| Hotline: 0983.970.780

Trồng khoai lang mở hướng thoát nghèo

Thứ Tư 05/01/2022 , 13:30 (GMT+7)

CAO BẰNG Cùng với nghề rèn truyền thống, trồng cây khoai lang là hướng đi chủ lực giúp giảm nghèo, đem lại thu nhập cao cho người Nùng ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng).

Giống khoai lang Nhật phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa. Ảnh: Công Hải.

Giống khoai lang Nhật phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa. Ảnh: Công Hải.

Khoai lang là một trong những cây lương thực truyền thống được người Nùng xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa trồng từ lâu đời. Chục năm gần đây, thấy trồng khoai đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa nên nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích. Hộ ít trồng vài trăm m2, hộ nhiều vài nghìn m2.

Ông Hoàng Văn Hùng, xóm Đoàn Kết, xã Phúc Sen tâm sự: Khoai lang là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, lại ít sâu bệnh. Nhưng để cây sai củ, cho củ to, đồng đều, cần áp dụng đúng kỹ thuật, bón phân đầy đủ để cây phát triển tốt, cho vị ngọt, thơm. Cây khoai lang chỉ trồng 4 tháng, thường trồng từ tháng 7, đến tháng 12 cho thu hoạch. Vụ khoai năm nay, gia đình ông Hùng thu khoảng 4 tấn, trị giá 40 triệu đồng.

Người dân xóm Quốc Tuấn, xã Phúc Sen thu hoạch khoai lang. Ảnh: Công Hải.

Người dân xóm Quốc Tuấn, xã Phúc Sen thu hoạch khoai lang. Ảnh: Công Hải.

Gia đình ông Phùng Văn Chì, xóm Quốc Tuấn là một trong những hộ có diện tích trồng khoai lang nhiều nhất xã. Năm nay, ông trồng 4.000 m2 cây khoai lang, trong đó có 2.000 m2 khoai lang Nhật. Ông Chì chia sẻ: "Gia đình tôi trước đây trồng khoai lang chủ yếu làm lương thực. Thấy trồng khoai có thu nhập cao, mấy năm gần đây tôi đều mở rộng diện tích trồng cả khoai trắng truyền thống, khoai vàng của Nhật, khoai tím".

Năm ngoái, giá khoai lang bán buôn 5.000 - 6.000 đồng/kg, bán lẻ 10.000 đồng/kg. Năm nay, nhiều tư thương từ Lạng Sơn lên thu mua cả xe với giá 10.000 đồng/kg; nếu bán lẻ thì giá trung bình từ 13.000 - 20.000 đồng/kg. Với hơn 10 tấn củ, năm nay gia đình anh Chì thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Trước đây, người dân Phúc Sen chủ yếu trồng giống khoai trắng truyền thống. Từ năm 2018, huyện Quảng Hòa đưa về một số xã trồng thử giống khoai vàng của Nhật. Nhiều xóm ở xã Phúc Sen đã triển khai trồng thử và mở rộng diện tích.

Khoai lang trồng ở Phúc Sen củ to đều, vị ngọt, thơm. Ảnh: Công Hải.

Khoai lang trồng ở Phúc Sen củ to đều, vị ngọt, thơm. Ảnh: Công Hải.

Đây là giống khoai mới, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở xã Phúc Sen. Để cây khoai Nhật cho năng suất cao, củ to, đều cần nhiều phân chuồng để đất tơi xốp. Khoai lang Nhật cho năng suất, sản lượng cao gần gấp đôi so với khoai trắng truyền thống; chất lượng khoai thơm, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Năm 2021, xã Phúc Sen mở rộng diện tích trồng khoai lên hơn 100 ha, tập trung chủ yếu tại các xóm: Quốc Tuấn, Quốc Dân, Khào, Dìa Trên, Dìa Dưới… Cây khoai lang trồng ở xã Phúc Sen củ trung bình từ 300 - 400 gam, củ to từ 600 - 800 gam. Năng suất 28 tấn/ha, tổng sản lượng gần 3.000 tấn. Với giá bán trung bình từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, mỗi ha khoai lang cho thu nhập gần 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần cây ngô, lúa truyền thống.

Mấy năm gần đây, xã Phúc Sen tích cực tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển nhiều diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng khoai lang, củ cải, bí xanh. Trong đó, cây khoai lang được người dân mở rộng diện tích và đem lại thu nhập cao.

Người dân trong xã đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống khoai mới vào trồng cho năng suất, sản lượng cao. Nhiều hộ có thu nhập trung bình từ 30 - 50 triệu đồng/năm; một số hộ thu nhập từ 70 - hơn 100 triệu đồng/năm từ trồng khoai lang, góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể, đóng góp vào tiêu chí thu nhập để cuối năm xã hướng đến về đích xây dựng nông thôn mới.

Người dân xã Phúc Sen có thu nhập cao nhờ trồng khoai lang. Ảnh: Công Hải.

Người dân xã Phúc Sen có thu nhập cao nhờ trồng khoai lang. Ảnh: Công Hải.

Ông Lương Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Sen cho biết: Khoai lang Phúc Sen đã dần khẳng định được thương hiệu và có mặt ở nhiều thị trường trong tỉnh. Xã tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; tìm hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân thành lập nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; sản xuất gắn với chế biến. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để cây khoai lang cho củ đồng đều, năng suất, sản lượng cao; chú trọng xây dựng thương hiệu để khoai lang Phúc Sen vươn ra thị trường ngoài tỉnh. "Điều quan trọng là phải tìm được đầu ra ổn định, quy hoạch hợp lý để tránh tình trạng khủng hoảng thừa như những vùng nông sản khác", ông Huấn cho biết thêm.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Tiếp cận Một sức khỏe yêu cầu sự đồng thuận giữa các Bộ, hỗ trợ tài trợ liên ngành và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu chung.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.