| Hotline: 0983.970.780

Trồng thử thanh long vỏ vàng

Thứ Hai 18/05/2020 , 06:01 (GMT+7)

Thanh long vỏ vàng là trái đặc sản mới có nguồn gốc nước ngoài, giá trị kinh tế cao. Giống được một nông dân tại Long An trồng thử nghiệm thành công.

Mô hình thanh long tổ yến của anh Nguyễn Duy Khang ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình thanh long tổ yến của anh Nguyễn Duy Khang ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Long An là thủ phủ thanh long của miền Tây với gần 12.000 ha. Nơi đây, đa số bà con nông dân trồng sau hoặc cải tạo vườn thì đã chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ vì giá bán luôn cao hơn thanh long ruột trắng. Nhờ thanh long, những người trồng đều xây dựng được nhà cửa khang trang.

Gần đây, tại ĐBSCL, bà con nông dân đã trồng thêm một số loại thanh long mới có vỏ màu vàng, ruột trắng rất đẹp mắt và giá trị kinh tế khá cao.

Trong dịp đến thủ phủ thanh long lần này, tôi được bạn bè giới thiệu tìm đến vườn thanh long vỏ vàng đặc sản của anh Nguyễn Duy Khang (25 tuổi) ở xã Dương Xuân Hội, tận mắt chiêm ngưỡng loại trái cây rất đẹp mắt này.

Khang cho biết giống thanh long này anh mua từ một đơn vị chuyên nhập khẩu cây giống uy tín trên thị trường. Người dân thường hay gọi là thanh long tổ yến, thanh long vàng. Được biết nguồn gốc thực sự của nó là Ecuador, một quốc gia ở Trung Mỹ. Tại Trung Mỹ, người ta gọi là quả kỳ lân. Đến Trung Quốc thì được đặt lại là thanh long tổ yến. Tại Việt Nam, được gọi thanh long vàng.

Thanh niên 9X này đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 3 công thanh long đỏ sang thanh long vàng. Ảnh: Minh Đảm.

Thanh niên 9X này đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 3 công thanh long đỏ sang thanh long vàng. Ảnh: Minh Đảm.

Thanh long tổ yến chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cao.

Theo một nghiên cứu phân tích, trong 100 gram thanh long vàng có chứa 268 calo, 82% carbohydrate, 4% protein, cung cấp 11% giá trị vitamin C và canxi.

Theo đông y, thanh long nói chung và thanh long vàng nói riêng chứa nhiều chất xơ, nước nên rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp phòng ngừa táo bón.

Thân cây có nhiều gai hơn so với các loại thanh long khác. Khi trái chưa chín, vỏ có màu xanh, trên vỏ có rất nhiều gai nhọn rất dễ phân biệt so với các loại thanh long thường.

Khi trái chín, gai nhọn trên quả rụng đi hết. Trọng lượng trái đạt khoảng 250 gram. Ăn có vị ngọt thanh, không ngán. Do có mùi vị gần giống như tổ yến nên được đặt tên là thanh long tổ yến.

Hiện nay, tại ĐBSCL vẫn chưa có nhiều người trồng loại thanh long này.

Vườn thanh long tổ yến của anh Khang được xem như một loại thanh long đặc sản.

Có thông tin thanh long tổ yến được các siêu thị nhập khẩu về bán với giá gần 700.000 đồng/kg, giá trị rất cao, gấp 20 lần các giống thanh long trồng phổ biến ở Việt Nam.

Nói về cơ duyên chọn trồng loại thanh long này, anh Khang tâm sự: “Nhà tôi trước giờ trồng thanh long đã mười mấy năm rồi. Tình cờ được một người quen cho ăn thử trái thanh long tổ yến. Ăn thấy rất ngon.

Tôi tìm hiểu thông tin tại ĐBSCL chưa có ai trồng loại thanh long này nên quyết định nhập giống về trồng”.

Thanh long tổ yến khi chưa chín có màu xanh, nhiều gai nhọn. Ảnh: Minh Đảm.

Thanh long tổ yến khi chưa chín có màu xanh, nhiều gai nhọn. Ảnh: Minh Đảm.

Cách đây hơn hai năm, Khang quyết định trồng hơn 100 cây thanh long vàng. Sau đợt trái thứ nhất, thấy cây có thể cho trái, phù hợp với khí hậu của địa phương nên anh quyết định đầu tư giàn, hệ thống tưới tự động, trồng thêm hơn 400 hom giống nữa.

Hiện lứa cây đầu tiên đã cho hai đợt trái. Gia đình rất phấn khởi. Anh Khang chia sẻ: “Thanh long vàng Ecuador này sinh trưởng dài ngày hơn, trái lâu chín hơn giống thanh long ruột đỏ hay ruột trắng.

Cụ thể thanh long ruột đỏ, từ lúc ra bông đến chín khoảng hai tháng thì thanh long vàng khoảng 100 ngày mới chín. Thời gian sinh trưởng, nếu như thanh long ruột trắng trồng 15 tháng mới có thu hoạch thì phải mất thêm 5 tháng nữa thanh long vàng mới cho thu.

