| Hotline: 0983.970.780

Trồng xen mắc ca, lối thoát cho cây cà phê thời "hết vàng son"

Thứ Năm 04/02/2021 , 11:26 (GMT+7)

Không ít người trồng cà phê hiện nay rơi vào cảnh khốn khó. Tuy nhiên, vẫn có những hộ bình thản vượt qua giai đoạn khó khăn này nhờ trồng xen mắc ca.

Tìm lối đi thế nào cho cây cà phê ở Tây Nguyên hiện nay đang là vấn đề cấp bách, cần nghiêm túc xem xét. Bởi cà phê nói riêng và một số cây công nghiệp nói chung, hiện nay có thể nói đang đứng trước giai đoạn "hết thời vàng son".

Hiện nay ở ta, không chỉ có cây cà phê mà cây mía cũng đang trong tình trạng rất khó khăn. Ngoài ra, còn một số cây khác nếu cứ sản xuất không theo kế hoạch hoặc không nghiên cứu kỹ thị trường thì rất dễ rơi vào tình trạng mất giá hoặc ế ẩm.

Ngay với cây lâm nghiệp, chúng ta cứ trồng keo và bạch đàn theo cách cũ, sau vài năm lại chặt trụi thì thu nhập của người dân cũng chẳng được là bao, mà rừng thì lại phải trồng lại từ đầu. Chúng ta cũng cần đặt câu hỏi, vì sao sao lâm nghiệp lại chỉ trồng có keo với bạch đàn?

Vậy làm sao để đời sống bà con ở vùng núi có thể vươn lên được, mà rừng vẫn luôn luôn xanh tốt?

Đảng và Chính phủ rất quan tâm tới những vùng đất này. Đa phần bà con ở đây là đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ chính là đối tượng mà Nhà nước đang giành những chương trình lớn để vực dậy đời sống. Thậm chí chúng ta còn có thể tham vọng sẽ chuyển đổi mạnh mẽ các đối tượng sản xuất cho vùng này.

Mô hình trồng mắc ca xen cà phê đã giúp nhiều người dân ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) thoát khỏi khó khăn do giá cà phê ở mức thấp kéo dài. Ảnh: Minh Hậu

Mô hình trồng mắc ca xen cà phê đã giúp nhiều người dân ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) thoát khỏi khó khăn do giá cà phê ở mức thấp kéo dài. Ảnh: Minh Hậu

Nếu làm tốt, miền núi có nhiều tiềm năng vượt cả miền xuôi. Sẽ đến lúc, chúng ta có thể biến khẩu hiệu “Miền núi tiến kịp miền xuôi” thành khẩu hiệu “Miền xuôi đuổi kịp miền núi!” Trong thực tế, đã có nhiều cách làm xây dựng được một số mô hình như thế.

Trước đây ở Tây Nguyên, các loại cây công nghiệp như cà phê, ca cao, chè, hồ tiêu, cao su, mía, dâu tằm… đã làm rạng danh cho vùng đất này. Chúng làm biến đổi hẳn bộ mặt Tây Nguyên. Dân giàu lên nhờ các loại cây đó. Bà con từ khắp nơi đổ dồn vào Tây Nguyên. Những cánh rừng ngút ngàn ở đây cũng dần dần mất đi để nhường chỗ cho các loại cây công nghiệp.

Còn nhớ năm 1979, khi chúng tôi đi cùng đoàn với GS.TS Phan Phải vào giúp cho Tây Nguyên thì rừng ở đây vẫn còn ngút ngàn. Xe trước, xe sau đi không nhìn thấy nhau. Rừng âm u, dày đặc. Nay thì khác hẳn! Đồi núi toàn cà phê với chè.

Ta có thể nhìn bát ngát tới tận chân trời. Rất ít nơi còn rừng như xưa. Vùng trồng cà phê được mở rộng. Đã có lúc ta đứng thứ nhì thế giới về sản lượng cà phê (tuy ta chỉ chiếm 5%, còn Braxin là 90%).

