| Hotline: 0983.970.780

Trụ vững trên đồng đất quê hương từ phát triển trang trại

Thứ Hai 06/03/2017 , 14:05 (GMT+7)

Từ bỏ công việc có mức lương khá tại một doanh nghiệp, anh Đỗ Đức Hoàn (SN 1983) ở thôn Tân Tiến, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) trở về quê làm nông nghiệp. 

Bằng nghị lực vượt khó, tổ chức sản xuất hợp lý, anh đã làm giàu từ đồng đất quê hương...
 

Không chùn bước

Đến thôn Tân Tiến hỏi thăm nhà anh Đỗ Đức Hoàn, tôi được các cô, bác ở đây nhiệt tình chỉ dẫn. "Nhà Hoàn, Bí thư Chi đoàn thôn, chủ trang trại phải không? Cứ đi qua cổng làng, đi thẳng gần 100m nữa là đến".

20161129063716-img-9193121954373
Anh Hoàn (ngoài cùng) kiểm tra sự sinh trưởng của cây có múi
 

Dừng chân bên ngôi nhà 2 tầng khang trang xây kiểu biệt thự hiện đại, tôi thấy một thanh niên nhanh nhẹn ra đón, nở nụ cười tươi. Đó là anh Hoàn, một trong hai đoàn viên nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang được trao giải thưởng Lương Định Của 2016.

"Ra Hà Nội, tôi gặp nhiều bạn trẻ có ý chí, tinh thần sáng tạo, chúng tôi cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kết nối, tương trợ để mở rộng thị trường, chia sẻ thông tin", anh Hoàn nói. Trở về nhà sau một ngày vui, anh nhanh chóng khoác bộ quần áo bảo hộ lao động để làm công việc ở trang trại. Cuộc trò chuyện giữa tôi với anh thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi có người gọi điện đến chúc mừng, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi.

“Để có thành công và được nhiều người quan tâm như vậy chắc hẳn anh phải có những bí quyết của riêng mình?”- tôi hỏi. Anh khiêm tốn: “Chẳng có gì đâu, chỉ là tôi kiên trì, không ngại đương đầu với khó khăn, quyết tâm theo đuổi điều mình đã chọn”.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Luyện kim (tỉnh Thái Nguyên), anh vào làm tại một công ty ở Hưng Yên. Nhờ chịu khó, ham học hỏi, anh được chủ doanh nghiệp tin tưởng giao cho quản lý dây chuyền sản xuất, nhận mức lương khá hơn nhiều công nhân khác. Thế nhưng khi công việc đang ổn định thì anh nghỉ việc về quê.

"Tôi đi làm thuê xa nhà, chi phí sinh hoạt tốn kém, dù lương có cao thì cũng chỉ đủ sống, khó có thể làm giàu, trong khi nhiều người bạn cùng trang lứa năng động, dám nghĩ, dám làm đã có cơ nghiệp vững chắc. Suy nghĩ như vậy nên tôi về quê, bắt tay vào những dự định mới", anh tâm sự.

Anh Hoàn xác định, nhà nông muốn có thu nhập cao phải có đất. Do đó, giữa năm 2013, anh đến một số hộ trong thôn thuê lại hơn một mẫu ruộng trũng để trồng dưa, rau màu với mức 500 nghìn đồng/sào/năm. Hăng say với ruộng vườn, ngày ngày anh cuốc đất, vun xới, chăm sóc tỉ mỉ từng loại cây trồng. Đủ dinh dưỡng, nước tưới, sau khi xuống giống, những luống rau, những vạt dưa sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi ngày ra thăm đồng, thấy trái dưa hấu lớn dần, ẩn mình dưới lớp lá xanh, anh có thêm hy vọng.

Thế nhưng, đúng như câu nói: “Người tính không bằng trời tính”, gần đến ngày thu hoạch xảy ra trận bão. Cả khu đồng trắng băng nước. Xót công, xót của, anh lấy bao tải dứa đựng cát, sắn đất đắp bờ, trắng đêm bơm, tát nước với hy vọng vớt vát được chút nào hay chút ấy.

“Ngày mưa nhưng đêm trời tạnh. Tôi vừa dùng máy hút, vừa lấy khau tát nước để khắc phục úng ngập. Cứ mải mê làm chỉ đến khi người rét run, nước chỉ còn xâm xấp ở dõng luống, bàn tay trắng nhợt mới biết là trời đã sáng. Nhưng ngay sau đó, trời nắng to, rau, dưa bị thối rễ, bao chi phí, công sức mất hết".

