Ông Đừng cho biết, huyện Phong Điền là vùng dâu nổi tiếng ở miền Tây, thấy người ta trồng dâu trúng lắm nên gia đình ông lên liếp lập vườn trồng 14 công dâu bòn bon. Những năm đầu trúng mùa bán có giá, có năm lời gần 200 triệu đồng. Nhưng dâu lại có thời gian thu hoạch ngắn, một năm cho trái một lần đến cao điểm giá xuống thấp bán không kịp, dâu rụng đầy vườn nhìn rất xót. Từ đó, ông suy nghĩ nên phải chuyển sang trồng loại cây khác vừa có đầu ra ổn định, và bán giá cao.
Ông Đừng bên vườn nhãn Idor
Trong một lần đi đám cưới ở Đồng Tháp, nghe người bạn giới thiệu về cây nhãn Idor cho năng suất cao, giá bán ổn định nên ông Đừng quyết tâm tìm hiểu loài cây ăn trái này qua sách báo, xem đài. Bên cạnh đó ông còn đi học hỏi trực tiếp các nhà vườn trồng nhãn ở các tỉnh ĐBSCL và liên hệ các nhà khoa học về nông nghiệp học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật. Rồi từ đó ông Đừng quyết định đốn 50% diện tích dâu đang sung sức để trồng nhãn Idor.
“Nhiều người nói tôi mạo hiểm vì dâu đang tốt lại đốn hết trồng nhãn. Tuy nhiên tôi chỉ thí điểm 50% diện tích, còn lại nếu có thất bại cũng còn phần vườn dâu sống qua ngày”, ông Đừng nói.
Lúc này, do nhãn còn nhỏ, để có thêm thu nhập, ông Đừng trồng xen đu đủ, chuối, ớt... Được cái, ông trồng gì cũng trúng nên các loại cây trồng xen đã giúp ông có nguồn thu nhập gần 160 triệu đồng mỗi năm và duy trì cho đến khi cây nhãn lớn có trái. Vụ nhãn đầu tiên ông lời trên 50 triệu, sau đó mỗi năm lời gần 200 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế quá cao nên ông quyết định đốn hết diện tích phần dâu còn lại để chuyển trồng nhãn luôn cho tới giờ.
Mỗi năm ông Đừng bán khoảng 4.000 nhánh nhãn giống Idor cho nông dân ĐBSCL
Ông Đừng cho biết, cây nhãn Idor sinh trưởng và phát triển nhanh, ít sâu bệnh, năng suất cao, đặc biệt là kháng được bệnh chổi rồng là yếu tố thành công của người trồng nhãn. Giống nhãn Idor hạt nhỏ, cơm dày và giòn, ít nước, độ ngọt vừa, chất lượng không thua nhãn tiêu da bò. Bình quân 1 cây trưởng thành 3 - 5 năm tuổi cho từ 200 - 300kg trái, chùm sai có thể cân nặng đến 3kg. Kể từ khi cho thu hoạch đến nay, vườn nhãn của ông Đừng chưa bao giờ thất mùa. Đặc biệt, ông còn nghiên cứu cách xử lý cho cây ra trái nghịch vụ để bán giá cao gấp 2 lần nhãn mùa thuận.
Theo ông Đừng, để cây nhãn phát triển tốt, ăn bền thì thu hoạch xong cần cắt tỉa cành già, cành thừa. Mùa nắng đóng bờ, đậy gốc, giữ độ ẩm, cách 3 ngày mới tưới nước một lần. Trong chăm sóc, ngoài phân bón cần chú ý theo dõi sức khỏe của cây để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh, đặc biệt là sử dụng phân, cách ly thời gian phun thuốc BVTV đến khi thu hoạch...
Ông Đừng chia sẻ kinh nghiệm, nhiều năm nay vườn nhãn cho năng suất tốt nhờ ông chọn các sản phẩm phân bón NPK bón gốc, phân phun lên lá và trái đều của Cty BM (CHLB Đức) để phục vụ vườn nhãn của nhà. Thông thường 1 cây nhãn trưởng thành để cho trái tốt cả vụ sử dụng 5 - 6kg phân NPK/cây đều sử dụng phân bón của Đức như Entec 20-10-10; Entec 24-8-7 và phân bón lá Avant Natur, Basforlia Kelp… Vì vậy vườn nhãn của ông Đừng luôn cho trái sai, đẹp thương lái vào tận vườn thu mua giá cao hơn vài trăm đồng so với các vườn nhãn trong xã.
Ông Đừng (giữa) đang giới thiệu nhãn giống
Bên cạnh đó, ngoài việc trồng bán nhãn trái ông Đừng còn làm thêm nghề chiết cành nhãn để bán cho nông dân. “Hiện giống nhãn Idor khan hiếm nên tôi tranh thủ chiết mỗi năm khoảng 4.000 nhánh bán cho nông dân khắp nơi ở ĐBSCL, vừa bán giống vừa hướng dẫn kỹ thuật. Bà con đem về trồng nếu có vấn đề gì cứ gọi điện thoại trực tiếp tôi sẽ tư vấn để cùng làm ăn”, ông Đừng nói thêm.
Hiện mỗi năm vườn nhãn và các loại cây trồng xen cùng cây cho gia đình ông Đừng có thu lãi gần 1 tỷ đồng. Ba năm liền ông Đừng được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố.
Ông Nguyễn Út Em, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phong Điền cho biết, huyện đang thành lập mở rộng vùng chuyên canh trái cây theo từng xã, đặc biệt xã Nhơn Nghĩa được quy hoạch mở rộng diện tích chuyên canh cây nhãn Idor và xây dựng thương hiệu giống nhãn để tiêu thụ trong siêu thị và xuất khẩu. Đến thời điểm này xã có hơn 150ha nhãn Idor đang phát triển tốt và 3,5ha nhãn Idor được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. |