Nếu trồng trụ một công có thể trồng được từ 130 - 140 trụ. Còn như trồng leo giàn thì có thể tương đương 200 trụ. Mỗi trụ như vậy đặt 4 hom là vừa”.

Khi trái chín các gai nhọn rụng hết. Ảnh: Minh Đảm.

Khi trái chín các gai nhọn rụng hết. Ảnh: Minh Đảm.

Được biết, thanh long tổ yến cho năng suất tương đương thanh long ruột đỏ. “Bây giờ cây còn tơ thì một gốc mình lấy 5-6 trái để làm chuẩn trước. Sau này một gốc mình lấy khoảng từ 7-10 kg là đạt rồi. Vừa qua tôi để nó phát triển tự nhiên, xử lý phân thuốc không nhiều, bón phân hữu cơ là chính”, anh Khang cho biết.

Tại kho vật tư của anh Khang có rất nhiều bao phân hữu cơ. Theo anh, đây là những bao phân nhập khẩu từ Nhật Bản. Anh cho biết, thanh long tổ yến có giá trị cao nhưng cũng hơi khó trồng. Để bán được giá cao, các siêu thị yêu cầu sản phẩm sạch, hữu cơ.

Không nên trồng diện tích lớn

Tiến sỹ Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết: “Thanh long vàng có bộ nhiễm sắc thể tứ bội (4n), khác thanh long đang được trồng phổ biến (2n).

Loại thanh long này Viện có trồng để đánh giá thử, thấy chất lượng rất ngon. Ăn có vị ngọt thanh dễ chịu như đường phèn, ít ngán. Ví dụ như xoài có độ brix 22 là ngọt khác rồi nhưng quả này độ brix 22 vẫn không bị gắt.

Tuy nhiên, thấy cây dễ mắc bệnh đốm nâu hơn các loại thanh long của Việt Nam. Ở cùng một điều kiện bảo vệ thì thấy thanh long này dễ mắc bệnh hơn các loại thanh long khác. Vì vậy, đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao. Chi phí xử lý bệnh sẽ nặng nề hơn. Khó trồng nên không khuyến cáo trồng diện tích lớn".

Nên trồng khoảng 1.300 trụ/ha, tạo rãnh thoát nước tránh ngập úng. Ảnh: Minh Đảm.

Nên trồng khoảng 1.300 trụ/ha, tạo rãnh thoát nước tránh ngập úng. Ảnh: Minh Đảm.

Chia sẻ thêm về quá trình canh tác thanh long tổ yến, anh Khang chi biết: “Tôi cũng có nhờ các anh em vô cho mình VietGAP 500 trụ này rồi.

Từ lúc quyết định trồng thanh long vàng tôi đã nghĩ đến trồng theo hướng hữu cơ, để cây phát triển tự nhiên, hạn chế can thiệp thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều.

Nếu buộc phải sử dụng thuốc tôi cũng lựa chọn những sản phẩm sinh học để sản phẩm an toàn hơn. Đối với những nhánh bệnh thì mình sẽ cắt bỏ bớt chứ không can thiệp nhiều”.

Thanh long tổ yến có nhiều dinh dưỡng, giá trị rất cao. Ảnh: Minh Đảm.

Thanh long tổ yến có nhiều dinh dưỡng, giá trị rất cao. Ảnh: Minh Đảm.

Cách trồng và chăm sóc thanh long tổ yến

Để trồng thanh long tổ yến, nhà vườn có thể mua hạt về ươm cây giống hoặc mua hom giống về trồng. Hiện mỗi hom giống có giá khoảng 120.000 đồng, tùy nhà cung cấp.

Thanh long tổ yến phù hợp trồng ở mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, sẽ thuận tiện hơn nếu nhà nông trồng từ tháng 10 – 11 dương lịch. Khoảng cách, mật độ phù hợp nhất nếu trồng kinh tế, khoảng 1.300 trụ/ha, 3m x 3m.

Thanh long tổ yến không kén đất nhưng cây thích nơi cao ráo không ngập úng cho nên nhà nông cần tạo đường rãnh thoát nước tốt đề phòng trời mưa, ngập úng. Nếu đất chai nghèo dinh dưỡng, khi trồng nên trộn thêm phân trùn quế, phân chuồng đã ủ hoai mục.

Cây trồng khoảng 2 năm sẽ ra hoa tự nhiên, trưởng thành đạt 50 - 52 trái. Trong quá trình canh tác, cây thường bị các loại sâu hại như: Bọ xít, ruồi vàng, kiến rất ưa chích quả long, nhà nông cần đề phòng để quả được đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp. Thanh long tổ yến rất dễ nhiễm bệnh thối đầu cành và đốm nâu trên cành nên cần chú ý và cắt tỉa thường xuyên, vệ sinh vườn sạch sẽ, thoáng đãng.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.