Giá trị tăng gấp 2 - 3 lần
Trồng rừng thực sự đã trở thành phong trào ở Bắc Kạn trong những gần đây, người dân thay đổi tư duy canh tác, chú trọng tới trồng rừng do nhận thấy được hiệu quả cao về kinh tế. Điều đó được thể hiện rất rõ nét, như giai đoạn 2005-2015, người dân đầu tư vào trồng rừng chưa nhiều, một số người trồng theo dự án cũng chỉ trồng được vài ba ha là nhiều và hầu hết là các loại cây được trồng có chu kỳ ngắn như keo, mỡ. Nay, người dân thi nhau trồng rừng, chuyện có những hộ dân trồng 20 - 30ha rừng đã trở nên phổ biến, nhà nào có đất đồi là có trồng cây.
Từ năm 2016, Bắc Kạn đã bắt đầu tiến hành chuyển dần từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, đến nay đã có hơn 5.000ha rừng được đăng ký. Để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ lãi suất vốn vay từ các tổ chức tín dụng để trồng cây gỗ lớn, hỗ trợ chi phí nhân công bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng rừng từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn. Những loại cây gỗ lớn được trồng nhiều là thông, lát, trám, quế.
Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn tập trung hướng dẫn người dân trồng và quản lý rừng tiêu chuẩn để được cấp giấy chứng nhận quản lý FSC. Trồng rừng theo phương pháp này, giá gỗ nguyên liệu cao hơn từ 25 - 35% so với giá gỗ cùng loại, sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước châu Âu. Ðến nay, Bắc Kạn đã có hơn 900ha được cấp chứng nhận rừng FSC.
Để có được những điều này, ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Đi kèm với các nguồn ngân sách TW hỗ trợ, chúng tôi có các dự án như Unredd và KVF đưa vào giúp đỡ hỗ trợ tập huấn cho người dân để được tiếp cận với các nguồn của dự án. Dự án đặt mục tiêu sau 5 năm trồng mới được 32.000ha và đặc biệt là 10.000ha rừng cây gỗ lớn".
Bắc Kạn đầu tư gần 3 triệu Euro thực hiện dự án KFW8, giúp người dân cải tạo rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, bước đầu đã trồng thực hiện được gần 1.000ha. Hiệu quả cụ thể như sau, mỗi ha keo tăng giá trị kinh tế gấp từ 2,5 - 3 lần, cây thông tăng giá trị gấp từ 2 - 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ như trước kia. Gỗ có chất lượng cao là nguyên liệu quan trọng để Bắc Kạn phát triển công nghiệp chế biến lâm sản hướng đến xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Mỹ.
Nâng cao chất lượng vườn ươm và nghiên cứu lâm sinh
Để chất lượng và diện tích trồng rừng được nâng cao như hiện nay, trước đó ưu tiên của tỉnh Bắc Kạn là phát triển hệ thống vườn ươm. Đầu tiên là các vườn ươm do Nhà nước đầu tư, sau đó là khuyến khích việc xã hội hóa hệ thống vườn ươm rộng khắp. Thực hiện theo phương châm, ươm cây gần nhất với chân lô để thuận tiện, tiết giảm chi phí vận chuyển cây giống, cung cấp cây giống bảo đảm chất lượng.
Các vườn ươm đều có cán bộ kỹ thuật hoặc người từng được đào tạo kiến thức hướng dẫn thực hiện, thậm chí có thể chính là người trực tiếp thực hiện việc cấy giống. Công tác quản lý giống theo chuỗi hành trình từ khâu công nhận giống, nguồn gốc giống, vật liệu nhân giống, cho đến cây con trồng rừng cơ bản được quản lý chặt chẽ.
Theo báo cáo từ Sở NN-PTNT Bắc Kạn, từ năm 2016 - 2020, hệ thống các vườn ươm đã cung cấp cây giống các loại ra thị trường có năm đạt đến hơn 26 triệu cây. Tuy nhiên số lượng cây giống được sản xuất hàng năm phải phù hợp với kế hoạch trồng rừng của tỉnh. Bắc Kạn cũng chỉ đạo lựa chọn trồng các loài cây phù hợp từng địa phương, thổ nhưỡng của từng vùng để sản xuất giống tốt, trồng cây hiệu quả ngay từ đầu.
Một số loài cây có giá trị cao được lựa chọn rất kỹ để phù hợp với từng loại rừng riêng biệt. Như: rừng phòng hộ trồng hỗn giao cây tầng cao và cây tầng trung, lựa chọn các giống cây mỡ, thông, lát, trám ghép…; rừng sản xuất thì trồng cây mỡ, keo, thông, sa mộc, lát, tông dù, hồi, quế, bồ đề, xoan ta,…
Tỉnh Bắc Kạn đã quyết liệt chỉ đạo chuyển rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, đến nay kết quả đã nghiên cứu cải tạo chuyển đổi khoảng 5.000ha diện tích rừng trồng cây dưới 8 năm kéo dài chu kỳ trên 12 năm. Để thuận lợi hỗ trợ người dân có nguồn kinh phí thực hiện, thì tỉnh Bắc Kạn triển khai các chính sách hỗ trợ vốn vay từ các tổ chức tín dụng, mức hỗ trợ lãi suất thấp.
Ngoài ra, Bắc Kạn còn hỗ trợ chi phí nhân công bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng rừng từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn, mức hỗ trợ 0,5 triệu đồng/ha mỗi năm, thời gian lên đến 5 năm.
Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng, người dân được hỗ trợ chi phí 1 năm trồng, 3 năm chăm sóc là 30 triệu đồng/hecta. Riêng với những huyện nghèo 30a, việc trồng, chăm sóc rừng sản xuất được hỗ trợ gần 12 triệu đồng/hecta. Còn các huyện ngoài chương trình 30a thì mực hỗ trợ thấp hơn là 9 triệu đồng/ha với rừng gỗ lớn, 6 triệu đồng/ha với rừng gỗ nhỏ. Trồng cây phân tán cũng được hỗ trợ, nhưng không quá 5 triệu đồng/ha.
Nhờ vậy, giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh Bắc Kạn trồng được khoảng 7.000ha, đạt hơn 104% so với mục tiêu đề ra, riêng rừng gỗ lớn trồng được hơn 17.600ha. Vì vậy mà tỷ lệ che phủ rừng của Bắc Kạn cũng đã đạt tới 72,9%, cao nhất cả nước.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Bắc Kạn, chất lượng rừng trồng của tỉnh đã nâng lên gấp 1,5 lần. Việc cây rừng trồng được chăm sóc kỹ, được bón phân không còn là chuyện lạ nữa, vào khoảng 50%.
Chất lượng của tỉnh Bắc Kạn ngày càng được nâng cao, được thể hiện ở chỗ đã có những doanh nghiệp sản xuất gỗ có uy tín trong nước và nước ngoài đến đầu tư sản xuất chế biến. Điển hình như Công ty Lee Chen Wood, Công ty CP Đầu tư Govina đã đặt những nhà máy quy mô lớn tại Khu công nghiệp Thanh Bình, tỉnh Bắc Kạn để sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Đông Á,…