| Hotline: 0983.970.780

Trừ sâu cuốn lá không khó

Thứ Tư 09/07/2014 , 08:15 (GMT+7)

Sâu cuốn lá hại lúa là đối tượng dễ phòng trừ nhưng nông dân rất dễ bị mất mùa do loại sâu này gây hại. 

Điển hình năm 2010 ở Nghệ An nhiều hộ gần như không được thu hoạch do sâu cuốn lá nhỏ gây hại.

Vụ mùa 2014 lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại rất nặng, mật độ trung bình khoảng 80 - 100 con/m2, nơi cao từ 200 - 300 con/m2, có nhiều đám ruộng không còn một lá xanh.

Vụ mùa 2014 huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) gieo cấy khoảng hơn 5.300 ha lúa, trong đó sâu cuốn lá lứa 3 gây hại nặng khoảng 1.200 ha. Mặc dù Trạm BVTV huyện đã ra nhiều thông báo chỉ đạo nhưng do tính chủ quan của bà con nên nhiều diện tích thiệt hại.

Theo chân ông Lê Viết Hùng, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện men theo bờ kênh của xã Hưng Đạo đến cánh đồng của xóm 4 nhìn từ xa không phải là màu xanh của lúa thì con gái mà là một màu trắng do sâu cuốn lá gây hại, duy nhất có một đám còn xanh.

Hỏi thăm chúng tôi được biết là ruộng của chị Nguyễn Thị Phượng. Qua trao đổi chị Phượng cho biết, vụ này diện tích xuống giống vào cuối tháng 5 đều bị sâu cuốn lá gây hại nặng. Nhà chị làm 12 sào tương đương 0,6 ha nhưng có 7 sào cấy trước bị sâu cuốn lá gây hại. Nhờ có kinh nghiệm trong việc phòng trừ nên ruộng nhà chị bị hại nhẹ hơn.

Chị Phương chia sẻ, để phòng trừ sâu cuốn lá không khó nhưng điều quan trọng là phải thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm thì chỉ cần phun 1 lần là khỏi ngay. Khi thăm đồng mà thấy bướm bay nhiều thì khả năng sẽ có một lứa sâu sắp gây hại, vì vậy cần phải dùng thuốc có tính nội hấp lưu dẫn kéo dài như Virtako 40WG phun với liều 2 gói phun kỹ cho 1 sào 500 m2 là không phải lo.

Năm nay do bận nhiều việc nên chị không thăm đồng thường xuyên. Khi ra ruộng thấy lúa bị sâu cuốn vào lá và đã có một số lá trắng. Chị vội chạy đến Trạm BVTV huyện mua Angun 5 WG về phun để cứu lúa như mọi khi. Nhưng xuống trạm chị gặp được ông Lê Viết Hùng, Trạm trưởng tư vấn sử dụng thuốc Obaone 95 WG. Ông bảo đây là thuốc mới của Cty CP BVTV An Giang rất hiệu quả .

Quả thật chị về phun theo hướng dẫn thì sau 3 ngày ra kiểm tra sâu đã chết sạch. Chị Phương trao đổi thêm: “Nếu phát hiện sớm từ khi thấy bướm bay nhiều đến khi sâu mới bắt đầu cuốn vào lá lúa thì dùng Virtako 40WG vừa trị được sâu cuốn lá vừa hạn chế được rầy. Nếu phát hiện muộn mà sâu đã lớn và gây hại trắng một số lá thì chỉ dùng thuốc Angun hoặc Obaone phun sau 3 - 4 ngày sâu chết hết".

Theo ông Lê Viết Hùng, nông dân ở đây gần thành phố nên không mặn mà với ruộng đồng. Vì vậy lứa sâu cuốn lá này Trạm BVTV đã dự tính dự báo được, UBND huyện cũng ra thông báo phòng trừ đến tận các xã nhưng hầu như không mấy ai xử lý.

Nông dân có tập quán là khi thấy sâu cuốn vào tổ thậm chí là trắng lá rồi mới đi phun. Đối với lứa này nếu có trắng lá thì cây lúa đang ở thời kỳ đẻ nhánh có khả năng xử lý được. Nhưng lứa 4 sắp tới trùng vào giai đoạn lúa đứng cái làm đòng mà để trắng lá mới phun thì mất mùa là cái chắc.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.