| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc đang khát thịt, sữa và thủy sản

Thứ Hai 18/11/2019 , 13:47 (GMT+7)

Trong quý 3 vừa rồi, nhập khẩu các sản phẩm thịt, sữa và thủy sản của Trung Quốc đã lần dầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD.

Trung Quốc đang khát thịt.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong quý 3/2019, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng thịt, sữa và thủy sản của Trung Quốc đã đạt 10,11 tỷ USD, tăng tới 42% so với quý 3/2018.

Đây là lần đầu tiên, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng nói trên vào Trung Quốc vượt mốc 10 tỷ USD chỉ trong 1 quý.

Trong đó, giá trị nhập khẩu thủy sản là 3,86 tỷ USD, tăng 28% so với quý 3/2018. Giá trị nhập khẩu thịt là 4,79 tỷ USD, tăng tới 74%. Còn giá trị nhập khẩu sữa là 1,46 tỷ USD (không bao gồm sữa công thức cho trẻ sơ sinh), tăng 6%.

Những con số nói trên cho thấy Trung Quốc đang rất khát các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nhất là thịt và thủy sản.

Dịch tả lợn châu Phi là nguyên nhân chính khiến cho Trung Quốc phải tăng rất mạnh việc nhập khẩu thịt và phần nào làm tăng nhập khẩu thủy sản của nước này.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong tháng 9/2019, quy mô chăn nuôi lợn của Trung Quốc giảm tới 41,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Quy mô đàn lợn nái tại Trung Quốc cũng giảm 38,9% trong tháng 9/2019, sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại tất cả các tỉnh thành của nước này.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 31,81 triệu tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi hoành hành trên phạm vi cả nước. Quy mô chăn nuôi lợn cũng giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 306,75 triệu con vào cuối tháng 9/2019.

Một số nhà phân tích và hoạt động trong ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc cho rằng mức độ suy giảm thậm chí còn lớn hơn so với con số do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra. Tổng sản lượng thịt của Trung Quốc, bao gồm thịt lợn, thịt bò, thịt cừu và thịt gia cầm giảm 8,3% trong 9 tháng đầu năm 2019 xuống còn 55,08 triệu tấn.

Đáng tiếc là trong cơn khát thịt của Trung Quốc, Việt Nam lại chưa thể tận dụng được, bởi đàn lợn của nước ta cũng đang bị hao hụt đáng kể do dịch tả lợn châu Phi, nên hiện còn thiếu hụt so với nhu cầu trong nước. Do đó, các cơ quan chức năng đang phải tích cực ngăn chặn việc xuất khẩu lợn sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Thịt gà đông lạnh, thịt gà chế biến của Việt Nam lại chưa được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, dù nguồn gà nuôi ở nước ta (nhất là gà công nghiệp) đang khá dồi dào. Trong khi đó, Thái Lan nhờ được xuất khẩu thịt gà sang Trung Quốc, đã tận dụng rất tốt cơn khát thịt ở nước đông dân nhất thế giới.

Theo Hiệp hội các nhà chế biến, xuất khẩu gà thịt Thái Lan, trong 7 tháng đầu năm nay, do Trung Quốc thiếu hụt trầm trọng thịt lợn, xuất khẩu thịt gà của Thái Lan sang Trung Quốc đã tăng đột biến tới 700% và đạt 33.500 tấn.

Vì vậy, niềm hy vọng của Việt Nam đang đặt vào các mặt hàng sữa và thủy sản.

Tôm Việt Nam đang phục hồi về tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhu cầu nhập khẩu sữa của Trung Quốc tăng không nhiều, nhưng với giá trị nhập khẩu tới 1,46 tỷ USD chỉ trong quý 3, đủ để thấy đây là một thị trường lớn như thế nào cho các mặt hàng sữa.

Trong tháng 10 vừa rồi, Việt Nam đã tiến hành xuất những lô sữa chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam gia tăng mạnh về giá trị xuất khẩu sữa sang Trung Quốc trong thời gian tới.

Với thủy sản, theo bà Lê Hằng, PGĐ VASEP PRO, xuất khẩu tôm và cá tra sang Trung Quốc đang có xu hướng hồi phục mạnh, nhờ nhu cầu ở Trung Quốc tăng trong những tháng cuối năm và các doanh nghiệp đã đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường này.

Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã đạt trên 976 triệu USD, tăng 14,48% so với cùng kỳ 2018.

Sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc càng có ý nghĩa trong bối cảnh một số thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Hàn Quốc… bị giảm. Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước tuy vẫn còn giảm, nhưng mức giảm đến hết tháng 10 chỉ còn khá nhẹ (ước giảm 1,5% so với cùng kỳ 2018).

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất