Khoảng 7 năm trước, gia đình Anh Đỗ Tiến Đạt ở ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có khoảng hơn 3.600m2 đất trồng mía. Do nguồn nước không đủ cung cấp cho cây mía phát triển nên gia đình anh Đạt đã tìm cách chuyển đổi mô hình làm kinh tế. Lúc đó (năm 2016) phong trào nuôi dê Boer bán con giống và dê thịt phát triển mạnh ở các tỉnh Nam bộ. Thịt dê lại được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều nơi nên anh lên mạng tìm hiểu rồi đến tham quan, học cách chăm sóc, đặt mua con giống về đóng chuồng nuôi thử.
Lúc đầu chưa có nhiều kinh nghiệm anh chỉ đóng 50m2 chuồng và nuôi thử vài chục con, sau thời gian nuôi thấy hiệu quả, đặc biệt thịt dê có thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định nên qua năm 2017 anh tăng đàn dê lên tới con số trăm, trong đó có cả dê thịt và dê giống. Để có đủ cỏ cung cấp cho dê ăn, gia đình anh Đạt thuê thêm gần 2ha đất chuyên trồng cỏ sả lá lớn làm thức ăn chính cho dê.
Xác định nghề nuôi dê phát triển bền vững, dê thịt và dê giống có thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định, anh Đạt quyết định mở rộng, thay đổi quy mô chăn nuôi từ nông hộ sang hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, đàn dê của gia đình anh có khoảng 350 con, có thời điểm lên 400 con được nuôi nhốt trên diện tích sàn khoảng 600m2. Mỗi năm gia đình anh Đạt có doanh thu ổn định khoảng 800 triêu đồng.
Sau nhiều năm nuôi dê, anh Đạt nhận xét điều quan trọng trước tiên là chọn được con giống tốt. Vì vậy cơ sở của anh chỉ nuôi 2 giống dê lai của trang trại An Phú và Măng Đen. Đây là những giống dê được nhập từ Úc, Pháp, tất cả đều là giống dê sữa cao sản với khả năng tăng trưởng nhanh, mắn đẻ, chất lượng thịt và giá bán cao, được thị trường ưa chuộng.
Anh Đạt cho biết kỹ thuật nuôi dê rất đơn giản. Chuồng dê có thể làm bằng tre hoặc gỗ, sàn chuồng cách mặt đất từ 0,5 - 0,8m, đóng vách ngăn theo từng ô vuông hoặc chữ nhật có diện tích khoảng 4 - 6m2. Chuồng được phân loại theo đối tượng nuôi (dê sinh sản, dê nuôi con và dê vỗ béo).
Chuồng đặt ở nơi khô ráo, sạch sẽ, có mái che tránh nắng nóng và ẩm ướt. Nền chuồng phẳng, nhẵn để dễ vệ sinh, có rãnh thoát phân và nước tiểu, sử dụng chế phẩm vi sinh để khử mùi. Phân dê định kỳ được thu gom đóng bao ủ hoai với nấm Trichoderma bán cho người dân làm phân bón hữu cơ.
“Thức ăn cho dê chủ yếu là cây cỏ được cắt nhỏ để dê ăn hết cả phần lá và phần thân, bổ sung các loại thức ăn tinh như cám gạo, bắp ủ, bột cá, chế phẩm sinh học, thêm vitamin để dê đủ dinh dưỡng. Một con dê cái đẻ được 1,5 lứa/năm, mỗi lứa từ 1 - 2 con, mỗi năm cơ sở xuất bán cho thị trường khoảng từ 300 - 400 con. Giá dê đực khoảng 90 ngàn đồng/kg, dê cái 60 ngàn đồng/kg, nếu xuất bán dê giống thì doanh thu cao hơn”, anh Đạt chia sẻ
Theo ông Nguyễn Văn Nhiều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuyên Mộc, anh Đỗ Tiến Đạt là một kỹ sư ngành chế tạo máy nhưng anh đã rẽ sang con đường làm nông nghiệp, cùng gia đình phát triển trang trại chăn nuôi dê. Trại dê của anh tuy nuôi với số lượng lớn nhưng luôn đảm bảo vệ sinh môi trường, số lượng dê xuất ra thị trường năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Hiện tại do kinh tế khó khăn chung nên giá dê thịt bán ra giảm so với các năm trước nên thu nhập của gia đình anh Đạt cũng giảm.