| Hotline: 0983.970.780

Trồng xương rồng Nopal vùng khô hạn

Thứ Sáu 10/06/2011 , 10:56 (GMT+7)

Ngoài chức năng là một loại rau thực phẩm, xương rồng Nopal còn được dùng điều chế một số thuốc biệt dược, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường...

Xương rồng Nopal (nõpalli nghĩa là miếng đệm) còn gọi là xương rồng tai thỏ, thuộc họ Opuntia, là loại xương rồng ăn được, mọc tự nhiên rất nhiều trong các sa mạc tây bắc Mexico và tây nam Hoa Kỳ.

Đã từ lâu đời, cư dân địa phương dùng xương rồng Nopal để chăn nuôi, làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh… vì thế cây xương rồng Nopal cũng là một nét biểu trưng văn hoá, một logo của miền viễn Tây châu Mỹ.

1. Giá trị dinh dưỡng

Hầu như tất cả các loại xương rồng đều có thể dùng làm thực phẩm, Nopal thực phẩm thuộc 2 họ là Opuntia và Nopalea. Tại Mexico người ta thấy có đến 24 loài, trong đó 15 loài để chăn nuôi gia súc, 6 loài để lấy quả hạt và 3 loài để làm rau xanh cho người (Opuntia ficusindica, Opuntia robusta và Nopalea cochellinifera), nhưng để đạt năng suất cao người Nam Mỹ hay trồng nhất là xương rồng Nopal loại Opuntia ficus-indica.

Ở Mexico, xương rồng Nopal thường được bán dạng rau quả tươi sống; dạng đóng hộp hoặc phơi khô chủ yếu để xuất khẩu ra nước ngoài. Thống kê cho thấy một người dân Mexico mỗi năm dùng trung bình đến 6,4 ký xương rồng. Rất nhiều món ăn, thức uống của Mexico sử dụng xương rồng Nopal làm nguyên liệu như: huevos con nopales (trứng với nopal), carne con nopales (thịt với nopal), tacos de nopales (bánh mì chiên giòn nopal), salads de nopales (xà lách nopal), Nopalea (nước uống nopal),...

Các đầu bếp chuyên nghiệp, nhiều bà nội trợ chế biến xương rồng bằng cách xào, nấu canh, làm lẩu... như các loại rau thực phẩm thông thường khác, tạo ra cả trăm món ăn ngon, hợp khẩu vị. Thành phần dinh dưỡng của 100 gam xương rồng Nopal: Năng lượng 27 kcalo; protid 1,7 gam, lipid 0,3 gam, glucid dạng xơ sợi hòa tan và không không hòa tan, pectin, mucilage; nhiều loại vitamin như vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin K, vitamin PP (niacin); nhiều chất muối khoáng như calci, magnesi, kali, mangan, sắt, đồng và đặc biệt có rất nhiều chất chống oxy hoá.

Dầu béo trong hạt xương rồng chứa các loại axít béo không no, giá trị cao có nhiều ứng dụng trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Các nhà khoa học ở ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM đã chiết tách tinh dầu từ hạt xương rồng Nopal, trồng ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho thấy hàm lượng các axít béo chưa no trong xương rồng Nopal khá cao, từ 63,62 – 69,06%. So sánh với dầu trong các loại hạt khác: dầu ngô (59%), dầu mè (45%), dầu hạt bông (49-58%), dầu đậu nành (51%), dầu hạt hướng dương (68%), dầu hạt thược dược (78%), dầu cọ (10%), hạt thuốc phiện (70%), hạt nho (73%)…

Một điều lý thú là nồng độ axít béo chưa no này tương đương với xương rồng của Tunisia, cao hơn rất nhiều so với dầu hạt xương rồng của Đức và Trung Quốc (Báo Đất Việt).

2. Giá trị dược phẩm

Ngoài chức năng là một loại rau thực phẩm, xương rồng Nopal còn được dùng điều chế một số thuốc biệt dược, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh rối loạn chất mỡ trong máu (thừa cholesterol ), ngộ độc rượu, tiêu chảy, nhiễm virut, thuốc nhuận tràng, u xơ tiền liệt tuyến…

Vì chứa nhiều xơ sợi, pectin và mucilage nên xương rồng Nopal đúng là một thực phẩm chức năng rất tốt để phối hợp cho các bệnh nhân đái tháo đường. Theo nhiều nghiên cứu khoa học ở Mexico, thực phẩm chế biến với xương rồng Nopal làm giảm đường máu và insulin máu rõ rệt ở các bệnh nhân đái tháo đường thể 2 (NIDDM).

Theo nhiều nhà nghiên cứu, xương rồng Nopal là cây thực vật duy nhất có đủ 24 loại betalain hiện có. Betalain là những sắc tố đa vòng phenol (polyphenolic pigment compounds) trong cây củ cải đường (beet) và một vài loại cây khác; màu đỏ tím hoặc vàng cam của xương rồng Nopal là do các betalain này.

Rất nhiều tạp chí, công trình khoa học chứng minh những tác dụng dược lý rất tốt của xương rồng Nopal:

* Các nghiên cứu của Viện Y học quốc gia, NIH, Hoa Kỳ, kết luận Nopal rất tốt cho người đái tháo đường, béo phì và rối loạn mỡ máu.

