Từ nguồn kinh phí phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định thực hiện mô hình “Sản xuất cây kiệu đạt tiêu chuẩn VietGAP” sử dụng giống kiệu trâu tại thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) với diện tích 1ha, 4 hộ tham gia.
Mô hình nhằm chuyển giao đến nông dân quy trình sản xuất kiệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao năng suất, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, mô hình còn khẳng định hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người sản xuất kiệu.
Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% kinh phí về giống và các vật tư thiết yếu do Trung tâm Khuyến nông Bình Định trực tiếp cấp cho hộ dân, 50% còn lại là vốn đối ứng của hộ dân để tăng trách nhiệm trong quá trình thực hiện mô hình. Ngoài ra, khi thực hiện mô hình, hộ dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật 2 lần vào đầu vụ và giữa vụ, thường xuyên được cán bộ kỹ thuật kiểm tra, hướng dẫn kịp thời tại đồng ruộng, được hướng dẫn thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Quy trình sản xuất kiệu đạt chuẩn VietGAP sinh trưởng và phát tiển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại. Sau 5 tháng, cây kiệu đạt 4 - 5 củ/khóm, cao hơn ruộng đối chứng 1 củ, năng suất đạt 64 tạ/ha, cao hơn đối chứng 6,4 tạ/ha, giá bán 50.000đ/kg, nông dân đạt doanh thu 320 triệu đồng/ha, lãi ròng đạt 203 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 36,8 triệu đồng/ha.
Hộ bà Nguyễn Thị Nhàn tham gia mô hình ở thôn Đại Khoan (xã Cát Lâm) cho biết trước đây, bà con nông dân ở địa phương trồng kiệu theo truyền thống, chưa hình dung ra cách làm theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Bình Định, người trồng kiệu ở đây đã nắm chắc kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân, tưới nước, quản lý sâu bệnh hại.
“Cây kiệu sản xuất theo hướng VietGAP sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, cho năng suất và lợi nhuận cao hơn so với trước đây. Đồng thời, cây kiệu trong mô hình được cấp chứng nhận VietGAP nên sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, đến nay các thương lái đã đặt hàng nhưng số lượng không đủ cung cấp. Sau vụ này, tôi sẽ tiếp tục sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời vận động bà con cùng áp dụng để nâng cao giá trị cây kiệu”, bà Nhàn chia sẻ.
Theo ông Võ Văn Tiếng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, hàng năm, nông dân trong xã trồng khoảng 50 - 60ha kiệu nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Nguyên nhân do nông dân sử dụng giống không đạt chất lượng, chưa đáp ứng đúng kỹ thuật thâm canh.
“Kết quả thực hiện mô hình là tiền đề để địa phương xây dựng kế hoạch nhân rộng diện tích sản xuất kiệu theo hướng VietGAP, phát triển vùng sản xuất kiệu tập trung gắn với xây dựng thương hiệu theo hướng nâng cao giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới tại địa phương trong thời gian tới”, ông Tiếng cho hay.
Ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định chia sẻ: Kiệu là cây gia vị thuộc họ hành, là cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư ít, đem lại giá trị kinh tế khá cao. Cây kiệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với trình độ canh tác của bà con địa phương, giảm thiểu tác động đến môi trường.
“Sản xuất kiệu theo hướng VietGAP tạo ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích so với trước đây.
Thời gian tới, chính quyền cùng các hội đoàn thể địa phương cần có kế hoạch tuyên truyền, tổ chức nhân rộng mô hình đến các hộ dân để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con”, ông Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định đề nghị.