| Hotline: 0983.970.780

Trang trại nấm đóng góp 4/5 sản phẩm OCOP toàn huyện

Thứ Tư 19/07/2023 , 06:24 (GMT+7)

LONG AN Với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, trang trại nấm Thanh Nhàn đã đóng góp 4/5 sản phẩm OCOP của huyện Tân Thạnh (Long An).

Về ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) hỏi thăm vợ chồng anh Lê Thanh Nhàn và chị Dương Thị Trúc bà con ở đây ai cũng biết bởi anh chị đang sở hữu trại trồng nấm lớn nhất vùng này. Trang trại nấm Thanh Nhàn rộng hơn 3.000m2, chủ yếu sản xuất nấm bào ngư tươi.

Điểm đặc biệt ở trang trại nấm này là sự đam mê với nghề trồng nấm của anh chị chủ và sản phẩm nấm sản xuất theo hướng hữu cơ nên được khách hàng gần xa tin dùng. Khách hàng mua nấm chủ yếu là Công ty San Hà, tiểu thương ở các chợ truyền thống và người dân địa phương. Bình quân mỗi ngày, trang trại xuất bán từ 200 - 300kg nấm bào ngư tươi, giá bán dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, doanh thu đạt trên 10 triệu đồng.

Chị Dương Thị Trúc, chủ trại nấm Thanh Nhàn cho hay trang trạng đang có 10 lao động nữ với thu nhập từ 200.000 đồng/ngày với công việc làm phôi, hái nấm. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Dương Thị Trúc, chủ trại nấm Thanh Nhàn cho hay trang trạng đang có 10 lao động nữ với thu nhập từ 200.000 đồng/ngày với công việc làm phôi, hái nấm. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh bán nấm tươi, cơ sở này còn cung cấp phôi nấm bào ngư cho nhiều hộ dân địa phương phát triển nghề. Mỗi túi phôi có giá từ 5.000 - 5.300 đồng. Phương châm hoạt động của trại nấm Thanh Nhàn là lấy chất lượng hàng đầu, không chạy theo lợi nhuận, nhất là phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Cơ sở chủ yếu sử dụng cám gạo, cám bắp làm phôi giống.

“Nghề nấm khó nhất ở khâu tạo phôi, ngoài ra còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết nên phải rất đam mê và có duyên nữa thì mới trụ được với nghề”, chị Dương Thị Trúc chia sẻ.

Theo chia sẻ của chị Trúc, chồng chị vốn gốc nông dân địa phương. Không chỉ gia đình chị mà thu nhập của bà con xung quanh cũng chỉ biết trông chờ vào mảnh ruộng, cây lúa. Thấy nghề nông cực khổ nhưng thu nhập lại rất bấp bênh nên cách đây gần chục năm, anh Nhàn bắt đầu tìm hiểu, thử nghiệm học trồng nấm bào ngư. Tuy nhiên, nấm trồng ra chất lượng không đạt.

Không nản chí, anh mạnh dạn đăng ký khóa học 12 tháng về trồng nấm ăn và nấm dược liệu tại Trường Đại học Nông lâm TP.HCM. Vừa học anh vừa mua nguyên vật liệu về thử nghiệm tạo phôi và trồng nấm. Mày mò suốt gần 2 năm, anh mới đúc kết được bí quyết của nghề này. Năm 2017, anh Nhàn bắt đầu sản xuất phôi giống đại trà bán cho khách hàng ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang...

Những ngày đầu vợ chồng chị đem phôi nấm bào ngư về địa phương bà con xung quanh cho rằng làm nấm rất độc hại nên chị khó kiếm được lao động phụ giúp. Dần dà, thấy mô hình trồng nấm sạch, hướng hữu cơ nên nhiều người xin vào làm việc. Chính những lao động ở đây đã thuyết phục người thân, bạn bè của mình mua nấm về dùng. Bởi người lao động làm tất cả các khâu từ tạo phôi đến nuôi trồng đều không hề thấy có bất cứ hóa chất gì.

Trồng nấm theo hướng hữu cơ có nghĩa là phải bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng phân, thuốc hóa học, sử dụng nguyên liệu tạo phôi giống từ cám gạo, cám bắp. Đồng thời, diệt các loại côn trùng, sâu bọ chủ yếu bằng các loại tinh dầu”, anh Lê Thanh Nhàn cho biết.

Hiện trại nấm Thanh Nhàn có 4 sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện trại nấm Thanh Nhàn có 4 sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Minh Đảm.

Từ thành công với nấm bào ngư, anh Nhàn lại mày mò và tiếp tục thành công với nấm linh chi, mộc nhĩ (nấm mèo) và đông trùng hạ thảo. Nhất là nấm đông trùng hạ thảo được anh bỏ ra rất nhiều năm tâm huyết và thành công cũng mới đến khoảng 2 - 3 năm gần đây.

Hiện hàng quý trang trại này sản xuất được khoảng 4,5kg nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa. Nấm được bán giá bình dân hơn nhiều cơ sở khác, khoảng 20 triệu đồng/kg. Ngoài ra, nấm mèo sấy khô có giá bán 200.000 đồng/kg, nấm linh chi sấy khô có giá 900.000 đồng/kg.

Chia sẻ điều tâm đắc của nghề trồng nấm, chị Dương Thị Trúc cho biết: “Nghề nấm này không sát sanh, bên cạnh đó có thu nhập ổn định. Nấm sạch đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, mình còn tạo được việc làm cho bà con địa phương nên cảm thấy rất vui”.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, ngày 10/1/2023, trại nấm Thanh Nhàn có 4 sản phẩm gồm nấm bào ngư, linh chi, nấm mèo và đông trùng hạ thảo được UBND tỉnh Long An công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo chia sẻ của chủ trang trại, chương trình OCOP đã giúp nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, chương trình đã tạo điều kiện để trang trại quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước, từ đó tăng đầu ra.

Hiện toàn huyện Tân Thạnh có 5 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm của trại nấm Thanh Nhàn. Mô hình trồng nấm sạch của trang trại Thanh Nhàn đã mở ra cơ hội phát triển ngành nghề mới, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân địa phương, góp phần duy trì, nâng cao các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.