Đến nay, do nhiều nguyên nhân, giá cà phê không cao được như trước, một số bà con trồng cà phê đang rơi vào cảnh khốn khó, nhiều nhà nợ nần chồng chất. Tuy nhiên, vẫn có những gia đình vững và bình thản vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đó là những cơ sở đã tổ chức trồng xen một số cây cho hiệu quả cao trong vườn cà phê như: bơ, sầu riêng và đặc biệt là mắc ca. Dù cà phê có thất thu hoặc cho thu nhập thấp thì các loại cây kia vẫn giúp cho bà con có được nguồn thu tốt, có hộ vẫn thu nhập rất tốt.

Chúng tôi đã tới thăm hàng chục gia đình trồng xen mắc ca với cà phê. Riêng ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã có nhiều gia đình làm sớm trong việc này. Đối với họ, giá cà phê lên, xuống không có ảnh hưởng gì vì thu nhập từ mắc ca mới là nguồn thu chính.

Cà phê trồng xen mắc ca đang được nhiều hộ trồng cà phê áp dụng tại huyện Di Linh (Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu

Cà phê trồng xen mắc ca đang được nhiều hộ trồng cà phê áp dụng tại huyện Di Linh (Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu

Ai đã tới thăm vườn của ông Hòa, ông Sơn ở xã Tân Hòa (Lâm Hà) thì mới thấy được hiệu quả tuyệt vời của mô hình xen mắc ca với cà phê. Nhờ việc trồng xen này mà họ có nguồn thu nhập cao, đã xây nhà đẹp như biệt thự ở thành phố và ai cũng mua được ô tô…

Việc trồng xen mắc ca trong vườn cà phê sẽ giúp nhiều cái lợi. Thứ nhất là không phải lo tìm đất. Cây mắc ca được trồng xen ngay trong vườn cà phê. Mỗi héc ta có thể trồng xen từ 150-200 cây mắc ca. Ở Trung Quốc, chúng tôi thấy họ còn xen dày hơn.

Thứ hai, cà phê là cây ưa tán. Có tán mắc ca che cho thì cà phê sẽ mọc tốt hơn, năng suất cao hơn. Thứ ba, hai loại cây này không có chung sâu bệnh. Vì vậy, nó hạn chế rất nhiều việc lây lan bệnh tật cho nhau. Thứ tư, cùng trên một diện tích, ta vừa được thu cà phê lại được thu cả mắc ca (mà mắc ca có thể thu gấp bội cà phê. 

Mắc ca còn giúp ích rất tốt trong công tác phòng hộ. Chúng tôi đã tới thăm nhiều vùng trồng mắc ca tại Úc. Mắc ca ở đây mọc thành rừng. Có những rừng mắc ca đã được 60 tuổi, tạo ra mô hình lâm nghiệp tuyệt vời.

Rừng mắc ca vừa làm nhiệm vụ giữ cho môi trường (vì có thể phủ xanh liên tục tới cả trăm năm), lại vừa cho người dân có thu hoạch quả hằng năm (thu hoạch có nơi còn cao hơn cả cây nông nghiệp). Do đó, việc phát triển cây mắc ca có rất nhiều ý nghĩa.

Ở tỉnh Điện Biên, Công ty Vinamacca Điện Biên hiện đã trồng được hơn 2.000ha mắc ca trên những vùng đồi núi trọc mà lâu nay vẫn để hoang hóa (ở huyện Tuần Giáo). Cây lên rất đẹp. Đó sẽ là một cánh rừng vĩnh cửu, hằng năm lại đưa tới nguồn thu rất lớn.

Mắc ca trồng xen hoặc trồng thuần đều rất tốt! Hi vọng những vùng đang trồng cà phê, bà con đừng nghĩ tới việc nhổ bỏ cây cà phê mà hãy xen cây mắc ca vào.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.