| Hotline: 0983.970.780

Trồng lúa cải tiến (SRI)

Thứ Hai 15/12/2014 , 09:40 (GMT+7)

Trung tâm KN-KN Trà Vinh đã thực hiện mô hình trình diễn “Ứng dụng hệ thống thâm canh tổng hợp trong SX lúa (SRI) và hỗ trợ máy cấy lúa” đã mang lại hiệu quả rất cao./ Củng cố, phát triển hệ thống hạ tầng thâm canh lúa cải tiến (SRI)

Mục tiêu của chương trình là nâng cao năng suất, hạ giá thành SX, tăng thu nhập cho người trồng lúa, vụ TĐ 2014.

Ông Nguyễn Văn Ánh, nông dân tham gia mô hình ở ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo (Châu Thành, Trà Vinh) nói: "Lúa ứng dụng máy cấy và kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI). Bón phân cân đối theo nhu cầu cây lúa bằng bảng so màu lá lúa; quản lý dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng thuốc khi cần thiết theo nguyên tắc “4 đúng”; áp dụng quản lý nước hợp lý và tiết kiệm theo phương pháp tưới “ướt khô xen kẽ”... nên cây phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, hạn chế cỏ dại, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, lúa không bị đổ ngã.

Đặc biệt, máy cấy dễ vận hành và điều chỉnh, hoạt động tốt thích hợp trên nhiều loại đất có độ lún khác nhau, phù hợp với điều kiện đất đai tại địa phương, giải quyết được nhu cầu thiếu công lao động cấy, kỹ thuật gieo mạ phục vụ cấy máy đơn giản dễ thực hiện, lúa cấy máy nhanh hồi xanh và phát triển tốt".

Trung tâm KN-KN Trà Vinh đã tổ chức hội thảo và tham quan cho trên 110 đại biểu là nông dân, cán bộ kỹ thuật và đánh giá hiệu quả mô hình trình diễn. Chi phí SX giảm 1,92 triệu đồng/ha so với mô hình SX đại trà theo tập quán cũ. Năng suất mô hình SRI đạt 7,4 tấn/ha so với SX đại trà là 6 tấn/ha. Lợi nhuận đạt trên 21,5 triệu đồng/ha trong khi SX đại trà chỉ đạt gần 12,6 triệu đồng/ha.

Ứng dụng hệ thống thâm canh tổng hợp trong SX lúa giống thì chi phí SX giảm 3,76 triệu đồng/ha. Trong đó, giảm chi phí phân bón là 210.000 đồng/ha, thuốc BVTV 550.000 đồng/ha và công cấy là 3 triệu đồng/ha so với SX giống áp dụng cấy tay. Lợi nhuận đạt gần 30 triệu đồng/ha, cao hơn SX cũ 5 triệu đồng/ha.

diem-trinh-dien102758514

Ông Kim Huỳnh Khiêm, Giám đốc Trung tâm KN-KN Trà Vinh cho biết: "Mô hình ứng dụng máy cấy kết hợp qui trình kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) đã giúp nhà nông thay đổi tập quán SX lúa truyền thống, giảm giống đẩy mạnh công tác cơ giới hóa trong SX lúa, giải quyết tình trạng thiếu lao động, giảm chi phí, hạn chế sử dụng thừa phân đạm; giảm sử dụng thuốc BVTV; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; cải tạo độ màu mỡ đất đai; giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường; bảo vệ được sức khoẻ cho người SX và tiêu dùng. Trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục khuyến cáo và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh".

Ông Nguyễn Văn Tuấn, nông dân thực hiện mô hình ứng dụng cấy máy và kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) cho biết: "Ruộng cấy bằng máy mật độ khá thưa (22 bụi/m2) và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KN-KN Trà Vinh hướng dẫn thực hiện theo qui trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, đẻ nhiều chồi hữu hiệu cao, trung bình 15 bông/bụi, mỗi bông có 90 - 95 hạt chắc, năng suất đạt trên 7,4 tấn/ha, so với năng suất lúa ngoài mô hình bình quân chỉ khoảng 6 tấn/ha.

Với giá bán giống cho Cty CP Giống cây trồng miền Nam là 6.500 đồng/kg, thu nhập khoảng 48 triệu đồng/ha.

Tôi rất vui vì mô hình mang lại hiệu quả cao.

Trong thời gian tới tôi và các hộ trong tổ sẽ nhân rộng mô hình này.

Đặc biệt, máy cấy lúa Kubota SPW – 48C được thiết kế gọn nhẹ, chiều dài 2,14 m, chiều rộng 1,63m, cao 0,91 m và trọng lượng 160 kg rất phù họp với đồng ruộng có độ lún cao.

Máy cấy sử dụng động cơ xăng và mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 4,5 lít/ha; công suất 0,15 ha/giờ, tương đương với 12 công lao động.

