đất phù sa ven sông (giàu chất dinh dưỡng, có đủ độ ẩm đất và độ ẩm không khí thích hợp như một kiểu tiểu vùng khí hậu riêng cho chuối ngự), đất thịt có pha sét, dễ thoát nước. Chuối ngự ra buồng quanh năm nên có thể trồng lúc nào cũng được, trừ các tháng mùa mưa và những tháng quá lạnh (tháng 12, tháng Giêng). Nên chọn đúng giống, đúng độ tuổi (khi cây chưa ra lá thật, cao 60-70cm) để trồng. Vườn trồng nên thiết kế theo hướng đông tây; mật độ trồng từ 60-65 cây/360m2; mỗi bụi chỉ để 1 cây mẹ lấy buồng và 2 cây con thay thế thì sẽ cho buồng to, nhiều quả, quả đều và chất lượng tốt.
Chuối ngự thân cao, yếu, giòn dễ gãy đổ nên khi có buồng cần có cột chống. Bón nhiều phân chuồng, tưới thêm bột cá, xác mắm, khô dầu pha loãng cho cây trước khi cây trỗ buồng. Bón thêm kali trong thời gian nuôi quả để có chất lượng cao. Hạn chế bón đạm và tưới nhiều khi quả lớn để tránh bị nứt quả. Hàng năm có thể bồi gốc bằng bùn trên mặt liếp sẽ giữ cho vườn chuối bền lâu, năng suất cao. Cắt bỏ hoa đực chỉ để lại 5-6 nải/buồng và tiến hành bao buồng bằng bao nilon trắng trong sẽ làm cho mã quả đẹp, ít bị sâu bệnh hại. Thu hoạch đúng độ già và rấm chín cả buồng thì chuối mới đẹp mã, ăn ngọt và thơm. Thu hoạch 3 vụ rồi phá bỏ, cải tạo đất để trồng lại.