| Hotline: 0983.970.780

Trồng dưa công nghệ cao ở Thái Nguyên

Thứ Tư 24/06/2020 , 10:20 (GMT+7)

Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao do Trạm Chuyển giao kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai thử nghiệm bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của Trạm chuyển giao kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông Thái Nguyên bước đầu mang lại hiệu quả. Ảnh: Kiều Hải.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của Trạm chuyển giao kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông Thái Nguyên bước đầu mang lại hiệu quả. Ảnh: Kiều Hải.

Mô hình trồng dưa lê hữu cơ, dưa lưới Nhật TL3 và dưa Kim Hoàng Hậu công nghệ cao được Trạm chuyển giao kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên) triển khai trồng bắt đầu từ tháng 3/2020 tại xóm Cầu Đá, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên.

Trên diện tích gần 1,5ha, trong đó có khoảng 1ha trồng trong nhà lưới và 500ha trồng ngoài trời, Trạm đã tiến hành thử nghiệm các giống dưa mới được nhập khẩu từ Thái Lan và Nhật Bản về như dưa lê Kim Hoàng Hậu, Kim Hùng Vương, Ngân Huy, Gia Huy, bạch mã, Tiger… Với 500m2 diện tích tương ứng với khoảng 1.000 gốc.

Đối với mô hình dưa lê hữu cơ thì đây là vụ thứ hai Trạm Chuyển giao kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông trồng, vụ trước đó năm 2019, Trạm cũng đã trồng và cho thu hoạch tương đối tốt. Còn đối với giống dưa Kim Hoàng Hậu thì đây là vụ đầu tiên được trồng thử nghiệm.

Chị Nguyễn Kim Đương – Phó Trạm trưởng Trạm Chuyển giao kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông cho biết: Vụ năm nay do điều kiện thời tiết bất lợi, lúc mới gieo hạt lạnh kéo dài nên cây dưa sinh trưởng kém. Tuy nhiên, Trạm đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ để tác động nên tỷ lệ thụ phấn vẫn đạt 98%.

Thông thường, thời gian sinh trưởng của dưa Kim Hoàng Hậu và dưa lê hữu cơ dao động từ 75 – 80 ngày, nhưng năm nay do tình hình thời tiết khắc nghiệt nên kéo dài tới 90 ngày.

Một điểm đặc biệt cần lưu ý trong quá trình chăm sóc dưa là dưa phản ứng rất mạnh với ánh sáng, do đó với cường độ ánh sáng yếu, cây dưa sẽ sinh trưởng chậm.

Ngoài ra, dưa còn ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, nếu trong điều kiện thời tiết cực lạnh sẽ gây bất lợi lớn cho việc sinh trưởng, phát triển của dưa.

Đến thời điểm này, dưa đang chuẩn bị được thu hoạch, trọng lượng cũng như độ ngọt đã cơ bản đạt tiêu chuẩn, trung bình mỗi quả dưa Kim Hoàng Hậu và dưa lưới có trọng lượng khoảng 1,2kg.

Bước đầu đánh giá, giống dưa Kim Hoàng Hậu có khả năng chống chịu cao hơn với thời tiết và sâu bệnh đặc biệt phát triển tốt trong môi trường nhà lưới và cho năng suất cao hơn so với trồng bên ngoài. Mỗi quả dưa lê hữu cơ đạt trọng lượng theo đúng tiêu chuẩn đặt ra khoảng 500 – 600g/quả, sản lượng dự kiến đạt từ 1,5 – 1,8 tấn/500m2.

Thời gian trồng dưa thường kéo dài từ cuối tháng 2 đến khoảng đầu tháng 9 hàng năm. Do đó, mỗi năm có thể trồng từ 3 – 4 vụ dưa liên tục. Thu nhập đối với 500m2 dưa khoảng 25 - 30 triệu đồng/vụ, trung bình mỗi năm đạt khoảng 100 triệu đồng/500m2.

Những quả dưa căng mướt, vàng óng đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Kiều Hải.

Những quả dưa căng mướt, vàng óng đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Kiều Hải.

Anh Bùi Huy Hoàng, cán bộ phụ trách kỹ thuật mô hình này cho biết: Chi phí đầu tư cho việc xây dựng nhà lưới tương đối lớn, trung bình công năng sử dụng của mỗi lần đầu tư khoảng 10 năm.

Ngoài một nhân công thường xuyên túc trực để chăm sóc thì Trạm còn đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để cung cấp dưỡng chất cho cây.

Ưu điểm của hệ thống nhà lưới là được kết cấu vững chắc, có khả năng chống được côn trùng xâm nhập, nên đảm bảo an toàn và sạch sẽ tuyệt đối.

Ưu điểm của mô hình công nghệ cao là dễ quản lý hơn từ vấn đề dinh dưỡng đến bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh nên dễ chăm sóc hơn, do đó năng suất cây trồng cao hơn. Tuy nhiên, sản phẩm hữu cơ chất lượng lại cao hơn, ngọt hơn và vấn đề dinh dưỡng đầu vào được người tiêu dùng đánh giá cao nên giá trị sản phẩm bán ra thị trường cao hơn.

Việc chăm sóc dưa lưới được thực hiện theo đúng kỹ thuật và phương pháp như pha trộn phân vào hệ thống tưới, trung bình mỗi ngày tưới 6 lần, 3 lần vào buổi sáng và 3 lần vào buổi chiều.

Khi cây ra hoa thì phải tiến hành thụ phấn bằng tay, sau thời gian thụ phấn khoảng 7 – 10 ngày là lúc đậu quả.

Lúc này cần phải lựa chọn kỹ càng, mỗi gốc dưa chỉ để lại 1 quả để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cũng như chất lượng cho mỗi quả.

Do đó, thời kỳ này, người trồng dưa sẽ lựa chọn những quả đạt tiêu chuẩn về kích thước, không bị sâu bệnh để lại còn đâu đem cắt tỉa bỏ đi.

Đối với dưa công nghệ cao thì thường sử dụng các dinh dưỡng vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Còn đối với sản xuất dưa lê hữu cơ thì thuốc bảo vệ thực vật đều phải bằng thảo mộc, phân bón hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ sinh học và phân chuồng ủ mục, các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật khác đều sử dụng chất vi sinh.

Dưa lưới Nhật, dưa Kim Hoàng Hậu và dưa lê hữu cơ có thời gian thu hoạch tương đối giống nhau. Ảnh: Kiều Hải.

Dưa lưới Nhật, dưa Kim Hoàng Hậu và dưa lê hữu cơ có thời gian thu hoạch tương đối giống nhau. Ảnh: Kiều Hải.

Hiện tại, dưa lê hữu cơ loại 1 của Trạm Chuyển giao kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông đang bán buôn với giá 45.000đ/kg, bán lẻ 55.000đ/kg cao hơn gấp 3 lần so với giá thị trường đối với các loại dưa không trồng theo mô hình hữu cơ.

Sản phẩm thu hoạch đến đâu là có đơn vị đặt hàng đến đấy với sức tiêu thụ rất nhanh. Hiện có rất nhiều đơn vị ký hợp đồng đặt hàng hợp tác với số lượng lớn.

Sau đợt thu hoạch dưa vụ này khoảng 1 tháng sẽ tiếp tục trồng những lứa dưa tiếp theo để đảm bảo đúng thời vụ và chất lượng cho sản phẩm.

Đơn vị cũng sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình thử nghiệm nhằm nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch của người dân.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.