| Hotline: 0983.970.780

Tròng trành chở chữ trên dòng Ayun

Thứ Ba 30/11/2010 , 10:11 (GMT+7)

Chỉ cách dòng sông Ayun, nhưng sự học của con em đồng bào dân tộc J’rai và BaNar ở làng Kpáih xem ra vẫn cứ tròng trành như những chuyến đò ngang.

Chỉ cách dòng sông Ayun, nhưng sự học của con em đồng bào dân tộc J’rai và BaNar ở làng Kpáih (thuộc xã vùng ba Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), xem ra vẫn cứ tròng trành như những chuyến đò ngang qua lại trên dòng sông này.  

LÀNG NGHÈO CỦA XÃ NGHÈO 

Sau nhiều lần lỗi hẹn, hôm nay chúng tôi mới có mặt ở bến đò Ayun, nơi từ xã Ayun sang làng Kpáih. Gọi là “bến đò” cho oai chứ thực ra từ trước đến nay, ở đây chỉ có mỗi một mảng bè được ghép bằng những cây tre, do dân làng tự làm để phục vụ việc đi lại từ làng ra xã, lên huyện của dân làng, của con em đi học.

Tròng trành những chuyến đò ngang

Đang là cao điểm của mùa mưa Tây Nguyên nhưng năm nay, ở đây hầu như không có khái niệm mưa (chỉ có mấy trận “ăn theo” những cơn bão xa hoặc những đợt áp thấp nhiệt đới). Phạm Ngọc Tuấn, nhân viên Văn phòng của Uỷ ban xã Ayun, người đưa chúng tôi sang làng Kpáih, cho biết: “Năm nay ít mưa nên sông ít nước chứ mọi năm mưa lớn, nước sông dâng cao, mặt sông rộng đến hơn trăm mét đấy”. Chiếc bè được ghép với khoảng năm mươi cây tre, chở trên nó gần mười người, lừ lừ tiến ra giữa dòng sông. Tuy nước sông không lớn, không chảy xiết, nhưng dòng sông đục ngầu do vài trận mưa từ thượng nguồn đổ về (mà hầu như quanh năm, sông Ayun đều nặng trĩu phù sa), lừ đừ chảy, ẩn chứa bao rình rập, nguy hiểm dưới lòng sông.

Ra khỏi bờ khoảng vài mét thì mảng bè đã gần như chìm hẳn dưới mặt nước, nước ngập lên chân, ngập đến hết đôi giày. Chống đò là một người đàn ông BaNar tên Đinh Nớp, khoảng trên 35 tuổi, cho biết: “Hôm nay toàn người lớn nên chở ít đấy, mọi hôm chở học sinh nên mỗi chuyến không dưới mười đứa, đứa nào cũng muốn sang sông sớm để đi học”. Chừng này người mà mảng bè đã gần như chìm hẳn dưới mặt nước, nhiều hơn nữa thì… Đinh Nớp nói tiếp: “Hôm nay người chống bè bị ốm, trong làng không còn ai nên tôi phải chống thay, tôi không biết chống bè đâu đấy”. Ai cũng biết Đinh Nớp chỉ nói vui để doạ mọi người, nhưng không vì thế mà nỗi sợ giảm đi.

Cuối cùng, mảng bè cũng đến được bên kia bờ Ayun. Từ bờ sông vào đến làng là những ruộng lúa, ruộng ngô, đậu đỗ xanh tốt. Cũng cùng một xã, nhưng bên kia sông, ở trung tâm xã và các làng khác, đất không được phì nhiêu như bên này. Chỉ tiếc rằng bà con bên này vẫn còn canh tác theo lối truyền thống nên hiệu quả chưa cao.

Làng Kpáih có 51 hộ với 242 nhân khẩu là người BaNar và J’rai. Cả làng hiện có trên 300 ha đất đang  canh tác, trong đó có khoảng 10 ha điều và trên 100 ha cây trồng hàng năm (gồm lúa, sắn, ngô, đậu đỗ các loại…). Đất rộng lại màu mỡ nhưng người dân nơi đây vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo, hiện cả làng vẫn còn /51 hộ thuộc diện nghèo. Theo anh Tuấn thì, người dân nơi đây vẫn còn nghèo là do đồng bào chưa biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, mặc dù cán bộ khuyến nông xã, huyện và các ngành vẫn thường xuyên về hướng dẫn, giúp đỡ bà con.

Bây giờ đã gần mười giờ trưa, hầu như cầu thang của tất cả những ngôi nhà sàn trong làng đều đã úp lại, đồng bào đã lên rẫy hoặc ra ruộng, trong làng chỉ còn lũ trẻ con. Người lớn mà chúng tôi gặp trong làng vào giờ này, chỉ có hai người. Đinh Rươi, một phụ nữ BaNar khoảng ba mươi tuổi, đang ôm đứa con gái ba tháng tuổi, trần truồng sưởi nắng trước nhà. Chị bập bẹ nói tiếng phổ thông rằng, hôm nay ở nhà do con gái bị sốt và đau bụng. Hỏi sao chị không đưa cháu đi khám bệnh? “Mình không có tiền”. “Nhưng cháu có thẻ khám bệnh mà?”. “Trưởng thôn chưa làm kịp”, chị nói. Anh Tuấn tâm sự: “Chỉ cần một cây cầu treo bắc qua sông thôi, đảm bảo với anh rằng làng Kpáih sẽ đổi thay rõ rệt đấy”. 