Sau một vụ thất thu giúp anh nghiệm ra rằng, làm nông không thể theo kiểu “ăn xổi”. Do nghĩ cây rau màu trồng trong thời gian ngắn là được thu, vì vậy mà không tính đến yếu tố bất lợi của thời tiết, anh trồng rau trên đất trũng mới dẫn đến mất trắng như vậy.
 

Không cho đất nghỉ

Không lùi bước trước thất bại, khó khăn, anh Hoàn tiếp tục công việc. Không dừng lại ở diện tích đất hiện có, anh mua hơn 2,5 mẫu ruộng và thuê hơn 3,5 mẫu nữa trong vòng 10 năm để sản xuất. Rút kinh nghiệm, trước khi trồng cây gì, nuôi con gì anh đều tìm hiểu thị trường; đến các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương học hỏi kỹ thuật để quay vòng sản xuất liên tục, không cho đất nghỉ.

20161129063950-img-9239121951990
Đàn gà Đông Tảo của gia đình anh Hoàn

 

Thấy cây có múi và gà Đông Tảo đầu ra thuận lợi nên ông chủ trẻ chọn hai đối tượng này. Cùng đó, anh vay vốn tôn cao ruộng đất để làm vườn, dành ra một phần diện tích để đào ao nuôi cá, trữ nước. Đồng vốn ít ỏi, có lúc vợ chồng anh phải vay tiền với lãi suất cao để trang trải công thợ. Vừa làm vừa lo trả nợ khiến anh gầy sọp.

Có lẽ ý chí, nghị lực đã giúp anh không gục ngã. Sau nhiều ngày bám đồng, bám ruộng, dày công cải tạo, vùng đất rộng đã thành một trang trại trù phú với vườn cây có múi xanh tốt. Xung quanh trang trại có những dãy chuối đang ra quả. Bước qua chiếc cầu gỗ, chúng tôi vào khu vườn cam sắp được thu hoạch. Bên luống cam Canh trĩu quả, anh Hoàn nói: “Những cây này đã trồng được hơn 3 năm, dựa vào tình trạng của cây, tôi chỉ để lại quả một phần diện tích, sang năm mới cho ra quả cả vườn. Toàn bộ khu vực này được tưới bằng hệ thống phun mưa, tự động, chỉ cần nhấn nút là nước rải đều khắp. Bởi thế, việc chăm sóc cây trồng tương đối thuận lợi”.

Học hỏi ở các nhà vườn giàu kinh nghiệm, vụ này, anh đã biết cách chọn mầm hoa để cam Canh ra quả đều và đậu quả vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra, anh tận dụng nguồn chất thải của gà, vịt ủ hoai mục bón cho cây nên tiết kiệm một phần chi phí đầu vào. Cạnh vườn là ao nuôi cá kết hợp với thủy cầm có bờ bao kiên cố; tiếp đến là khu chăn nuôi gà ta, gà Đông Tảo với quy mô hơn 2 nghìn con/lứa.

Theo anh Hoàn, nuôi gà Đông Tảo không khó. Đây là loài ưa vận động, không quen nuôi nhốt nên chuồng trại càng rộng càng tốt, gà sẽ nhanh lớn và thịt bảo đảm chất lượng. Sau 8 tháng nuôi, gà được xuất chuồng. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro bởi dịch bệnh cần tiêm vắc-xin ngay khi gà mới nở, nuôi nhốt trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Một điều cần lưu ý là phải mua giống chuẩn, thuần chủng thì mới bán được giá.

Nâng con gà Đông Tảo trên tay, anh Hoàn bật mí: “Tôi đang khảo sát một số địa bàn để cùng bạn bè tiếp tục thuê đất mở rộng sản xuất. Dịp này, bà con đang để đất trống nên phải tranh thủ tổ chức họp dân, việc thỏa thuận mới xuôi chèo, mát mái. Sinh ra ở nông thôn, tôi thấy tiếc khi nhiều hộ đang bỏ ruộng ở vụ đông. Vì mình có sức, có nguồn lực nên cố gắng đưa cây trồng vào canh tác, sử dụng hiệu quả quỹ đất".

Chính vì công việc gấp gáp mà ngay khi chia tay khách, anh phủi qua lớp bụi trên áo rồi cưỡi "con ngựa sắt" để đến gặp gỡ người dân. Từ trải nghiệm của bản thân, anh hy vọng sẽ cùng với những thanh niên nông thôn nhân lên tinh thần khởi nghiệp.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.