* Các nghiên cứu tại Khoa Dược, ĐH Sookmyung Women, Seoul, Hàn Quốc đăng trên tạp chí Fitoterapia (2001) cho thấy tác dụng kháng viêm rất mạnh của dịch chiết Nopal.

* Các nghiên cứu đăng trên Journal of Agricultural Food Chemistry (2002), Hoa Kỳ, các betalains của xương rồng Nopal có tác dụng loại bỏ các gốc tự do thừa và chống oxy hoá mạnh.

* Các nghiên cứu của ĐH Palermo (2004), đăng trên American Journal of Clinical Nutrition, Hoa Kỳ, khẳng định khả năng chống oxy hoá của xương rồng Nopal.

* Tạp chí Prevention, USDA (2006), xương rồng Nopal là chất chống oxy hoá rất tốt, một “superfruit” không thua gì các loại trái dâu.

Nhiều công trình khoa học của nhiều hãng dược phẩm danh tiếng như Desert Bloom, Inc Sonoran Bloom (Mỹ), Nopalea Bloom (Mexico)… đã chứng minh rằng: chiết xuất từ xương rồng Nopal còn có tác dụng tăng sức đề kháng, tăng miễn dịch, bổ trợ chức năng gan…

3. Sinh trưởng của xương rồng Nopal

Xương rồng Nopal là một cây rất dễ tính. Vốn là cây của sa mạc, với đặc điểm hình thái phù hợp: lớp bì sáp trên lá dày tránh mất nước, cành lá chứa một lượng lớn nhu mô có tác dụng như một “bể nước” cho mô diệp lục tố hoạt động, xương rồng Nopal có thể sinh trưởng và phát triển trên đất cát sa mạc, trên các vùng đất khô cằn, đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng với một lượng mưa hằng năm cực thấp.

Ở Mexico, nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc cho thấy, nếu được chăm sóc tốt, bón phân, tưới nước đầy đủ như các loại cây lương thực khác thì xương rồng Nopal cho năng suất rất cao, có thể đạt đến 100- 120 tấn/héc ta.

Ở Việt Nam, cũng có loại xương rồng tai thỏ bản địa mọc tự nhiên; nông dân cũng có dùng cho gia súc, nhưng chưa có thói quen dùng làm thực phẩm cho người. Xương rồng Nopal châu Mỹ được du nhập và nghiên cứu từ năm 2002 tại Trung tâm Sinh học Thực nghiệm. Hiện nay chúng ta đã nhân giống thành công xương rồng Nopal bằng hai phương pháp nuôi cấy mô và kỹ thuật nhân nhánh. Theo Th.S Đặng Thu Hằng, TT Sinh học Thực nghiệm, Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH- CN, thì từ 2003-2005 xương rồng Nopal đã được nuôi cấy, nhân giống và đưa ra trồng thực nghiệm; năm 2006-2007 Trung tâm đã đưa trồng khảo nghiệm tại Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo TS Lê Công Nông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp, Nha Hố, Ninh Thuận (2007), Viện đã tuyển chọn và khảo nghiệm thành công 19 loại xương rồng thực phẩm, bao gồm 10 giống làm thức ăn gia súc, 6 giống làm rau thực phẩm và 6 giống ăn quả.

Theo TS Phan Quốc Anh, đầu năm 2009 TT Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ KH- CN đã thông qua đề án “Tiếp nhận, đánh giá tính thích ứng của giống nhập nội và nghiên cứu phát triển cây xương rồng Nopal ở Ninh Thuận” do PGS TS Lê Tất Khương chủ trì.

Theo Nguyễn Thị Ngọc Mai, Lương Thị Loan, Viện Thổ Nhưỡng- Nông hoá (2010), hiện nay chúng ta đã nhân giống được 15 loại xương rồng Nopal gồm 7 loại Nopal rau, 5 loại Nopal ăn quả và 3 loại Nopal làm thức ăn cho gia súc. Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH- CN cũng đã có công trình trồng xương rồng Nopal thử nghiệm trên quần đảo Trường Sa để làm rau xanh cho bộ đội, kết quả bước đầu rất khả quan, cây xương rồng sống và phát triển tốt đến 90%.

4. Kiến nghị

Nước ta hình cong chữ S, khúc ruột miền Trung như chiếc đòn gánh “cằn cỗi” gánh hai thúng lúa, đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Tìm cây gì, con gì cho miền Trung khô cằn, sỏi đá là một bài toán nông nghiệp quan trọng.

Vùng khô hạn (nắng gió nhiều, mưa quá ít) như nam Khánh Hoà, tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận có đàn gia súc (bò, dê, cừu..) hơn 1 triệu con và đang tăng trưởng nhanh 20- 25% mỗi năm; do đó nhu cầu thức ăn gia súc là rất lớn, đặc biệt vào 6 tháng mùa khô. Trong khi đó, vùng nam Trung bộ có đến cả trăm ngàn héc ta đất không đủ nước tưới và có nguy cơ hoang mạc hoá.

Cùng với cây neem, xương rồng Nopal đã được chứng minh là cây rất tốt để canh tác tại đây. Ngoài việc cung cấp thức ăn cho gia súc, rau xanh và thuốc chữa bệnh cho con người từ xương rồng Nopal còn có tác dụng che phủ đất cát, chống xói mòn, rửa trôi và góp phần cải thiện nguồn nước ngầm quý hiếm.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...