| Hotline: 0983.970.780

Trồng nấm khép kín tránh điệp khúc thu hoạch vụ đầu, thất bại vụ sau

Thứ Tư 13/09/2023 , 08:25 (GMT+7)

HÀ NỘI Làm báo, tôi thấy hai nghề mới nghe tưởng chẳng hề liên quan đến nhau là trồng nấm và nuôi tôm công nghiệp, nhưng lại giống nhau ở một điểm là rủi ro rất cao.

Công nghệ trồng nấm kiểu Hàn

Có thể vài năm trước về cơ sở viết điển hình làm giàu từ trồng nấm hay nuôi tôm công nghiệp thật đấy, nhưng vài năm sau về hỏi thì rất có thể chủ cơ sở đã phải bán đất, bán nhà bỏ xứ ra đi vì vỡ nợ. Trồng nấm và nuôi tôm công nghiệp có thể xóa đói, giảm nghèo nhưng cũng rất nhiều rủi ro. Anh Nguyễn Đông - cán bộ khuyến nông Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) cũng bật cười đồng tình khi tôi kể cho nghe về chuyện đó.

Chị Nguyễn Thị Mùi, nhân viên Công ty Cổ phần KMS bên những lọ nấm sắp ra lò. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Nguyễn Thị Mùi, nhân viên Công ty Cổ phần KMS bên những lọ nấm sắp ra lò. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rồi anh kể, quãng năm 2005, 2006 ở xã Trung Giã, xã Hiền Ninh của huyện Sóc Sơn, người dân cũng bắt đầu học hỏi trồng nấm. Giống thì mua của Viện Di truyền Nông nghiệp về cấy bịch, thậm chí mua luôn bịch về trồng trong các nhà kho, lán tạm, xung quanh quây bằng bạt, không có hệ thống tưới gì cả. Trồng nấm kiểu đó lứa đầu tiên, lứa thứ hai được thu nhưng chỉ vài lứa sau đều bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hại đến bại cả năng suất. Nếu muốn trồng tiếp thì phải bỏ không cỡ 1 năm rồi xử lý lại môi trường thật cẩn thận mới thành công.

Một nguyên nhân nữa khiến người dân phải nhanh chóng bỏ nghề trồng nấm là bởi chỉ tiêu thụ kiểu tự phát, mang ra bán ở chợ làng, chợ xã, giá cả rất bấp bênh, số lượng ít thì được giá cao, số lượng nhiều thì giá thấp. Thêm vào đó, nấm đựng trong sọt, trong rổ để chừng 8 - 12 tiếng ở nhiệt độ ngoài trời là nở tung ra, chẳng ai muốn mua nữa dù có bán rẻ đến mấy.

Mô hình trồng nấm kiểu khép kín trong phòng lạnh ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nấm bệnh như trồng nấm kiểu hở kể trên vì chủ động được nguyên liệu đầu vào và giống. Tuy nhiên nó phù hợp với doanh nghiệp chứ không phải là nông hộ nhỏ lẻ bởi suất đầu tư rất lớn.

Và cũng chính bởi có tiềm lực mà doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu, đóng gói được sản phẩm, có cách makerting, bán hàng để tiếp cận được đến nhiều người tiêu dùng. Nhờ đó mà giá bán cũng cao hơn, ổn định hơn. Câu chuyện phát triển của Công ty Cổ phần KMS - một doanh nghiệp chuyên về nấm ăn ở thôn Thanh Sơn, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) là một ví dụ.

Ngoài trời đang nóng hầm hập 40 độ C mà bước vào khu nhà nuôi trồng nấm theo công nghệ cao của Công ty Cổ phần KMS tôi như lạc vào một xứ sở ôn đới, mát lạnh toàn thân. Trên những khay kệ được sắp xếp ngay ngắn là những lọ nấm đang nhú đầu ra. Nào nấm yến màu nâu, nấm ngọc châm, đùi gà màu trắng nõn nà. Đi trong nhà trồng nấm mà như đi trong một nhà máy công nghiệp vì chỗ nào cũng sạch sẽ tinh tươm, nhiều khâu tự động chẳng cần mấy sức người trực tiếp làm bởi đã có máy móc thay thế.

Những lọ nấm trong quá trình nuôi dưỡng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những lọ nấm trong quá trình nuôi dưỡng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Nguyễn Thị Mùi - nhân viên của Công ty bảo với tôi rằng: “Nấm trồng bình thường ở môi trường hở, phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, còn ở đây là khép kín, trong phòng lạnh từ khi cấy giống đến lúc thu hoạch, nhiệt độ lúc nào cũng duy trì từ 16 đến 20 độ C tùy từng giai đoạn”.

Với cách trồng nấm công nghiệp, sản lượng, chất lượng không phụ thuộc vào mùa vụ mà có tính ổn định gần như quanh năm. Trung bình mỗi ngày đơn vị xuất ra khoảng trên dưới 1 tấn nấm cho các khách hàng là siêu thị BigC, Winmart và một số chuỗi nhà hàng, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên.

Nguyên liệu đầu vào như mùn cưa, bông hạt, bột đậu tương, bột ngô, lõi bắp ngô… được cho vào bồn trộn đều, đóng lọ bằng máy tự động rồi đưa đi hấp khử trùng 5 tiếng ở nhiệt độ hơn 100 độ C, kéo ra phòng chờ lạnh, làm mát để nguội rồi đem cấy giống bằng máy tự động. Lọ đó được cho ra phòng ươm giai đoạn một, đợi 15 - 20 ngày chọn bằng mắt thường để loại bỏ những cái không đạt chuẩn, có dấu hiệu mốc rồi cho vào phòng ươm giai đoạn hai, chờ đủ tuổi. Với nấm yến phải chờ 40 - 47 ngày, với nấm ngọc châm, đùi gà thì chờ 80 - 100 ngày.