Đinh Rươi “hạ sốt” cho con gái 3 tháng tuổi bằng cách… sưởi nắng

CẦN MỘT CÂY CẦU

Chúng tôi tìm đến điểm trường thuộc làng Kpáih. Trường chỉ có hai phòng học. Một phòng dành cho các cháu mẫu giáo. Cô Cái Thị Thanh Thuỷ đang dạy hát cho các cháu mẫu giáo trong phòng. Cô Thuỷ vừa tốt nghiệp khoa Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, được phân công về dạy ở đây. Nhà ở tận huyện Đăk Đoa nên sáng sớm, cô phải đi xe máy đến xã Ayun, gửi xe bên kia sông, đi đò sang sông để vào làng dạy học, buổi chiều là hành trình ngược lại. Phòng kế bên là lớp ghép của lớp một và lớp hai: Hai dãy bàn quay ngược với nhau, mỗi đầu phòng treo một cái bảng, một mình thầy K’sor Tư phụ trách hai lớp này (buổi chiều thầy dạy lớp ba).

Thầy K’sor Tư nhà ở mãi tận huyện Phú Thiện (cách gần 90 cây số) nên mỗi tuần thầy về thăm nhà một lần. Dạy ở đây đã bảy năm, lại là người J’rai, và gần như ở hẳn với làng nên thầy Tư nắm rõ hoàn cảnh từng nhà, từng em học sinh của mình. Thầy cho biết: “Các em rất chịu khó đi học, chỉ hôm nào ốm đau hoặc trong làng có lễ hội gì, các em mới nghỉ học. Tiếc rằng đời sống còn khó khăn nên ngoài giờ học, các em phải tranh thủ giúp bố mẹ công việc ruộng rẫy, do vậy đòi hỏi chất lượng học tập của các em thì quả thật là rất khó”.

Thầy K’sor Tư uốn từng nét chữ cho học trò vùng sâu

Làng Kpáih có 40 học sinh đang học tại làng, gồm 13 cháu mầm non, còn lại là 3 lớp một, hai và lớp ba. Lớp bốn và lớp năm có 20 em thì học bán trú tại Trường Tiểu học Lê Lợi ở trung tâm xã; 10 em đang học cấp hai cũng tại xã. Khó nhất là 30 em học sinh này bởi hàng ngày, các em phải hai lần đi và về trên chiếc mảng tre tròng trành trên dòng Ayun - mùa nắng cũng như mùa mưa. Tất nhiên, những hôm nước lũ thì các em đành phải nghỉ học. Chính những trận lũ Tây Nguyên trên dòng Ayun này đã cản trở rất nhiều trong việc học tập của con em trong làng. Tính đến thời điểm này, cả làng mới chỉ có ba người tốt nghiệp trung học cơ sở, hiện đang là cán bộ xã. Còn lại, phần vì cuộc sống khó khăn, phần vì cách trở đò giang mà đành phải nghỉ học sớm.

Người lớn thứ hai mà chúng tôi gặp ở làng lúc này là K’sor Linh, một người đàn ông J’rai độ 50 tuổi. Ông đang ngồi chẻ tre, vót nan dưới bóng mát của một cây cổ thụ giữa làng. Ông cho biết, ông là người chèo đò chính trong làng này để đưa mọi người qua sông (hoá ra, điều mà Đinh Nớp nói lúc nãy là sự thật, anh không phải là người chèo đò chuyên nghiệp). Hôm nay ông ốm nên để Đinh Nớp chèo đò thay ông.

Tuy nhiên hiện tại thì, chiếc mảng tre vẫn hàng chục chuyến mỗi ngày, đưa người lớn và trẻ em, tròng trành trên dòng nước Ayun.
Ông Linh kể: Có hôm, ông chèo đò đón các cháu đi học ở xã về, khi cập vào bờ bên này thì chiếc mảng tre tròng trành dữ dội do các cháu tranh nhau lên bờ. Một bé gái đánh rơi chiếc cặp sách xuống dòng sông. Đưa các cháu lên bờ an toàn, ông chạy xuôi theo bờ sông, lao ra dòng nước để vớt chiếc cặp. Ông còn nhớ, cô gái cầm chiếc cặp sách do ông trao lại mà khóc oà. Cô hong khô từng trang vở bên bờ sông, lí nhí cảm ơn người đã không quản hiểm nguy, lao ra giữa dòng nước xiết, vớt lại từng con chữ quý báu cho mình.

Quá trưa, chúng tôi về huyện Chư Sê. Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Văn Lành tiếp chúng tôi. Mới đây (ngay cả từ trước đó, khi còn giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện), ông đã cùng đoàn công tác về làng Kpáih để nắm tình hình dân làng. Đã có ý định chuyển người dân làng Kpáih sang định cư ở bên này sông, tuy nhiên điều này - theo ông Lành là không khả thi bởi nhiều lý do. Trước tiên, người dân làng Kpáih đã sống ở đây từ nhiều đời nay nên không thể dễ dàng bỏ làng, bỏ mồ mả tổ tiên mà đi được. Hơn nữa, làng Kpáih là vùng đất rộng rãi và màu mỡ, cả xã Ayun này kiếm đâu ra một vùng đất canh tác tốt như vậy.

Nếu đồng bào sang định cư bên này thì hàng ngày, vẫn phải qua sông để sản xuất, vẫn phải đối mặt với dòng nước dữ. Phương án khả thi nhất mà huyện đã làm, đó là xin một cây cầu treo bắc qua sông. Chỉ cần một cây cầu thì mới rút ngắn khoảng cách giữa làng Kpáih với xã Ayun, với huyện Chư Sê. Chỉ có như vậy thì mới hết cảnh phải lao mình ra giữa dòng nước dữ để "vớt” lên từng con chữ quý giá.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm