Khu vườn 4.000m2 được anh Lê Quốc Đức (33 tuổi) xây dựng tại phường 8, TP Đà Lạt, Lâm Đồng với hình thức một nửa làm rau thủy canh, một nửa trồng dâu tây phục vụ du lịch canh nông.
Vườn được bao quanh bởi hệ thống nhà kính công nghệ cao và tổ chức chăm sóc theo quy trình hiện đại nên cây tươi tốt, năng suất cao.
Anh Đức thổ lộ, năm 2013, anh rời ghế giảng đường Đại học Đà Lạt với tấm bằng Thạc sĩ Lịch sử. Có bằng cấp học vị cao, anh nhanh chóng được tuyển dụng vào làm việc ở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng.
Sau thời gian làm việc tại đây, anh nhận ra niềm đam mê thực sự của bản thân là làm vườn nên đã bàn bạc với vợ và những người trong gia đình về kế hoạch nông gia.
Vừa bước đi giữa những luống rau thủy canh xanh tươi, anh Đức vừa thổ lộ: “Lúc đầu đề cập đến vấn đề nghỉ việc để làm vườn, những người thân trong gia đình và bạn bè đều có lời ngăn cản. Chỉ có vợ là người ủng hộ ý kiến”.
Cũng theo anh Đức, anh đến với nghề làm vườn là để thỏa chí đam mê và cũng mong muốn việc khởi nghiệp này mang lại nguồn thu nhập cao hơn mức lương mà anh đạt được ở cơ quan cũ.
Năm 2017, sau khi vay mượn bạn bè, người thân và kết hợp vốn vay ngân hàng được gần 1,5 tỷ đồng, vợ chồng Đức bắt tay vào xây dựng nhà kính công nghệ cao ở diện tích 4.000m2.
Trong không gian vườn, anh lắp đặt hệ thống giàn trên diện tích 2 sào để trồng rau thủy canh, còn lại canh tác các loại rau ăn lá khác và trồng dâu tây.
Đến nay, sau 3 năm làm vườn, anh không lo về vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Bình quân, mỗi ngày gia đình thu hoạch từ 100-150kg rau ăn lá các loại để chuyển cho đối tác. Trung bình, mỗi tháng thu về trên 100 triệu.
Theo anh Đức, mô hình rau thủy canh cho năng suất, chất lượng cao và lãi suất cũng rất cao. Để mô hình này đạt hiệu quả, người làm cần có trong tay một nguồn vốn lớn và quan trọng hơn là phải liên kết, tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Hệ thống nhà kính, giàn trồng rau, ống nước, máy bơm… đầu tư một lần là có thể khai thác liên tục trong nhiều năm.
Về vấn đề sâu, dịch bệnh ở cây trồng, người làm ít chịu rủi ro hơn so với rau truyền thống do môi trường nhà kính, dễ kiểm soát.
Ở khu vườn, anh Đức phân bổ 10 đường ống thành 1 giàn để đặt cây giống. Bên trong các đường ống, nước và phân bón được máy bơm lên liên tục, tạo thành vòng tuần hoàn, giúp cây hấp thụ dưỡng chất. Để tránh dịch bệnh, cứ 7-10 ngày, chủ vườn tổ chức thay nguồn nước và áp dụng công thức chăm bón mới.
Đặt giá thể xơ dừa có cây xà lách 2 lá mầm vào giàn thủy canh, anh Đức cho hay, cây trồng sẽ phát triển đều và cho thu hoạch sau 30 ngày.
“Mỗi giàn, tôi trồng được 450 cây xà lách và đến ngày thu hoạch, mỗi cây sẽ đạt trọng lượng từ 0,3-0,5kg. Trong vườn có hàng chục giàn nên có thể gối để thu hoạch liên tục”, anh Lê Quốc Đức thổ lộ.
Chủ vườn cho biết thêm, dịch bệnh phổ biến ở rau thủy canh là nhiễm khuẩn hoặc cây yếu, chết do sốc nhiệt. Trong đó, dịch bệnh, nhiễm khuẩn có thể kiểm soát bằng cách sử dụng các loại giống kháng khuẩn, chất lượng cao. Còn vấn đề sốc nhiệt, tức nhiệt độ thay đổi đột ngột giữa ngày và đêm hoặc các giờ trong ngày thì có thể theo dõi để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.
Hiện nay, nguồn rau xà lách thủy canh của gia đình anh Lê Quốc Đức được tiêu thụ đều đặn bởi các hệ thống siêu thị ở TP Đà Lạt, TP HCM, Cam Ranh (Khánh Hòa) với mức giá 30.000 đồng/kg. Khu vườn 4.000m2 kết hợp rau thủy canh và trồng dâu tây phục vụ tham quan du lịch, mỗi năm gia đình anh Đức thu về hàng tỷ đồng.