Công nhân lại chuyển chúng sang phòng nuôi, mở nắp, khoét lớp màng ra, úp lọ xuống để khi phun sương không đọng lại khiến cho cây nấm còn non bị thối. Khi nấm mọc ra lấm tấm thì công nhân lật lọ lại vì lúc này chúng đã đủ khỏe để chịu được phun sương trực tiếp, đợi đến ngày thu hoạch.

Toàn bộ thời gian nằm trong phòng nuôi của nấm yến là 6 - 8 ngày; của nấm ngọc châm, đùi gà là 15 - 20 ngày. Chúng chỉ ăn những dinh dưỡng ở cơ chất trong lọ cùng với những hạt sương siêu sạch mà phát triển lên. Khi thu hoạch xong, công nhân rửa dọn phòng, khử khuẩn bằng nước vôi trong 3 - 4 ngày mới nuôi tiếp. Trong nuôi trồng nấm, việc sát trùng, khử khuẩn rất quan trọng, nhất là ở khâu cấy giống, họ phải thay quần áo, giày dép trước khi bước vào và tay phải phun khử trùng bằng cồn 90 độ C.

Người tạo nên thương hiệu KMS

Anh Triệu Quang Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần KMS kể, bản thân mình đã học tập, nghiên cứu về vi sinh nói chung và nấm ăn, nấm dược liệu nói riêng tại Hàn Quốc tới 12 năm. Lúc đầu anh mới sang đó thấy không khỏi ngỡ ngàng vì ngành trồng nấm công nghiệp của họ đã phát triển tới mức chủ động cả về nhiệt độ, ánh sáng, không phụ thuộc vào thời tiết nữa. Hơn thế, nấm là loại thực phẩm rất sạch, không dùng bất cứ hóa chất, thuốc trừ sâu gì.

Di chuyển lọ nấm ở nhà máy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Di chuyển lọ nấm ở nhà máy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về nước mấy năm, anh làm ở một doanh nghiệp nhưng vẫn không nguôi tình yêu với cây nấm. Đến năm 2013 khi mua được một khu đất nhỏ ở thôn Thanh Sơn, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), thấy để không thì phí nên anh bắt đầu làm mô hình trồng nấm kiểu gia đình. Nhưng càng làm càng bị thiếu hàng do khách hàng đặt nhiều nên lại phải thuê thêm đất bên cạnh, vay vốn ngân hàng để mở rộng, đạt sản lượng khiêm tốn 100 - 200kg nấm/ngày. Sau 5 năm thì hòa vốn, anh lại tái đầu tư, mở rộng tiếp. Hiện diện tích nhà xưởng của KMS là 4.800m2, tổng đầu tư máy móc, thiết bị khoảng 36 tỉ đồng, đạt sản lượng 1 tấn/ngày.

“Sản lượng hàng năm của chúng tôi đạt 300 - 350 tấn, doanh thu đạt 12 - 15 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận 10 - 15%. Làm nấm phải chấp nhận đầu tư dài hơi, không thể ăn xổi được. Đầu tư ban đầu lớn nhưng hiệu quả kinh tế cũng khá. Đắt nhất là dây chuyền, máy móc, nhà xưởng và hơn 1 triệu lọ đựng bằng chất liệu đặc biệt, có dùng 20 năm cũng không hỏng. Hầu hết máy móc, thiết bị tôi đều nhập khẩu từ Hàn Quốc. Thị trường có, ngành nấm hàng năm vẫn tăng trưởng đều, tôi muốn mở rộng cơ sở sản xuất nhưng quỹ đất ở đây đã hết, xin dự án mãi mà chưa được”, anh Trung tâm sự.

Tôi hỏi anh Trung với kinh nghiệm trồng nấm công nghệ cao ở cả Hàn Quốc lẫn Việt Nam thì trở ngại lớn nhất hiện nay là gì? Anh trả lời, để trồng nấm công nghệ cao thì cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ gồm nguyên liệu đầu vào và các phụ phẩm nhưng ở Việt Nam đến nay vẫn chưa có. Nguồn nguyên liệu đầu vào bấp bênh, không ổn định khiến cho KMS phải trả giá nhiều, 2 - 3 năm đầu tiên sản xuất bị lỗ lên, lỗ xuống.

"Mùn cưa, lõi ngô, cám mì, cám gạo để phục vụ trồng nấm theo yêu cầu kỹ thuật phải đạt độ ẩm dưới 14% nhưng ở Việt Nam toàn nguyên liệu kiểu tận dụng, không qua sơ chế, sấy, ép bánh… nên không bảo quản được lâu, để thường xuyên bị mốc, ảnh hưởng đến việc cấy nấm. Bởi thế, khi mua những nguyên liệu thô về, KMS đều phải nghiền lại, sấy để bảo quản, dùng dần. Nếu cơ sở sản xuất nấm nào không chú ý đến yếu tố xử lý nguyên liệu là kể như thất bại đã ở kề bên", anh Trung chia sẻ kinh nghiệm.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Cây mía Cù Lao Dung tìm lại thời vàng son

Sóc Trăng Giá mía khởi sắc, niềm tin của chính quyền và người dân, sự quyết tâm của doanh nghiệp tạo điều kiện đưa cây mía Cù Lao Dung về lại thời vàng son.