Khoảng cách hàng cố định là 30 cm, bụi cách bụi có 5 mức điều 12, 14, 16, 18 và 21 cm (tương ứng mật độ 28, 24, 21, 18, 16 bụi/m2), độ sâu mạ cấy từ 0,7 cm - 3,7 cm và số cây mạ điều chỉnh từ 1 – 7 cây/bụi.

Mấy cấy được nông dân đánh giá cao và khả năng áp dụng rộng rãi vào SX giống cũng như SX lúa thương phẩm chất lượng cao.

Việc chuyển giao giống lúa chất lượng tốt, năng suất cao; qui trình bón phân theo nhu cầu cây lúa bằng bảng so màu lá lúa; áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đồng thời ứng dụng cơ giới trong SX lúa như máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy sấy, máy cấy, giải quyết tình trạng thiếu lao động và thích ứng với biến đổi khí hậu đã giúp nhà nông tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích trồng lúa".

Qui trình kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI)

1. Chọn giống

- Sử dụng giống cấp xác nhận hoặc nguyên chủng, năng suất cao, chống chịu tốt rầy nâu, bệnh đạo ôn, thời gian sinh trưởng phù hợp với mùa vụ tại địa phương, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

2. Chuẩn bị đất

- Phun phân vi sinh phân hủy rơm rạ sau đó cày xới vùi rơm rạ, cỏ dại.

- Trang bằng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước để 1 - 2 ngày thì mới tiến hành cấy.

3. Gieo mạ cho máy cấy

- Vật liệu: Bùn non đáy ao, kênh mương (sạch, không tạp chất, sỏi đá), mụn dừa

- Sử dụng khay chuyên dụng cho máy cấy kích thước 0,3 m x 0,6 m hoặc khung kích thước 0,3 m x 6 m.

- Cách gieo: Trải 1 lớp bùn dày 1cm sau đó rải giống đã ngâm ủ nứt nanh mật độ 180 – 200 gr/khay (0,3 m x 0,6 m) hoặc 1,8 – 2 kg/khung (0,3 m x 6 m), sau đó phủ 1 lớp mụn dừa dày 0,8 – 1cm. Gieo 200 - 220 khay (0,3 m x 0,6 m) hoặc 20 - 22 khung (0,3 m x 6 m) để cấy 1 ha (tương đương 36 – 40 m2).

- Chăm sóc mạ: Tưới nước đầy đủ cho mạ phát triển bình thường.

- Mạ được 10 – 12 ngày, cây mạ có 2 – 4 lá thật, chiều cao 15 – 25 cm là đủ điều kiện cho cấy máy.

Chú ý:

Không tưới hoặc bón đạm cho mạ gieo.

Trước khi cấy nên tạo điều kiện cho mạ làm quen với điều kiện bên ngoài từ 1 - 2 ngày.

Trước khi cấy khoảng 10 tiếng không tưới nước cho mạ để máy cấy đều khóm. Mật độ cấy tùy thời gian sinh trưởng của giống, cấy 2 - 3 cây mạ/bụi.

4. Bón phân

* Lượng phân sử dụng cho 1 ha:

Phân hữu cơ: 300 kg, phân vi sinh phân hủy rơm rạ; phân ure 120 kg, DAP 100 kg, kali 60 kg.

* Cách bón: Trước khi cày, xới 1 ngày thì phun phân vi sinh phân hủy rơm rạ.

Bón lót (trước khi cấy): Toàn bộ phân hữu cơ + 30 kg DAP

Bón hồi xanh (3 ngày sau cấy): Ure 20 kg + DAP 20 kg + kali 15 kg

Bón thúc 1 (10 ngày sau cấy): Ure 30 kg + DAP 50 kg

Bón thúc 2 (20 ngày sau cấy): Ure 30 kg + kali 15 kg

Bón đón đòng (35 - 40 ngày sau cấy): Ure 40 kg + kali 30 kg

5. Điều chỉnh mực nước

- Giữ nước trên ruộng ở các lần bón phân, giai đoạn trổ 3 - 5 cm.

- Ngoài các thời điểm bón phân chỉ cần giữ mặt ruộng đủ ẩm hoặc thấp hơn mặt ruộng 15 cm và rút hết nước trước thu hoạch 7 - 10 ngày.

6. Quản lý sâu, bệnh

Áp dụng biện pháp quản lý, phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM). Sử dụng thuốc BVT khi thật cần thiết và theo nguyên tắc “4 đúng”.

7. Thu hoạch

- Khi lúa chín 85 - 90% thì thu hoạch; thu bằng máy gặt đập liên hợp để giảm thất thoát và làm khô hạt kịp thời.

 

(Trung tâm KN-KN Trà Vinh)

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.